Nhà thơ Lê Hồng Thiện - thi sĩ của tuổi thơ

Nhà văn Tô Hoài từng nhận xét về tập thơ 'Trăng của mỗi người', của Lê Hồng Thiện: '…Chúng tôi tin rằng bạn đọc nhỏ tuổi, nhất là lứa tuổi nhi đồng hẳn phải thích tập 'Trăng của mỗi người' và thơ Lê Hồng Thiện còn hứa hẹn nhiều với bạn đọc của anh'. Thầy giáo dạy văn, Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Lữ (Hưng Yên), nhà nghiên cứu văn học Đỗ Hữu Tấn cũng đặt niềm tin rằng: 'Lê Hồng Thiện còn có thể làm được nhiều thơ hay hơn nữa!'.

Những lời tiên đoán ấy quả là chính xác. Sau hơn nửa thế kỷ, Lê Hồng Thiện đã cho "ra lò" tới 11 tập thơ cho thiếu nhi - một số lượng và chất lượng không hề nhỏ và được đồng nghiệp là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học để mắt "xem xét" và có đến trên 50 tác giả đã đọc, viết giới thiệu và bình luận thơ Lê Hồng Thiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ cây bút "cổ thụ" viết cho thiếu nhi như Tô Hoài đến các cây bút nổi tiếng như: Định Hải, Phạm Hổ, Vũ Nho, Bùi Việt Thắng, Đinh Quang Tốn, Dương Kỳ Anh, Nguyễn Nguyên Tản, Nguyễn Phúc Lai, Đỗ Hữu Tấn, Đặng Hiển…

Nhà thơ Lê Hồng Thiện.

Mỗi tác giả nhìn ra một nét đẹp riêng trong thơ Lê Hồng Thiện: "Trẻ mãi với tuổi thơ" (Định Hải), "Có một người luôn sống với trẻ thơ" (Thế Dũng), "Cảm nhận của mỗi cá nhân trong "Trăng của mỗi người" trong thơ Lê Hồng Thiện" (Ngô Văn Hoàn và Trương Thị Khánh Hoa), "Quà của biển hay quà của tâm hồn" (Đinh Quang Tốn), "Cánh diều không đứt dây" (Vũ Tiến Kỳ), "Một tập thơ hay cho thiếu nhi" (Đặng Hiển), "Quả trăng cũng chín trong thơ Lê Hồng Thiện" (Bùi Việt Thắng), "Những cái râu lạ" (Phạm Khải), "Thơ Lê Hồng Thiện, một hướng cảm nhận" (Phạm Đình Ân)…

Lê Hồng Thiện thành công vang dội ngay từ tập thơ đầu tiên "Trăng của mỗi người". Trong báo cáo của Ban chung khảo Giải thưởng năm 1988 của Hội đồng Văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam do nhà văn Tô Hoài đọc tại Lễ trao Giải thưởng có đoạn viết: "Trăng của mỗi người là tập thơ duy nhất, tập sách mỏng duy nhất được tặng thưởng trong năm nay"; "Thơ anh trong sáng, dung dị, có những phát hiện về chiều sâu tình cảm. Điều đáng trân trọng là dù viết về cây cỏ hay con người, lúc nào thơ Lê Hồng Thiện cũng chú ý đến tình cảm của các cháu bé: "Con chim non tập hót/ Con bướm nhỏ tập bay/ Con gái tôi tập viết/ Bắt đầu sáng thu nay" trong bài thơ "Con đi học" của anh viết về con gái đầu lòng của mình”.

Từ lòng yêu trẻ và hiểu biết về trẻ, anh đã bắt chộp được những tứ thơ, những hình ảnh thơ rất mới, rất hồn nhiên như trong bài thơ: "Bé và Nắng": "Bé khép cửa lại/ Nhốt nắng trong nhà/ Nắng lại trốn ra/ Dịu dàng nắng nói/ Ở trong bóng tối/ Tôi chẳng ưa đâu" - bài thơ thật là ngộ và hay. Còn đây là bài "Những cái râu lạ", sau khi nói về râu ngô, râu mèo, râu tôm, tác giả nói đến hai thứ râu lạ: "Bóng điện kia mới tài tình/ Cái râu rực cháy nhà mình sáng choang/ Có anh pháo tép ngang tàng/ Đốt râu lại nổi ầm vang đất trời". Thế đấy, ai dám nói là các em sẽ không thích những câu thơ vừa vui vừa lạ ở trên… Bạn đọc nhỏ tuổi, nhất là lứa tuổi nhi đồng, hẳn phải thích tập "Trăng của mỗi người" và thơ Lê Hồng Thiện còn hứa hẹn nhiều với bạn đọc của anh.

Nhà thơ Định Hải, nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu thi Hội Nhà văn Việt Nam trong bài viết "Trẻ mãi với tuổi thơ" giới thiệu thơ Lê Hồng Thiện qua 11 tập thơ tuyển chọn 100 bài trong 60 năm làm thơ, ông viết: "Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi đã được đọc khá nhiều thơ viết cho thiếu nhi của Lê Hồng Thiện trên các báo chí Trung ương và địa phương. Năm 1988, anh ra mắt tập thơ đầu tay "Trăng của mỗi người" và ngay sau đó tập thơ này được tặng thưởng của Hội đồng Văn học Thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam. Sau Giải thưởng lớn, Lê Hồng Thiện vượt lên như một hiện tượng hiếm hoi vốn từ lâu rất phẳng lặng của nền văn học thiếu nhi".

Có những trường hợp sau chiến thắng vang dội, tác giả trở nên thỏa mãn, kiêu hãnh hoặc "thoái trào", nhưng với Lê Hồng Thiện, Giải thưởng đó như ngọn lửa thổi bùng trong tâm hồn anh và anh càng quyết tâm vượt lên, viết và viết! Nhà thơ Định Hải một lần nữa ghi nhận: "Giờ đây, ngồi đọc lại những bài thơ của anh mà tôi đã được đọc cách đây ba, bốn mươi năm, tôi càng thấy rõ anh hơn bao giờ hết. Cứ như anh đang ngồi bên tôi, ngồi giữa bầy trẻ em ríu rít. Tôi càng thấy rõ ràng thơ là người, người sao thơ vậy. Tâm hồn anh thật trong trẻo, thật non tươi. Đúng là thơ anh viết cho trẻ em, vì trẻ em: Tất cả đều ngây thơ, ngộ nghĩnh, ngơ ngác. Có cái gì thật mong manh, phập phồng, lơ lửng, có cái gì đó rất hồn nhiên, chân thật, mộc mạc; thậm chí có khi cả tin, ngộ nhận và ảo tưởng. Tôi quý mến anh và thơ anh, chính là vì như vậy. Ở đây không có sự màu mè, khách sáo, hay là lên gân, lên cốt. Thơ Lê Hồng Thiện đã đem đến cho văn học thiếu nhi một ngọn gió mát lành, tươi tắn, trẻ trung… Thơ Lê Hồng Thiện đã neo đậu vào tình cảm trẻ em bao thế hệ qua".

*

Đánh giá sự thành công trong tác phẩm của nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi cần dựa trên ba yếu tố: 1. Viết về trẻ em có được trẻ em yêu thích hay không? 2. Trẻ em yêu thích chưa đủ, mà cho cả mọi lứa tuổi yêu thích. 3. Dự thi, được Hội đồng giám khảo quan tâm và nhất trí trao Giải thưởng. Hơn nửa thế kỷ trong lao động sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ Lê Hồng Thiện có đủ ba yếu tố đó. Tập thơ đầu tay đã đoạt Giải Nhất và duy nhất về thơ thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam (1988); Ba lần nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Côn Sơn (Hải Dương, 1976-1995); Bốn lần được nhận Giải thưởng VHNT Phố Hiến, Hưng Yên các năm 1996-2001-2011-2015; Giải Nhì phần thơ (không có giải Nhất) cuộc thi truyện và thơ (2011-2015) cho lứa tuổi mầm non của Nhà xuất bản Giáo dục và Hội Nhà văn Việt Nam; Giải Nhì, Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Phần lời trong ca khúc "Gà trống học chữ" -1994); Giải A cuộc thi tiếng hát "Hoa Phượng đỏ" Đài Tiếng nói Việt Nam - 1971 cho phần thơ trong ca khúc "Hoa sen quê nhãn"; Giải Nhì, Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ IV (2011-2015) (không có giải Nhất)…

Hơn 40 bài thơ được phổ nhạc và một số bài được tuyển chọn, giảng dạy trong nhà trường, từ bậc tiểu học đến đại học, thơ Lê Hồng Thiện còn được dịch ra tiếng Hàn Quốc (do dịch giả Lê Đăng Hoan thực hiện).

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, Lê Hồng Thiện là chàng thanh niên nông thôn chính hiệu nhưng lại yêu văn học nghệ thuật đến độ cuồng nhiệt. Mười lăm tuổi anh đã có bài thơ đầu tiên đăng báo, in trên báo tỉnh. Cầm tờ báo trên tay, anh đọc đi đọc lại nhiều lần mà không biết chán, vẫn thấy hồi hộp, run run vì xúc động. Nhà gần Trung tâm Văn miếu Xích Đằng - nơi thờ phụng và tôn vinh những danh nhân danh sĩ, biểu tượng của tinh thần hiếu học và nền văn hiến Hưng Yên - Lê Hồng Thiện thường vào văn miếu để chiêm ngưỡng, bái vọng.

Từ năm 1960 của thế kỷ trước, Lê Hồng Thiện đã được tiếp xúc với các văn nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng. Họ đã "dựng tượng" trong tâm trí tôi, thậm chí bố tôi còn tha thiết mời họ ở lại gia đình để từ đấy đi thực tế và sáng tác. Các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài dẫn đoàn Văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại Hưng Yên sau vụ "Nhân văn - Giai phẩm". Trong đoàn có các văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Học Phi, Xuân Thiêm, Đào Vũ. Nhạc sĩ có Nguyễn Văn Tý… Từ một anh chàng "nhà quê" mê mẩn văn chương được tiếp cận với những tên tuổi lớn như vậy là dịp may ít ai có được. Nhà thơ Chế Lan Viên ở nhà Lê Hồng Thiện đến gần một tháng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở Hưng yên tới 7 năm. Tôi thường dẫn nhạc sĩ đi thực tế sáng tác. Ông được Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Lê Quý Quỳnh trọng đãi và mời nhạc sĩ viết bài hát, làm nhạc và bài hát "Trên cánh đồng đay" được xem là "tỉnh ca" của Hưng Yên có từ ngày ấy.

Lê Hồng Thiện ngoài việc đi học, lao động giúp đỡ gia đình, thời gian còn lại "mê mẩn với văn chương". Mỗi lần về Thủ đô Hà Nội, anh chỉ tìm mua sách quý mang về hàng ba lô sách. Hình như: "Hồn thơ lai láng" ngấm vào trong máu, trong tim anh mà sau này Lê Hồng Thiện trở thành nhà thơ nổi tiếng? Trả lời phỏng vấn trên báo chí, anh thừa nhận: "Thế giới tuổi thơ đã hút hồn tôi: "Hồn tôi thả một cánh diều/ Căng dây đón gió chạy theo mục đồng" và cũng ít ai để ý đến những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt: Một gia đình có đến 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là điều hiếm thấy. Tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam, ba bố con ở ba lĩnh vực khác nhau đều được bình chọn và cùng đi dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam cũng là điều hiếm thấy.

Một người viết tiểu thuyết (Lê Hồng Nguyên) là con gái đầu lòng, nhân vật trong bài thơ "Con đi học" năm xưa. Một nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà thơ (Phạm Khải, chàng rể) là Thiếu tướng - Tổng biên tập Báo Công an nhân dân. Người bố vợ là nhà thơ nổi tiếng Lê Hồng Thiện - thi sĩ của tâm hồn tuổi thơ.

Bước sang năm Quý Mão (2023) này, nhà thơ Lê Hồng Thiện tròn 80 tuổi. Sức khỏe vẫn tốt. Bút lực vẫn dồi dào. Với 15 tập thơ dành cho thiếu nhi, chưa kể đến các tập: Thơ tình, Phê bình tiểu luận, bút ký - phóng sự, tản văn, tùy bút và thơ châm… chứng tỏ sức làm việc của nhà thơ lão thành vẫn đang còn sung mãn lắm!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-tho-le-hong-thien-thi-si-cua-tuoi-tho-i703173/