Nhà thơ khu ổ chuột nổi danh nhưng bị giới phê bình ghẻ lạnh

Nhiều tuyển tập thơ của Charles Bukowski luôn trong tình trạng 'cháy hàng' ở các hiệu sách. Thế nhưng chúng không mang lại hứng thú cho các nhà phê bình.

Charles Bukowski (1920-1994) là một trong những giọng thơ đặc biệt và mạnh mẽ nhất của văn chương Mỹ thế kỉ XX. Ông sáng tác rất đa dạng, phủ sóng trên nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết về đời sống thường ngày, về những người dân sống dưới đáy xã hội Mỹ.

Văn phong của tác giả này rất súc tích, vắn tắt và trực tiếp. Điều đó được thể hiện qua những câu thơ tự do không vần điệu nói về: tình dục, về rượu bia, đánh bạc... và những công việc tay chân vất vả.

Charles Bukowski cũng viết về thiên nhiên, âm nhạc và văn chương. Ông nghe nhạc Gustav Mahler, Tchaikovsky và không thích nhạc rock. Ông khá nhạy cảm với nỗi đau của con người. Chúng đã trở thành chất liệu để Charles Bukowski viết nên những bài thơ tình cảm động, về tuổi thơ khốn khó, cùng nỗi cô đơn ông tự kiếm tìm và theo đuổi suốt cả cuộc đời. Ông khinh thị những người thành viên thế hệ Beat, dân hippie, cũng như coi thường giới trí thức và các nhà cầm quyền.

Nhà thơ người Mỹ Charles Bukowski.

Charles Bukowski quan sát mọi thứ bằng con mắt sắc sảo và dí dỏm. Ông có sức viết đáng nể. Đôi khi, tác giả này cũng cho ra đời những tác phẩm tẻ ngắt và nhàm chán nhưng nhìn chung, vẫn là người viết nhiệt thành. Sức ảnh hưởng của nhà thơ này còn lớn hơn cả những gì giới phê bình và người hâm mộ thừa nhận.

Trong những thập niên 50 và 60 của thế kỉ trước, Bukowski được biết đến với tư cách là một nhà thơ qua những sáng tác được in trong những tạp chí nhỏ. Vì không kiếm được tiền từ việc in thơ rải rác, Bukowski phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, vất vả. Ông có thời gian dài làm trong một bưu điện ở Los Angeles, thành phố mà ông gần như sống trọn cuộc đời mình.

Charles Bukowski trở thành một nhân vật quan trọng trong phong trào "phản văn hóa vùng Tây Duyên hải Hoa Kì" qua những bài báo hài hước, châm biếm cho những tờ báo bí mật (khiến ông rơi vào tầm ngắm của FBI). The Bell Tolls for No One là tên của tuyển tập những bài báo đó. Nó xoay quanh rất nhiều chủ đề, từ thể thao, đánh bạc, truyện tội phạm, những cuộc phiêu lưu tình ái đến những chuyện hài hước trong đời sống thường nhật.

Sang thập niên 1970, Bukowski có nhiều độc giả hơn, qua những tiểu thuyết tự truyện hấp dẫn như: Post Office (Bưu điện), Women (Phụ nữ) và Factotum (Người giúp việc). Ông qua đời ở tuổi 73 vì bệnh bạch cầu ác tính. Charles Bukowski có độc giả ở nhiều nơi trên thế giới và có được những sự công nhận dù ít ỏi từ giới phê bình.

On Writing (Về chuyện viết lách) là tuyển tập những lá thư của Bukowski được viết trong giai đoạn 1945 - 1993 về chuyện viết lách, về bản thân ông và cuộc sống khốn khó của một tha nhân.

Chính cuốn sách này đã khiến ông có thêm nhiều độc giả. Chúng ta sẽ quan sát thấy ông, trong suốt hành trình dài: từ một tác giả trẻ mong ngóng được sự chấp nhận của mọi người, đến khi trở thành một nhân vật đủ tầm cỡ để đưa ra những nhận định sắc sảo của riêng mình.

Người ta biết đến Charles Bukowski với hình ảnh một ông già bê tha, tay luôn cầm chai rượu.

On Writing cũng bao gồm những lá thư gửi đến người bạn làm trong ngành xuất bản của ông, tên là John Martin. Lúc gặp Martin - một người sưu tầm sách sau đó trở thành giám đốc nhà xuất bản, Bukowski đã là một nhân vật văn chương có danh tiếng, và có vài cuốn sách được xuất bản.

Hai người đã tạo nên một cặp đôi khá “kì quái”: Bukowski sống cuộc đời phiêu lưu với những mối quan hệ phức tạp, đánh bạc, uống rượu nhiều vô kể. Trong khi đó, Martin có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cuộc sống lành mạnh và điều độ. Martin trả cho Bukowski một khoản “lương” 100 USD mỗi tháng, để ông có thể từ bỏ công việc ở bưu điện và tập trung vào viết lách.

Thực ra, khoản tiền này chỉ là một phần so với những gì Bukowski kiếm được khi làm công việc văn phòng, nhưng nhà thơ vẫn quyết định nhận lời. Hơn nữa, việc phân loại thư đã trở thành nhiệm vụ khó nhọc thực sự với nhà thơ sắp bước sang tuổi ngũ tuần. Trong những năm cuối đời, Bukowski được nhận một khoản lương tương đương 10.000 USD mỗi tháng, cộng thêm thu nhập thêm từ tiền bản quyền (sách của ông đặc biệt bán chạy ở Đức).

Gặp gỡ John Martin là bước ngoặt trong cuộc đời Charles Bukowski.

Charles Bukowski là một cây bút đa dạng: có những lúc ông viết với tâm trạng đầy cay đắng, nhưng có khi sáng tác của nhà thơ này lại da diết và tràn đầy tình cảm. Ông đã từng tâm sự: “Tất cả chúng ta rồi sẽ chết, không chừa một ai. Đúng là trò đời! Điều đó có thể khiến chúng ta yêu nhau hơn, nhưng thực tế lại không như vậy. Chúng ta bị khủng bố và gục ngã bởi những thứ tầm phào, chúng ta bị những điều vô nghĩa nuốt chửng”. Có thể nói, phía sau hình ảnh rã rượi, bê tha là một người đàn ông nội tâm, nhạy cảm, nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ.

Charles Bukowski được gọi là “nhà thơ vinh danh khu ổ chuột”, văn chương của ông được coi là “vòng nguyệt quế của tầng lớp hạ lưu”. Nhiều người tỏ ra thiếu tôn trọng con người và văn chương của ông, dù ông có lượng người hâm mộ đông đảo và những cuốn sách thành công về mặt thương mại.

Thậm chí, đối nghịch với những người sùng bái ông, nhiều người coi những gì ông viết không thể gọi là thơ. Thế nhưng, ảnh hưởng của “nhà thơ bê tha” này vẫn hiện diện khắp mọi nơi, những cuốn sách mà ông viết chiếm một khoảng lớn trong giá sách của các cửa tiệm hơn bất cứ nhà thơ đương đại nào của Mỹ.

Y Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nha-tho-khu-o-chuot-noi-danh-nhung-bi-gioi-phe-binh-ghe-lanh-post947154.html