Nhà thơ - doanh nhân Miên Di: 'Ngon và hạnh phúc rất giống nhau'

Sinh năm 1976, nhà thơ Miên Di hiện là ông chủ của chuỗi ẩm thực Miên Di Gourmet nổi tiếng ở phố núi Pleiku (Gia Lai) và sắp tới đây sẽ mở rộng hoạt động ở Sài Gòn, với khát vọng 'làm sống lại ẩm thực dân gian'.

Miên Di đang thiết lập sự nghiệp vững chắc khi biết đem sự tinh tế của tâm hồn thơ vào chế biến ẩm thực…

 Nhà thơ Miên Di.

Nhà thơ Miên Di.

“Tôi dùng sự tinh tế của thơ để tạo tâm hồn cho các món ăn”…

Chào anh Miên Di. Xưa nay những người viết văn, làm thơ hay văn nghệ sĩ làm kinh doanh cũng không phải là hiếm. Nhưng thường thì người ta lấy sự nổi danh để làm ăn, hoặc sau khi giàu có rồi bỗng muốn có chút danh sang trọng. Anh thì như thế nào? Anh đến với thơ trước hay kinh doanh nhà hàng trước?

- Tôi viết tác phẩm văn chương đầu tiên Bà Tôi năm 17 tuổi, nó chỉ là một truyện ngắn 100 chữ, và mừng rơn khi được Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay đăng. Lúc đó, tôi là một chàng trai trẻ lang bạt đầu đường xó chợ, nên có thể nói tôi đến với văn chương trước khi làm kinh doanh.

Thơ bây giờ thuộc về số ít người, nên sự nổi danh của thơ không có giá trị marketing là bao. Thực tế là vậy, nên tôi không dùng thơ để làm ăn. Tôi chỉ dùng sự tinh tế của thơ để tạo tâm hồn cho kiến trúc, dịch vụ và các món ăn của các nhà hàng trong hệ thống của tôi thôi.

Anh vừa nói đến sự tinh tế của thơ. Quả thật là thơ luôn cần đến sự tinh tế, hay nói khác đi sự tinh tế làm nên thơ. Và có cả lòng trắc ẩn nữa. Nhưng bây giờ dường như thơ khước từ tinh tế, thơ đi vào những đại tự sự, những đao to búa lớn. Cá nhân anh nghĩ gì về điều này?

- Nếu khảo sát kỹ, thơ đương đại không chỉ đại tự sự, nó còn là những mảnh tiểu tự sự. Rất nhiều bài thơ của các nhà thơ trẻ ngày nay là những mảng vỡ xã hội, cô đơn, thậm chí dị biệt. Cái hoàn cảnh hậu hiện đại nó thế. Không chỉ riêng gì thơ, mà khuynh hướng kinh tế xã hội bây giờ cũng vậy, con người ngày nay thay đổi hành vi sống rất nhiều so với thời trước. Thơ hay chuyện kinh doanh cũng chỉ là phản ảnh và đáp ứng thực trạng đời sống thôi. Phải chấp nhận một khoảng lùi lịch sử, để hình thành một trật tự mới, một hệ giá trị mới.

D’CI LÀ - một nhà hàng chuyên hải sản, trong chuỗi ẩm thực Miên Di Gourmet.

Kinh doanh ẩm thực là sở thích của anh, hay có một cơ duyên nào khác?

- Tôi yêu cái đẹp, nên yêu cả ẩm thực và thơ. Đặc biệt là ẩm thực dân gian Việt. 14 năm kinh doanh nhà hàng với tâm hồn của một nhà thơ, tôi có nghiên cứu sâu về các món ăn dân gian Việt, và thấy rằng, phần lớn đều xuất phát từ đời sống khó khăn thiếu thốn của dân ta mà thành ra món ăn. Nhưng không phải là cái khó khăn mông muội, mà là khó khăn minh triết, đầy sáng tạo của các cụ ngày xưa.

Và đặc biệt là, chỉ bằng bản sắc - phong vị ẩm thực, cũng đủ nói lên Việt Nam là một dân tộc độc lập và không thể đồng hóa sau cả ngàn năm đô hộ của Trung Hoa.

Anh có phải là người sành ăn?

- Làm kinh doanh ẩm thực là phải sành ăn. Nếu không sành ăn thì dừng ngay kinh doanh ẩm thực lại, kẻo sẽ phá sản.

Mà ẩm thực đôi khi cũng như thơ vậy. Món nào dễ ăn thì khó nấu, món nào dễ dàng nấu được thì khó xơi lắm, vì nó dở như... thơ không hay. Cái sự “ngon” xảy ra trong miệng rất giản đơn và thuần khiết. Nhưng để tạo ra được sự giản đơn thuần khiết ấy, thì chỉ người nào tinh tế, tài tình, và đầy nếm trải mới biết nó phức tạp đến dường nào.

Bao nhiêu năm thăng trầm với nghề ẩm thực, tôi chiêm nghiệm được rằng “ngon” và “hạnh phúc” rất giống nhau. Hạnh phúc giản đơn và thuần khiết, nhưng không hề đơn giản tạo dựng được những điều khiến ta hạnh phúc. Ngon cũng vậy.

“Hãy kinh doanh bằng sự tử tế”

Theo như anh bật mí thì tác phẩm văn chương đầu tiên của anh là văn xuôi chứ không phải thơ? Vậy từ khi nào anh chuyển hẳn từ truyện sang thơ? Hay anh vẫn âm thầm viết truyện?

- Tôi đến với thơ sau những cú sốc vì… kinh doanh thất bại, suýt phá sản, bị nhiều người quay mặt, dè bỉu và khinh rẻ. Lúc đó, thơ là nơi tôi tị nạn tinh thần, để dần lấy lại nhuệ khí tiếp tục đứng dậy sau vấp ngã. Cái đời sống tinh thần nó quan trọng lắm!

Tôi thấy các bạn start-up trẻ ngày nay áp lực nhiều nhưng đời sống tinh thần thì thường thuần túy chỉ là sự giải trí, đi bar, cà phê, hoặc du lịch. Họ thiếu một nơi sâu thẳm trong tinh thần để tị nạn khi vấp ngã, để chuyển hóa mọi áp lực, thất bại trở thành nền tảng tư tưởng - điều mà sẽ là công cụ hữu hiệu cho hành trình lập nghiệp sau này.

Và như thế, nên sau thời gian kinh doanh tôi vẫn làm thơ và viết văn xuôi, ngoài việc đã xuất bản hai tập Thơ miên diLũ buồn hoang, thì tôi vẫn âm thầm viết Tân Dế mèn phiêu lưu ký (đã được sự đồng ý của cố nhà văn Tô Hoài). Tôi đặt chú Dế Mèn vào đời sống đương đại với tâm lý, cách suy nghĩ, và ngôn ngữ của các bạn trẻ bây giờ.

Được biết anh học hành dở dang, trước khi làm kinh doanh, anh làm rất nhiều công việc tay chân. Anh nhìn nhận như thế nào về những người lao động bình thường, những người không đọc sách và không được xem là giới tinh hoa?

- Nếu thành công, quá khứ nghèo hèn, thất học, làm việc tay chân sẽ trở thành tấm huân chương. Đời nó thế. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, thành công không chỉ đo bằng tiền, có những người lựa chọn sự thành công bằng cách nghèo để thanh sạch. Đó là thành công bằng nhân phẩm.

Theo tôi, hiện nay người giàu không đại diện cho giới tinh hoa Việt. Họ thường giàu bằng khai thác tài nguyên thô và sản xuất, thương mại thuần túy. Rất ít hàm lượng công nghệ, văn hóa, sáng tạo để tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa. Anh thấy đấy, người nông dân Việt Nam ta đang bị thực dân kiểu mới, họ làm lụng vất vả quanh năm được vài tấn lúa, bán đi chỉ đủ mua cái điện thoại công nghệ cao nặng... vài lạng. Tài nguyên, nông sản xuất thô ra nước ngoài giá cả bấp bênh, có khi giá bán còn thấp hơn giá thành. Nông dân khổ cực và cay đắng. Các doanh nghiệp khai thác cạn kiệt tài nguyên bỏ lại môi trường sinh thái tan hoang. Vậy thì tinh hoa gì? Khi nào ai đó làm giàu bằng cách tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam và phân phối lại giá trị cho sức lao động Việt, thì mới nói người giàu đó là giới tinh hoa.

Hiện nay, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở nước ta càng nới rộng. Cái gọi là “lợi ích nhóm”, không chỉ có trong lĩnh vực chính trị, mà có hầu như khắp nơi. Người giàu bắt nạt người nghèo, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, thậm chí nhiều người còn dùng quyền lực mạng để bắt bạt những tiếng nói trái chiều… Là một nhà thơ, anh có quan tâm tới những vấn đề này không?

- Không ai thoát khỏi đời sống chính trị, dù có quan tâm hay không. Chính trị có trong quản trị quốc gia, ví dụ nó hiện diện trong chính sách điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện. Mà giá xăng dầu, giá điện tăng thì ảnh hưởng trực tiếp tới từng người, tới chị bán rau, tới anh Grab, tới các tập đoàn, tới anh và tôi. Nên dù là nhà thơ hay doanh nhân thì rốt cuộc tôi cũng phải quan tâm đến những điều đó. Ít nhất, là để trong tác phẩm văn chương của tôi có tính hiện thực, và trong chiến lược của doanh nghiệp có khả năng thích ứng.

Là doanh nhân nhưng tôi luôn trong tâm thế của một người nghèo, cảm thức trong tôi là mình thuộc về giới nghèo. Như câu thơ tôi từng viết “Những ngày khổ đã thành máu thịt/Con chó buồn bỏ nạc, nhớ khúc xương”. Cái tâm thế ấy khiến hệ thống ẩm thực Miên Di Gourmet của tôi có đủ các mô hình và đủ các phân khúc, từ bình dân đến hạng sang. Tôi muốn phục vụ cả người giàu và người nghèo bằng sản phẩm tử tế, không độc hại, không hóa chất, không phẩm màu. Tôi gọi đó là đạo đức hàng hóa. Và đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp tôi.

Anh muốn chia sẻ gì với những bạn trẻ đang khởi nghiệp?

Tôi mong ước tất cả các bạn start-up trẻ hiện nay, cũng đau đáu tạo dựng đạo đức hàng hóa. Nó là thái độ chính trị đấy! Đừng tưởng thái độ chính trị chỉ ở trong những phát ngôn, mà nó còn ở trong tôn chỉ hành động, ở trong cả những hàng hóa mà người kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng. Đó là một “đại tự sự” mà nếu tất cả các start-up trẻ chung tay thực hiện, thì dần dần Việt Nam mới có thể hình thành thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, hoặc chí ít cũng tạo dựng được thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân.

Mà anh biết đấy, nước nào có thương hiệu quốc gia thì các doanh nghiệp của nước ấy hưởng lợi vô cùng, vì thương hiệu quốc gia tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa của các doanh nghiệp nước đó. Vậy theo tôi, cách quan tâm đến chính trị thực tế nhất là hãy kinh doanh bằng sự tử tế, hãy tạo ra đạo đức hàng hóa. Và hãy luôn có niềm tin rằng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ nào tử tế, chất lượng thì sẽ tồn tại.

Một triết gia từng nói “Cái tồn tại là cái hợp lý”, mà không có cái tốt đẹp nào trên đời này mà không mang trong nó sự hợp lý cả.

Anh từng tâm sự, kinh doanh tước đoạt con người ta nhiều thứ, cụ thể là tước đoạt những gì?

- Cuộc sống bình yên.

Thành công phải có cả lý trí lẫn con tim

Có gì mâu thuẫn giữa một nhà thơ (vốn được xem là lơ mơ) với một nhà kinh doanh (vốn được xem là rất tỉnh táo)?

- Không mâu thuẫn gì. Thơ và kinh doanh cũng đều phải làm bằng cả lý trí và trái tim. Tôi không tin có ai làm thơ được mà bỏ qua lý trí để nhận biết chân thật các thân phận rồi mỹ cảm hóa ra thơ. Tôi cũng không tin doanh nhân nào thành công trong kinh doanh chỉ bằng lý trí, mà bỏ qua con tim để tạo nên sự lay động của sản phẩm và cái tâm với khách hàng.

Khách hàng của anh có biết anh là nhà thơ?

- “CEO & Founder của Hệ thống ẩm thực Miên di Gourmet là một nhà thơ” đó là sự khác biệt. Anh biết đấy, kinh doanh là phải có sự khác biệt. Tôi may mắn có sẵn sự khác biệt cho các nhà hàng của mình bằng tâm hồn của một nhà thơ. Khách hàng biết rất rõ điều đó khi trải nghiệm các mô hình, sản phẩm dịch vụ và ẩm thực đầy chất thơ của tôi.

Với 14 năm làm nhà hàng, và với chuỗi nhà hàng hiện nay, có thể xem anh là người thành công?

- Tôn chỉ hành động cho toàn bộ nhân sự doanh nghiệp của tôi là “Một lòng một dạ vì khách hàng, Chúa sẽ vì chúng ta”. Đó cũng là bí quyết.

Được biết sắp tới, anh sẽ “tấn công” thị phần nhà hàng ở Sài Gòn, đây có phải là một quyết định táo bạo, một bước phát triển mới của Hệ thống ẩm thực Miên di Gourmet?

- Tôi thường chia sẻ với các bạn nhân viên trẻ rằng: Bạn vượt qua được cuộc phỏng vấn của doanh nghiệp, là để có một công việc. Nhưng nếu bạn vượt qua được giới hạn của mình, là bạn đã vượt qua cuộc phỏng vấn của chính bạn dành cho chính mình. Và nếu bạn vượt qua được nhiều thử thách để đạt được khát vọng, thì bạn đã vượt qua được cuộc phỏng vấn của cuộc đời. Cho đến lúc chết đi, cuộc sống mà bạn có, thật ra, là những cuộc phỏng vấn. Và các câu trả lời của bạn sẽ còn mãi trên cuộc đời này, dù có thể bạn không bao giờ biết dấu vết của nó.

Suy nghĩ đó có trong tôi từ lúc còn trẻ, và bây giờ vẫn vậy. Tuổi trẻ nghèo khó đã mặc định trong tôi khát vọng vươn lên và khát vọng để lại điều gì đó. Nên chiến lược tầm nhìn của doanh nghiệp của tôi là thực hiện khát vọng ra biển lớn. Hệ thống ẩm thực Miên di Gourmet cần những thị trường lớn hơn, để những giá trị cốt lõi mà tôi và các cộng sự đã dày công xây dựng bao nhiêu năm nay được phát huy hết giá trị của nó.

Xin cảm ơn anh.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nha-tho-doanh-nhan-mien-di-ngon-va-hanh-phuc-rat-giong-nhau-163778.html