Nhà thờ Bùi Chu có thể cải tạo vì còn tốt

Ngay sau khi có tin nhà thờ Bùi Chu sẽ phải hạ giải vào ngày 13/5 sắp tới, rất nhiều nhân sĩ trí thức đã lên tiếng phản đối. Các nhóm kiến trúc sư, những người quan tâm đến di sản đã làm đơn gửi Giám mục giáo phận Bùi Chu, tòa thánh Vatican, UNESCO, các lãnh đạo cao cấp... để hy vọng giữ lại ngôi thánh đường hơn 130 tuổi này.

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885 ảnh: Minh Đức

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885 ảnh: Minh Đức

“Kết cấu của ngôi thánh đường có thể đứng vững nhiều thế kỷ”

Ngày 11/3, Giám mục giáo phận Bùi Chu, cha Thomas Vũ Đình Hiệu đã gửi Thư ngỏ về việc trợ giúp đại tu Nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Theo đó, cha Hiệu cho rằng: “Trải qua thời gian trên 130 năm, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng: tường bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái nhà thờ cũng bị rớt xuống, ảnh hưởng tới việc thờ phượng và gây nguy hiểm cho bà con”. Sau đó, cha Hiệu kêu gọi giáo dân, quý chức giáo phận... giúp đỡ để đại tu nhà thờ.

Thông tin này lan tỏa trên facebook và gần như lập tức, một làn sóng kêu gọi giữ lại nhà thờ Bùi Chu được phát động.

Kiến trúc sư Sơn Đặng (người có kinh nghiệm làm dự án nằm trong các khu vực được khoanh vùng di sản ở Mỹ) một trong những người đầu tiên lên tiếng “cứu Bùi Chu” cho biết: “Một số kiến trúc sư, kĩ sư và chuyên gia trùng tu mấy hôm nay đã xuống Bùi Chu khảo sát sơ bộ và đều đưa ra kết luận giống nhau, là việc trùng tu không có gì trở ngại về mặt kĩ thuật. Dĩ nhiên là cần có các khảo sát chuyên sâu hơn về nền móng, nhưng hiện trạng thì vẫn thấy chắc chắn, không có dấu hiệu sụt lún. Với phần mái bị hư dột thì việc thay mới là dễ dàng”.

Trước đó, nhóm Save Heritage Vietnam đã có thư gửi Đức giáo hoàng Phanxicô tại Rome xin giữ lấy nhà thờ Bùi Chu – một di sản văn hóa, kiến trúc, tôn giáo 134 tuổi của Việt Nam có “vẻ đẹp với lối kiến trúc pha trộn Đông Dương bản địa và Baroque (Tây Ban Nha) và trên hết là các giá trị phi vật thể trong lịch sử của ngôi thánh đường này”.

Bức thư này có phiên bản bằng tiếng Anh và tiếng Đức, trong đó khẳng định: “Ngôi thánh đường đã được xây dựng rất công phu bởi nhiều thợ thủ công khéo léo của địa phương thời bấy giờ và được cải tạo hai lần vào năm 1974 và 2000. Kết cấu của ngôi thánh đường có thể đứng vững nhiều thế kỷ”.

Hai ngày trước, nhóm Save Heritage Vietnam cũng đã mời được GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính xuống Nam Định tiếp tục khảo sát tình trạng nhà thờ Bùi Chu. Kết luận sơ bộ của GS Kính là: "Có thể cải tạo vì còn tốt. Không cần đập đi”. Cụ thể, hiện trạng nhà thờ được kết luận: “Cột chưa rỗng. Tường bị cho là dễ đổ không thể đổ vì là tường bao, không nứt vì không chịu lực. Chỉ bị dột mà trần vôi rơm chưa bị hỏng. Vì thế, có thể trùng tu và cải tạo tốt, thậm chí chưa có tiền thì có thể làm từ từ”...

Bùi Chu xứng đáng là một di sản quý

Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu (xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được xây dựng theo phong cách kiến trúc Baroque, khánh thành năm 1885, xứng đáng là một công trình quý về kiến trúc, điêu khắc và mỹ thuật nói chung.

Kiến trúc sư Sơn Đặng cho rằng: “Trong Giáo Luật Giáo Hội Công Giáo, điều 1215 ghi nhận Giám Mục giáo phận như người có thể ban hành văn bản quyết định việc xây cất nhà thờ. Điều 1216 liền sau đó có quy định là việc xây dựng cần hỏi ý kiến chuyên gia và giữ những nguyên tắc về phụng vụ và nghệ thuật thánh. Đối với nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi, được xếp hạng di sản hay không cũng chỉ là thêm danh xưng và giấy chứng nhận. Với tầm vóc lịch sử và các giá trị kiến trúc đi kèm, Bùi Chu xứng đáng là một di sản quý. Hãy đối xử với Bùi Chu như một di sản tầm quốc gia, và còn hơn thế nữa”.

Cuối tháng 4, ông Martin Rama (cố vấn cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) và là Giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã có thời gian dài sống tại Việt Nam) đã gửi thư ngỏ cho cha Vũ Đình Hiệu kêu gọi giữ lại Bùi Chu cũng khẳng định: “Có lẽ không có một nhà thờ nào trong số các nhà thờ Công giáo ở miền Bắc Việt Nam tự mình có đủ điều kiện là di sản thế giới. Nhưng khi liên kết với nhau thành một mạch, chúng là một chuỗi kiến trúc độc đáo trên phạm vi toàn cầu. Những công trình tuyệt đẹp này kết hợp kiến trúc Pháp từ thời Beaux Arts với những nét chạm khắc rõ nét của Việt Nam, bao gồm các cột gỗ và trang trí bằng vữa gợi nhớ đến những ngôi chùa truyền thống”.

Anh Sơn Đặng khi so sánh nhà thờ Bùi Chu với những kiến trúc tương tự trên thế giới cho biết: “Tôi đã từng đi thăm chuỗi nhà thờ Jesuit Missions thế kỉ 17-18 ở Bolivia được công nhận là di sản thế giới UNESCO và ngạc nhiên nhận ra là chuỗi nhà thờ cổ ở miền Bắc Việt Nam thế kỉ 19, trong đó có Bùi Chu, có những giá trị ngang tầm và đôi chỗ còn vượt trội hơn chuỗi nhà thờ cổ của Nam Mỹ. Cầm giữ những báu vật trong tay tầm quốc gia thậm chí là quốc tế, thiết nghĩ Giám mục Bùi Chu nên tạm dừng việc phá bỏ xây mới, mà hãy nên lắng nghe nhiều hơn ý kiến các chuyên gia hàng đầu trong nước, theo như khuyến nghị của điều 1216 của Giáo Luật, nhằm đưa ra quyết định sáng suốt nhất”.

Nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng góp sức để giữ lại Bùi Chu

Cá nhân ông Martin Rama trong thư ngỏ của mình có đề xuất sẵn sàng dành thời gian ở Việt Nam, cung cấp mọi sự hỗ trợ “để làm cho các nhà thờ Pháp cổ ở miền Bắc tỏa sáng như một báu vật của Việt Nam”. Ông Martin cũng gợi ý, nếu được trùng tu: “Những nhà thờ này (trong đó có nhà thờ Bùi Chu) có thể là một phần của một mạch du lịch rất thành công, mang lại việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, cũng như mang lại nguồn lực cần thiết cho việc duy tu và cải tạo chúng”.

Nhóm kiến trúc sư độc lập của tổ chức Save Heritage Vietnam thậm chí đã kêu gọi được các chuyên gia, các nhà chuyên môn sẵn sàng chung tay Giáo phận Bùi Chu để có một phương án duy tu, bảo tồn hiệu quả và ít tốn kém nhất, cả những phương án sáng tạo cho vấn đề thiếu không gian.

Kiến trúc sư Sơn Đặng hơn một lần nhắc lại, anh sẵn sàng quyên góp trong trường hợp nhà thờ Bùi Chu được giữ lại để trùng tu. “Bùi Chu cần được trùng tu để đứng vững với thời gian, chứ không phải là tạo ra một phiên bản giả bằng cách đập đi xây mới gần giống như cũ. Nếu cần, có thể tổ chức quyên góp trên toàn quốc để có kinh phí đủ cho công tác trùng tu.

Cá nhân tôi, dù không theo đạo Công Giáo, cũng rất sẵn lòng đóng góp. Nếu muốn xây thêm nhà thờ mới to và rộng hơn để phục vụ nhu cầu tôn giáo gia tăng, Giám Mục có thể kêu gọi hiến tặng đất từ giáo dân. Hoặc chính quyền nên tạo điều kiện cấp miếng đất công khác gần đó cho nhà thờ. Hoặc có thể kêu gọi gây quỹ để mua thêm đất mới. Nói chung là có nhiều cách để không phải đập bỏ Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi”. Anh Sơn kết luận.

Nội thất bên trong nhà thờ

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885

Nhìn lại số phận của nhà thờ Trà Cổ và Bùi Chu, thiết nghĩ phía Nhà thờ cần lập ra một Hội đồng Chuyên môn, gồm chuyên gia các lĩnh vực Văn hóa, lịch sử, kiến trúc và di sản, nhằm tư vấn cho các giáo xứ cách ứng xử tốt nhất với di sản của họ. Sớm nhất có thể, họ nên rà soát và đưa ra một danh sách những nhà thờ nào có giá trị đặc sắc nhất của 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình và lập đề án trùng tu. Họ cũng nên trình danh sách này lên UNESCO để xem xét việc xếp hạng di sản thế giới cho chuỗi nhà thờ này. Chuỗi nhà thờ di sản sẽ mang lại nguồn thu nhập đều đặn từ du lịch cho nhà thờ, địa phương và cộng đồng. Đây là điều mà Bolivia đã làm thành công với chuỗi nhà thờ cổ Jesuit Misions. (KTS Sơn Đặng)

“Hy vọng rằng qua trường hợp này, chúng ta không chỉ cứu được Nhà thờ cổ Bùi Chu mà còn rung một hồi chuông về trách nhiệm với di sản của cộng đồng, của chính quyền, của các cơ quan chuyên môn chứ không chỉ là những người sở hữu những di sản ấy. Bởi vì giá trị của di sản thuộc về cả cộng đồng”. (Save Hertitage Vietnam)

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nha-tho-bui-chu-co-the-cai-tao-vi-con-tot-1411237.tpo