Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ban đầu có tên là gì?

Nhà thờ này trước đó là một ngôi chùa nhỏ của người Việt bị bỏ hoang do chiến tranh, Lefebvre cho sửa chữa lại thành nhà thờ Công giáo.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, một kiệt tác kiến trúc Roman - Gothic đã hiện diện trên đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM 139 năm và đang trong quá trình trùng tu, bảo tồn.

Hiện nay, nhiều người vẫn chưa biết về lịch sử xây dựng công trình này. Sách Nhà thờ chính tòa Sài Gòn qua thời gian 1880 - 2015 do Tổng Giáo mục TP.HCM xuất bản và một số tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cung cấp thêm những thông tin đó.

Ba ngôi nhà thờ chính tòa được xây dựng trong 20 năm

Sách Nhà thờ chính tòa Sài Gòn qua thời gian 1880 - 2015 cho biết trước khi chuẩn bị xây ngôi nhà thờ kiên cố, bền vững, xứng tầm là nhà thờ của trung tâm đang phát triển mạnh mẽ (khởi công vào 7/10/1877, khánh thành ngày 11/4/1880) đã có hai ngôi nhà thờ chính tòa được xây dựng trước đó.

Ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên là ngôi chùa bỏ hoang.

Ngôi nhà thờ chính tòa đầu tiên là ngôi chùa bỏ hoang.

Năm 1859, cố đạo Lefebvre đến Sài Gòn (thời điểm này Pháp đã chiếm được thành Gia Định). Do nhu cầu mục vụ, cần nơi chốn cho việc cử hành thánh lễ, năm 1860, ông cho lập ngôi nhà thờ chính tòa Sài Gòn đầu tiên ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế). Nhà thờ này trước đó là một ngôi chùa nhỏ của người Việt bị bỏ hoang do chiến tranh, Lefebvre cho sửa chữa lại thành nhà thờ Công giáo.

Khi các tín hữu ngày càng gia tăng, nhà thờ đầu tiên của cố đạo Lefèbvre trở nên quá nhỏ bé. Năm 1863, Đô đốc Bonard đã quyết định cho khởi công xây dựng ở nơi khác một thánh đường bằng gỗ bên bờ Kênh Lớn (còn gọi là kênh Chợ Vải, kênh Charner, nằm ngay giữa đường Nguyễn Huệ, bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến dinh Đốc Lý nay là UBND TP.HCM).

Lễ khánh thành ngôi nhà thờ chính tòa thứ hai xây bằng gỗ.

Công việc xây dựng nhà thờ hoàn thành năm 1865 và được gọi là Nhà thờ Sài Gòn. Tuy nhiên, vì được xây bằng gỗ, nên nhà thờ này sớm bị mối mọt tàn phá.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ban đầu tên là Nhà thờ Nhà nước

Sách Nhà thờ chính tòa Sài Gòn qua thời gian 1880 - 2015 cho biết năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ mới. Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu roman cải biên pha trộn nét gothic được chọn.

Ban đầu, địa điểm xây cất được đề nghị ở 3 nơi: Trên nền Trường Thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp); khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ) và vị trí hiện nay.

Bản vẽ vị trí xây Nhà thờ Đức Bà do Trưởng sở Nhà ở Dân sự lập ngày 16/9/1873.

Sau khi đề án thiết kế được chọn, Đô đốc Duperré cho đấu thầu việc xây dựng thánh đường và cũng chính kiến trúc sư J. Bourad là người trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình này.

Liên quan việc này, hồ sơ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II có các tài liệu: Bản vẽ vị trí xây nhà thờ Đức Bà do Trưởng sở Nhà ở Dân sự lập ngày 16/9/1873, Chương trình thi đồ án xây dựng nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngày 15/9/ 1875, Quyết định số 9 ngày 8/7/1876 v/v tổ chức trưng bày các bản vẽ thiết kế nhà thờ Đức Bà được gửi lên cho Thống đốc Nam kỳ, Hồ sơ đấu thầu và các văn bản phụ lục về việc xây dựng nhà thờ ngày 28/4/1877 đã cho biết thêm một số thông tin.

Các bản vẽ và dự toán xây dựng gửi lên Thống đốc Nam kỳ được xem xét trước ngày 1/7/1876. Yêu cầu đối với bản vẽ bắt buộc phải niêm phong, gửi kèm theo một lá thư có đầy đủ chữ ký và địa chỉ của tác giả đồ án.

Toàn bộ bản vẽ sẽ đưa ra trưng bày trong vòng 15 ngày tại dinh Thống đốc. Kết quả thi tuyển được Hội đồng thẩm định đánh giá và Thống đốc thông qua. Đồ án thiết kế và dự toán kinh phí xây dựng hợp lý nhất để trao giải. Giá trị giải thưởng đối với giải nhất là 8.000 franc và giải nhì là 4.000 franc.

Nhà thờ Đức bà chính tòa (1890-1895).

Sách Nhà thờ chính tòa Sài Gòn qua thời gian 1880 - 2015 cho biết công trình này thi công khá nhanh, khoảng hai năm rưỡi và vào đúng dịp Lễ phục sinh, ngày 11/4/1880, cố đạo Colombert (Mỹ) làm Thánh lễ làm phép và khánh thành Nhà thờ Sài Gòn.

Buổi lễ này được cử hành trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam kỳ Le Myrede Vilers. Hiện nay, trên bệ phía trên, bên trong cửa ra vào nhà thờ, có chiếc bảng cẩm thạch gắn trong hành lang (transept) ghi ngày khởi công, ngày khánh thành và tên vị công trình sư.

Tượng Đức Mẹ hòa bình do nhà điêu khắc G. Ciochetti thực hiện năm 1959.

Các vật tư chính để xây dựng nhà thờ như xi măng, sắt thép, ngói, kính màu, chuông… đều mang từ Pháp sang. Thời kỳ đầu, nhà thờ được gọi là Nhà thờ Nhà nước, bởi tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp cung cấp với số tiền là 2.500.000 franc theo thời giá lúc bấy giờ.

Ngoài ra sách còn cung cấp nhiều thông tin về việc nhà thờ xây thêm hai tháp chuông năm 1895, đặt tượng Bá Đa Lộc 1902, đặt tượng Đức Mẹ hòa bình năm 1959, các sự kiện và những nét kiến trúc độc đáo, sự xuống cấp của nhà thờ.

Minh Châu - Cù Dung

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nha-tho-duc-ba-sai-gon-ban-dau-co-ten-la-gi-post953233.html