Nhà thờ Chính tòa Thánh St Sophia- Kiệt tác nổi tiếng nhất nhì Đông Âu

Nhà thờ Chính tòa Thánh St Sophia ở Kiev được xem là một kiệt tác kiến trúc nổi tiếng nhất nhì khu vực Đông Âu thời Trung cổ. Nhà thờ đã được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1990 và được mệnh danh là một trong 7 kỳ quan của Ukraine, dựa trên phiếu bầu của các chuyên gia và cộng đồng mạng. Năm 2011 đã diễn ra lễ kỷ niệm long trọng một thiên niên kỷ tồn tại của nhà thờ này.

Có lịch sử đầy thăng trầm

Ukraine là quốc gia mà đa số người dân theo Chính Thống Giáo (Ukrainian Orthodox), vì thế các ngôi thánh đường đều được kiến trúc theo lối Ukrainian Baroque (pha trộn giữa trường phái Baroque và Byzantine). Ở thủ đô Kiev, phần đẹp nhất của chính là kiến trúc của các tu viện, thánh đường cổ đã được thành phố Kiev trùng tu lại. Hai trong số các tu viện thánh đường tại Kiev đều nằm trong danh sách di sản thế giới UNESCO, đó là khu tu viện Kiev Pechersk Lavra và nhà thờ Chính tòa Thánh St Sophia gần giữa trung tâm phố cổ.

Nhà thờ Chính tòa Thánh St Sophia được mệnh danh là một trong những nhà thờ cổ tráng lệ nhất thế giới. Tên của nhà thờ xuất phát từ nhà thờ Hagia Sophia thế kỷ thứ 6 ở Constantinople (Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay)- nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính thống giáo Đông phương trong gần 1000 năm- có hàm nghĩa là Trí tuệ bậc Thánh, chứ không phải là thờ một vị thánh cụ thể tên là Sophia.

 Sơ đồ quần thể nhà thờ Thánh Sophia

Sơ đồ quần thể nhà thờ Thánh Sophia

Nhà sử học Nadia Nikitenko cho biết, nhà thờ được thành dưới triều đại của Vladimir Đại đế, cha đẻ của Yaroslav – Đại hoàng tử của liên bang Kievan Rus. Theo các giai thoại được lưu truyền, vua Yaroslav I đã yêu cầu xây dựng hình dáng của nhà thờ này theo hình mẫu nhà thờ thánh Sophia ở Novgorod, bằng vật liệu đá thay vì gỗ sồi như nguyên gốc, một minh chứng cho lòng biết ơn của ông với người dân Novgorod - những người đã giúp ông bảo vệ ngôi vua vào năm 1019. Nền tảng đầu tiên của công trình tại Kiev được thiết lập vào năm 1011, nhưng nhà thờ phải mất hai thập kỷ để hoàn thành.

Sau khi Andrei Bogolyubsky của vua Vladimir-Suzdal chiếm được Kiev vào năm 1169, rồi đến cuộc xâm lăng của quân Tatars Mông Cổ vào năm 1240, nhà thờ đã rơi vào tình trạng hư hỏng và không được sửa chữa. Nó cũng bị hư hại rất nhiều vào thế kỷ 16 khi Ba Lan và Ukraine cố gắng hợp nhất các nhà thờ công giáo và chính thống. Vào thời kỳ này, nhà thờ gần như bị mục nát, mái nhà của nó bị hư hỏng và rất nhiều bức tranh treo tường đã biến mất.

Sau khi Liên minh Brest được thành lập năm 1595-1596, Nhà thờ Sophia thuộc về Giáo hội Công giáo Hy Lạp – Ucraine, cho đến khi nó được tuyên bố chủ quyền vào năm 1633 bởi Tổng giám mục dòng chính thống Moldavia là Peter Mogila (còn gọi là Mohyla). Sau đó Mogila đã ủy thác sửa chữa nhà thờ. Phần trên của tòa nhà được xây dựng lại hoàn toàn, được dựng mô hình bởi kiến trúc sư người Ý Octaviano Mancini theo phong cách Baroque của Ukraine, trong khi vẫn giữ được nội thất Byzantine, nên đã giữ nguyên vẻ đẹp lộng lẫy của nó.

Bên trong nhà thờ Thánh Sophia

Sau Cách mạng Nga tháng 10 năm 1917 và trong chiến dịch chống tôn giáo của Liên Xô vào những năm 1920, sau chiến thắng của Hồng quân trong cuộc Nội chiến Nga ở Crimea, chính phủ yêu cầu phá hủy nhà thờ và biến nơi này thành công viên. Rất may nhà thờ Sophia được cứu khỏi sự hủy diệt chủ yếu nhờ nỗ lực của nhiều nhà khoa học và nhà sử học. Tuy nhiên, vào năm 1934, chính quyền Liên Xô cũ đã tịch thu nhà thờ, bao gồm cả quần thể kiến trúc thế kỷ 17-18 bao quanh, đồng thời biến nó thành một bảo tàng kiến trúc và lịch sử.

Từ cuối những năm 1980, các chính trị gia của Liên Xô cũ và sau đó là Ukraine đã cam kết sẽ trả lại quần thể kiến trúc này cho Nhà thờ Chính thống. Do có nhiều sự phân li và phe phái trong Giáo hội, sự trao trả lại nhà thờ đã bị hoãn, vì cả Giáo hội Chính thống và Công giáo Hy Lạp đều tuyên bố chủ quyền đối với nhà thờ. Mặc dù tất cả các nhà thờ Chính thống đã được phép tiến hành các nghi thức vào một số ngày khác nhau, có những thời điểm khác họ đã bị từ chối vào làm lễ tại nhà thờ.

Hơn nữa đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng trong đám tang của Tổ phụ Volodymyr, giáo trưởng của Nhà thờ Chính thống Ukraine – Kiev vào năm 1995, khi cảnh sát chống bạo động ngăn chặn việc chôn cất ông trong khuôn viên của bảo tàng, dẫn đến một cuộc đụng độ đẫm máu. Từ đó, không có tổ chức tôn giáo nào được trao quyền hoạt động thường xuyên ở nhà thờ. Khu phức hợp này hiện vẫn chỉ là một bảo tàng cho mọi người vào tham quan, hầu hết là khách du lịch.

Nhà thờ cổ tráng lệ nhất thế giới

Nhà thờ Thánh Sophia là một quần thể các công trình tôn giáo, gồm nhà thờ Thánh Sophia là trung tâm và các công trình bố cục xung quanh, gồm tháp chuông, nhà ăn, nhà của các trưởng lão, tu sĩ… Các công trình xung quanh nhà thờ được xây dựng chủ yếu vào thế kỷ 17 và 18. Tồn tại qua nhiều thế kỷ, nhà thờ là minh chứng cho sự hài hòa độc đáo của kiến trúc và thiên nhiên, kiến trúc và tinh thần quốc gia, trở thành một địa điểm quan trọng trong lịch sử phát triển của Kiev.

Nhà thờ thánh Sophia là hiện thân toàn diện của kiến trúc theo phong cách Byzantine, với tổng cộng 5 gian giữa, 5 hậu cung, 13 đỉnh vòm, được bao quanh bởi hai phòng dài.

Toàn bộ được bao quanh bởi các phòng trưng bày hai tầng từ ba phía. Ngoại thất có kích thước từ 37 tới 55m theo các chiều, từng được bao bọc bởi các bệ cột. Ở bên trong, thông qua 40 lỗ nhỏ đặt trong một vòm lớn, ánh sáng tự nhiên được mang vào nhà thờ, làm cho không khí thay đổi, phong nhã và thần bí. Các cột và tường trong tòa nhà được trang trí bởi cẩm thạch nhiều màu sắc. Kiến trúc nhà thờ này nổi tiếng vì có các gian giữa được bổ sung thêm vào khu vực lõi 5 gian, cùng với bố cục không gian hình chóp của nhà thờ mái vòm.

Ngoài ra, nhà thờ đã gây ấn tượng lớn khi vẫn giữ được các bức tranh khảm và bích họa từ thế kỷ thứ 11, bao gồm cả một tác phẩm cũ xưa của gia đình của Yaroslav. Nhiều trong số đó vẫn còn nguyên vẹn sau một thiên niên kỷ.

Bên cạnh nhà thờ là Tháp chuông (Bell tower), được xây dựng vào năm 1699-1706 và được phục hồi lại nhiều lần trong những năm sau này. Tháp cao 76m, dạng một kim tự tháp 4 tầng, thu nhỏ dần theo chiều cao. Trên đỉnh tháp là một mái vòm. Bề mặt của tháp được trang trí vữa với các họa tiết cây cỏ, hoa...rất cầu kỳ và duyên dáng theo phong cách của nghệ thuật dân gian Ukraine. Trong tháp có các bức phù điêu minh họa các thánh tông đồ. Bell tower tại nhà thờ Sophia được cho là một ví dụ tuyệt vời về kiến trúc thế kỷ 18 của người Ukraine, là điểm nhấn ấn tượng trong cảnh quan thành phố Kiev.

Trong quần thể kiến trúc của nhà thờ, không thể bỏ qua Tu viện Kiev Pechersk Lavra, hay còn được gọi là tu viện của các hang động, là một quần thể kiến trúc nằm trên một gò núi nhìn ra bờ phải của sông Dnepr. Tu viện được thành lập vào thế kỷ 11, là một trung tâm tinh thần và văn hóa nổi bật, góp phần đáng kể cho sự phát triển của giáo dục, nghệ thuật và y học thời bấy giờ. Tại đây, công trình không chỉ có hình thức kiến trúc bề mặt độc đáo mà còn có không gian thờ dưới lòng đất và một hệ thống mê cung hang động với các hầm mộ. Trong nhiều thế kỷ, Tu viện Kiev Pechersk Lavra đã trở thành một trong những trung tâm hành hương Kitô giáo quan trọng nhất trên thế giới.

Kiev Pechersk Lavra hiện là một trong những bảo tàng lớn nhất Ukraine. Trong các nhà thờ, tu viện và hang động tại đây lưu giữ một bộ sưu tập các bản in, chân dung giáo sỹ…khắc trên các bề mặt kim loại quý; các bài viết từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20; chén lễ, thánh giá, vải dệt và trang phục của các tu sỹ từ thế kỷ 16; hơn một trăm ngôi hầm mộ với xác ướp của các vị thánh tông đồ hay di tích có liên quan về họ. Quần thể Kiev Pechersk Lavra là một kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Ukraine mang phong cách Baroque…

Hòa An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/4-phuong/nha-tho-chinh-toa-thanh-st-sophia-kiet-tac-noi-tieng-nhat-nhi-dong-au-476573.html