Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã ra đi!

Hoàng Trần Cương tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán 1970, rồi nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, sau năm 1975, chuyển về ngành tài chính, rồi làm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam. Các tác phẩm chính của Hoàng Trần Cương, gồm có các tập thơ Đường chân trời (1989), Dấu vết tháng ngày (1991), Bóng cỏ (1996), Quà tặng hành tinh (2000) và trường ca Trầm tích (2000), trường ca Long Mạch (2016). Anh cũng được trao nhiều giải thưởng thơ: Giải Nhất báo Văn Nghệ (1989-1990), Giải C Bộ quốc phòng (1995-2000), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2001, 2015).

Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã ra đi ngày 9 tháng 4 năm 2020, tại Hà Nội. Văn hiến trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Vũ Bình Lục về thơ Hoàng Trần Cương, như một nén tâm nhang thương tiếc một nhà thơ tài hoa, giàu bản lĩnh !

Ảnh Hoàng Trần Cương ở Văn Miếu, ngày thơ. VBL chụp.

MIỀN TRUNG

(Thơ của Hoàng Trần Cương)

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa

Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam.

Miền Trung

Tấm lưng trần đen sạm

Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn

Thoáng bóng giặc núi bửa thành báng súng

Những đứa con văng như mảnh đạn

Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi.

Miền Trung

Đã bao đời núi với bể kề đôi

Ôi! Biển Đông-giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ

Nóng hổi như vừa lăn xuống

Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm

Miền Trung

Nhà thơ Hoàng Trần Cương, sinh năm 1948 tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã qua đời do xuất huyết não vào hồi 16 giờ 40 ngày 9.4.2020 tại Viện 103, hưởng thọ 73 tuổi.

(Nguồn: vanvn.net)

Câu ví dặm nằm nghiêng

Trên nắng và dưới cát

Đến câu hát cũng hai lần sàng lại

Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.

Miền Trung

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người.

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về đừng để mẹ già mong…

5-1990

Tôi đã bình giải bài thơ Đến khi nào trở lại miền Trung của Trần Quang Quý, một thi sỹ quê vùng đồi Phú Thọ. Anh là người lính vào chiến trường chỉ đi qua miền Trung, rồi ghi lại những cảm xúc của mình với đất và người nơi đây, với niềm mến thương chân thành đằm thắm. Nhưng đó là những cảm thức của người chỉ đi qua miền Trung để quan sát và ghi nhận và suy ngẫm. Hoàng Trần Cương thì khác. Anh chính là một thi sỹ được sinh ra, từng ngày lớn lên ở chính nơi đây, ở cái miền Trung dữ dằn “mỏng và sắc như cật nứa” này, nên Miền Trung của Hoàng Trần Cương có giọng điệu riêng, cũng “mỏng và sắc như cật nứa” vậy !

Mở đầu là một câu hỏi, có vẻ bâng quơ, rằng “bao giờ em trở lại miền Trung” ? Một người em gái, bạn gái, hoặc một người yêu thầm kín nào đó chăng? Nhưng tôi ngờ rằng đây cũng chỉ là một nhân vật trữ tình phụ đề, là cái cớ dẫn chuyện, để cấu tứ, để làm duyên, để cho “Miền Trung” mềm dịu đi mà thôi !

Bởi vì đó là “Miền Trung quê anh một thời ngún lửa / Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa / chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam” …

Đấy là mấy nét giới thiệu khái quát về miền Trung quê hương anh, biết đâu rồi ra sẽ lại là quê em, quê chung của chúng ta? Một vùng quê có “một thời ngún lửa”, bom đạn tơi bời, xới lên tầng tầng lớp lớp đau thương và oanh liệt. Một vùng quê rất đỗi dữ dằn, với gió Lào liếm sạm mặt người, với bão tố bời bời, quăng quật triền miên cùng đói nghèo gian khó, vậy mà vẫn bền gan đối diện với thách thức và hơn thế, còn xem đó như những thử thách rèn chí con người, tạo nên cái bản lĩnh khác thường, phi thường, đồng thời là sự nhào nặn để đắp bồi nên những phẩm chất của một vùng đất giàu truyền thống nhân văn. Câu “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa / chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam” là một câu thơ hay, khái quát đầy đủ tính cách và phẩm chất của đất và người nơi đây.

Đoạn thơ tiếp theo, tác giả giới thiệu miền Trung ở bề sâu, với những hình ảnh, hình tượng cụ thể, sống động và tiêu biểu. Trước hết là hình ảnh miền Trung với “tấm lưng trần đen sạm / những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn / thoáng bóng giặc núi bửa thành báng sung”. Trường Sơn dằng dặc kiêu hùng, gân guốc và dũng mãnh, hiện lên trong trí tưởng tượng của người đọc, như một thực thể hiện hữu, có tính biểu tượng khái quát, như thể “tấm lưng trần đen sạm”, dãi dầu trước thiên nhiên và lịch sử bất thường. Trường Sơn, trong cảm thức của tác giả, chính là biểu tượng tiêu biểu của miền Trung, của vẻ đẹp và tính cách con người miền Trung và hơn thế, của người dân nước Việt...

Rồi “Miền Trung / Đã bao đời núi với bể kề đôi” như biểu tượng của nước non, non nước, song hành và hòa quyện. Các khổ thơ tiếp đó, cũng với hình thức tương tự, làm rõ thêm gương mặt miền Trung ở cả hai phương diện kiên cường và mềm mại, mạnh mẽ và dễ thương, đối lập mà thống nhất, hài hòa.

“Câu ví dặm nằm nghiêng / Trên nắng và dưới cát / Đến câu hát cũng hai lần sàng lại / Lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm”… Rồi “Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt / Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ / Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ / Không ai gieo mặt trắng mặt người”…

Hoàng Trần Cương thực sự đã dồn hết tâm lực mình vào việc “kiến tạo” một miền Trung với đầy đủ những đặc điểm và phẩm chất của đất và người nơi đây. Cái khó nghèo, cái cang cường gan góc của một vùng đất, được đẩy lên đến cực điểm, thông qua thủ pháp khoa trương, và những hình ảnh thơ gân guốc, sắc mạnh, rất giàu sức biểu cảm. Có cảm giác như sau “Miền Trung”, Hoàng Trần Cương sẽ không còn có thể viết về vùng đất quê anh hay như vậy được nữa, bởi tinh hoa đã phát tiết ra ngoài hết rồi !

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-tho-hoang-tran-cuong-da-ra-di-75856