Nhà thơ - GS Phạm Hồng Danh: Bóng đá cũng 'học tài thi phận'

Mùa EURO đang khép lại với nhiều luyến tiếc khi các đội bóng hùng mạnh dần ngã ngựa trước những đội tưởng chừng yếu hơn rất nhiều. Các mùa EURO thường diễn ra cùng thời điểm các sĩ tử ứng thí để bước vào giảng đường.

Nhà thơ - Giáo sư Phạm Hồng Danh (giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc các đội bóng mạnh thất trận trong EURO năm nay cũng giống như việc các sĩ tử học giỏi nhưng thi rớt vậy.

* Tại sao ông có sự so sánh giữa EURO và thi cử, thưa nhà thơ - giáo sư toán học Phạm Hồng Danh?

- Trước khi làm thầy giáo giảng dạy môn toán ở ĐH Kinh tế TP.HCM, tôi cũng như nhiều bạn trẻ trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay; cũng từng thức khuya dậy sớm khổ luyện mong đặt chân vào giảng đường trở thành sinh viên.

Bạn bè cùng thời với tôi cũng thế, tuy nhiên, nhiều người học rất giỏi vẫn cứ… hỏng thi. Tôi khẳng định khoảng 90% là “học tài thi phận”. Tôi không lý giải được tại sao như thế nhưng thực tế cuộc đời lại diễn ra như vậy.

Nhà thơ - Giáo sư Phạm Hồng Danh

Sau này ra đời, sống đến tuổi này tôi càng thấy chuyện hên xui trong thi cử và cả chuyện cuộc sống luôn là điều có thật đến độ phũ phàng. Nhiều người học trong nhà trường rất giỏi nhưng ra đời “thi thố” với cơm áo, lợi danh, chức quyền thì thất bại đến thảm hại. Mùa EURO năm nay cũng thế, có ai nghĩ những “ông lớn” của bóng đá châu Âu lại phơi áo về sớm như Anh, Tây Ban Nha…? Tôi nghĩ bóng đá hay học hành tương đồng nhau ở chỗ “học tài thi phận”.

* Nhưng thưa ông, trình bộ bóng đá châu Âu không chênh lệch đến độ khiến tất cả đều đổ cho số phận?

- Chính vì trình độ chênh nhau không nhiều giữa các đội bóng vào vòng chung kết EURO lần này, tôi mới dám khẳng định sự thắng thua là do số phận. Nếu trình độ hai đội chênh nhau 6 – 10 hay 7 – 10 thì đội có trình độ điểm 10 sẽ nắm phần thắng lớn hơn. Nhưng ở đây, các đội tham gia EURO lần này có trình độ gần ngang nhau, thì hẳn nhiên đội chiến thắng còn nhờ thêm yếu tố may mắn nữa.

* Nhiều người thích môn bóng đá vì họ tìm thấy sự bình đẳng khi hai đội vờn nhau trên sân cỏ, chắc ông cũng thích bóng đá vì yếu tố bình đẳng này?

- Cơ hội học tập và luyện tập của tất cả mọi người là như nhau. Không vì nhà nghèo mà học dở càng không vì nhà giàu mà học giỏi. Trong bóng đá cũng thế, không phải đội bóng của nước giàu, dân đông mà đá hay hơn đội bóng của một nước nghèo.

Đội bóng xứ Wales lần này không ở một nước đông dân, càng không phải là nước có nền bóng đá mạnh; nhưng họ biết học tập và rèn luyện nên đã vào đến bán kết EURO và chỉ chịu dừng lại trước Bồ Đào Nha. Thắng thua trong mọi cuộc thi là điều đương nhiên và còn phụ thuộc vào hên xui, nhưng để được tham gia vào cuộc chơi đó nhất định phải học tập và rèn luyện.

Sự bình đẳng luôn là ước mơ của con người hướng đến. Bóng đá chỉ là một phần, thơ ca hay nghệ thuật cũng hướng con người đến giấc mơ bình đẳng. Nhiều dân tộc không mạnh về tiền, không nhiều súng đạn nhưng đã sản sinh ra những thiên tài văn chương, âm nhạc, hội họa… góp phần vào tiến trình phát triển của nhân loại.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-tho-giao-su-pham-hong-danh-bong-da-cung-hoc-tai-thi-phan-n20160708075233817.htm