Nhà thơ Lê Minh Quốc: Làm bố tuổi 59

Sau một vài lần đò lỡ dở, vẫn sự hồn nhiên nghĩ mình còn rất trẻ, cứ thế xênh xang bên mẹ, bên thơ, đến khi tuổi gần 60 ập về, mới hay vẫn còn đơn côi một mình, rất nhanh, nhà thơ Lê Minh Quốc kết hôn với nữ phóng viên trẻ sinh năm 1986, và vui mừng chào đón con thơ, như sự tiên liệu đã rõ.

Nhà thơ Lê Minh Quốc hạnh phúc bên vợ và con gái bé bỏng. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Tôi biết nhà thơ Lê Minh Quốc vào những năm 2000, khi ấy anh đang phụ trách trang thơ của báo Tuổi Trẻ Online. Qua hết thời sinh viên Văn khoa, tôi gắn với Lê Minh Quốc và trang thơ anh chọn. Mặc dầu vậy, tôi chưa từng trò chuyện với anh qua email, qua điện thoại, hay gặp mặt. Thậm chí, tôi cũng không tìm kiếm thông tin hình ảnh Lê Minh Quốc trên mạng. Cho đến ngày vào Sài Gòn sống cách đây khoảng 4 năm.

Lần đầu tôi gặp Lê Minh Quốc trong một buổi tiệc nhẹ, mà nhà thơ Phan Hoàng tổ chức gần tòa soạn tôi đang làm việc. Trong bữa ăn, chúng tôi không trò chuyện gì nhiều, tôi cũng không ngạc nhiên lắm về ngoại hình hay tính cách anh. Bởi thơ anh thế nào, thì con người anh cũng thế. Vui vẻ, xuê xoa, giản dị, nói chuyện ào ào. Anh quả tình tựa một cậu bé được nuông chiều, và cũng dễ dỗi hờn. Nên khi anh nói, anh luôn cảm thấy mình trẻ, tôi thấy đúng. Cuộc sống của anh gắn liền với mẹ, được mẹ chăm nom vỗ về, lo từng miếng ăn thức uống. Vì thế, những trang thơ, trang văn anh viết cũng đầy hình ảnh mẹ, như anh chia sẻ với tôi:

“Kỷ niệm về mẹ của mình, tôi đã viết khá đầy đặn trong tập tùy bút Mẹ đã đi chợ về (NXB Trẻ-2018). Và bây giờ hoặc mai sau nữa, tôi cũng sẽ không thể nào quên những ngày hoa niên níu áo đòi mẹ dẫn đi ra chợ. Chợ Cồn ở Đà Nẵng của năm tháng xa xăm và đáng yêu ấy đã đi vào trong thơ tôi như một nỗi nhớ êm đềm: “Tuổi thơ tôi đầy nắng / Mẹ dẫn đi chợ xa/ Không qua sông lau trắng/ Nhưng âm vang tiếng gà/ Người đi như trẩy hội/ Í ới gọi tên nhau/ Cá tôm giẫy đành đạch/ Bộn bề hoa với rau/ Tôi lon ton theo sau/ Mẹ tôi nhanh chân bước”. Mẹ tôi không biết chữ, do đó, những gì tôi đã viết, bà không thể đọc được. Tuy nhiên, bà lại nhớ rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nhờ vậy ảnh hưởng lớn nhất của tôi để sau này, có thể đi đến với thơ ca vẫn là những lời ru nhịp nhàng, du dương ấy. Nếu có ảnh hưởng gì về tính cách vẫn là sự hào phóng thường giúp đỡ cho người khác. Hễ thấy ai túng thiếu thì mẹ tôi cho ngay, không cần phải đợi ngày sau họ đáp đền lại. Tính cách ấy, về sau tôi thấy câu “Xởi lởi trời gửi của cho” là đúng lắm. Bởi lẽ, đó cũng là một cách tạo đức cho con chăng? Vì rằng, trên đường đời có những lúc ngặt nghèo, túng thiếu tôi đã gặp những tấm lòng tốt ấy từ người dưng mà mình không quen biết”.

“Ngay từ lúc học lớp 8 có thơ in trên báo Thiếu Nhi của nhà văn Nhật Tiến, tôi đã viết những vần thơ về mẹ. Và cả sau này nữa. Khá nhiều thơ. Cảm xúc ấy có được là do năm 18 tuổi xa nhà, đi bộ đội, lúc ở chiến trường bao giờ tôi cũng nhớ về mẹ của mình. Hầu như ai cũng vậy thôi. Có một điều kỳ lạ, tôi đã nhiều lần chứng kiến trong bom đạn là lúc ngã xuống, bao giờ đồng đội tôi cũng thốt lên hai tiếng “mẹ ơi”. Bài thơ viết về mẹ buồn nhất vẫn là lúc trở về quê, nằm lại căn phòng của mẹ trong nỗi niềm bơ vơ, cô độc. Và tôi đã viết: “Căn phòng xưa mẹ nằm/ Nhường cho con hơi ấm/ Bây giờ mẹ về đâu?/ Vọng lời thưa mây trắng/ Chân trời ngọn hoa lau/ Ru câu kinh thầm lặng/ Mọi hoa hồng, với con/ Từ đây đều hóa trắng…”.

“Khoảng thời gian bên mẹ, hễ bạn bè ghé chơi nhà, bao giờ bà cũng dò hỏi họ dạo này tôi đang quen với ai; còn giữ ý định lập gia đình lần nữa không? Điều mong mỏi nhất của mọi bà mẹ trên trái đất này là bao giờ cũng mong muốn con mình “có đôi có đũa”. Mẹ tôi cũng vậy. Nhưng rồi lúc ấy, tôi cứ nghĩ mình còn trẻ, còn biết bao bóng hồng mơn mởn nên chẳng vội gì. Loáng một cái đã chạm đến lục thập.

“Tội nghiệp nhất là dù nằm trên giường bệnh, đã cận kề tuổi 90 nhưng lần nào mẹ tôi cũng cầm lấy tay tôi: “Con chịu khó ăn cơm ngoài quán, lúc nào được về nhà, mẹ sẽ nấu cho con ăn”. Bà lo lắng vì thừa biết rằng, tôi không thể nào xoay xở miếng ăn cho nên thân. Thế thì, về lâu dài phải có người phụ nữ trong nhà là vậy. Do đó, thêm một điều khó quên nữa, hễ tôi dẫn cô nào về nhà thì bà cứ tưởng là người yêu sẽ tiến tới hôn nhân nên lộ rõ mừng vui ra mặt. Nghĩ lại thấy thương mẹ quá. Do đó, không phải ngẫu nhiên, trước lúc sinh con, tôi đã nghĩ đến việc đặt tên con như một cách nhớ đến mẹ, như vẫn còn có mẹ. Mẹ tên Ân, con tên Ấn vì lẽ: “Mẹ bây giờ trong đời thường đã ẩn/ Ân bây giờ là sắc ấn hài nhi”.

Sau tang mẹ, Lê Minh Quốc cũng trầm lắng hơn rất nhiều, ít thấy anh xuất hiện. Để rồi một tối tháng Tư, những người bạn trên Facebook nhà báo Dương Quang (Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động) vỡ òa khi thấy anh đưa hình ảnh và thông tin nhà thơ Lê Minh Quốc lấy vợ. Một buổi tối gặp mặt bạn thân, gia đình hai họ để vừa báo hỷ, vừa là đám cưới. Nhà thơ Lê Minh Quốc rạng rỡ bên người vợ trẻ trung xinh đẹp, cô dâu cầm bó hoa cưới tươi thắm, chú rể cài bông hồng trên ngực áo là hình ảnh nhận bao lời chúc mừng pha lẫn ngạc nhiên của các văn nghệ sĩ Sài Gòn.

Sau đó vài hôm, khi đang ngồi uống cà phê tại đường Sách Thành phố, cùng với vợ chồng nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, chúng tôi vừa mới nói chuyện về tin mừng là Nhà thơ Lê Minh Quốc lấy vợ, thì đột nhiên thấy anh xuất hiện, đi ra từ một hiệu sách bên đường. Bước đi của anh nhanh, mặt rạng rỡ, vui vẻ. Chúng tôi mau chóng gọi, anh dừng lại nhìn, nhanh nhảu nhận ra bạn văn và nhận lời chúc phúc. Không kịp ngồi cùng nhau để hàn huyên, tôi và anh Quốc nhờ nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần chụp giúp tấm hình. Cảm giác khi ấy thật mừng cho anh. Và rõ ràng, nhà thơ Lê Minh Quốc phong thái trẻ hẳn ra. Trong những tấm ảnh khi anh đứng cùng vợ, sự chênh lệnh về tuổi tác không hiện hữu rõ lắm.

Lúc này, lần đầu tiên tôi và anh có dịp trò chuyện về cuộc sống lúc này của anh, cảm giác khi anh lấy vợ, anh nói:

“Tôi nghĩ đến “duyên lành” trong triết lý của đạo Phật. Và, tôi rất tin để thấu hiểu về một sự vận hành trong cõi hỗn mang trời đất: nhân duyên. Nếu không, làm sao có thể trả lời: “Không tuyên ngôn và không tuyên bố/ Không tuyên cáo cũng chẳng tuyên dương/ Và cứ thế, một ngày em thành vợ/ Không thi ca mà dung dị đời thường/ Ngày ăn chung mâm, đêm ngủ chung giường... Và cứ thế, bây giờ em làm mẹ”. Mọi việc đã đến tự nhiên như vốn có. Đôi khi trong tác hợp nhân duyên có những chuyện xẩy ra mà không ai có thể trước, đoán định trước. Nếu mọi việc đều biết trước, có thể sắp xếp theo ý muốn chủ quan thì các nhà tư vấn tâm lý hôn nhân thất nghiệp dài dài, thậm chí các bác sĩ điều trị hiếm muộn cũng thế. Cảm giác của tôi lúc ấy là gì? Vẫn là, “60 năm một kiếp người/ Từ trong nhân quả, trang đời mở ra/ Cây xanh trái ngọt mùa hoa/ Vuông tròn ấm áp nếp nhà từ đây”.

Tôi thắc mắc: “Anh đến với Liên Anh như thế nào? Làm sao anh xóa được khoảng cách thế hệ? làm thế nào anh “buộc được chân” cô gái trẻ chỉ thích tự do bay nhảy để làm vợ và là mẹ con anh?”. Nhà thơ Lê Minh Quốc cười khà khà: “Không việc gì phải xóa khoảng cách thế hệ, đơn giản chỉ vì bao giờ tôi cũng nghĩ mình còn trẻ. Đang trẻ. Tôi hoàn toàn không có khái niệm về tuổi tác. Tôi vẫn làm việc, vẫn sinh hoạt như mọi ngày, từng ngày đã có. Vì lẽ đó, giữa tôi và Liên Anh hoàn toàn không có một khoảng cách nào. Tôi cũng nghĩ về Liên Anh đang bằng vai phải lứa để cư xử đúng mực như người bạn. Khi làm việc gì, tôi cũng hỏi ý kiến cô ấy há chẳng phải là phép… đắc nhân tâm đấy sao?”

Nhớ lại ngày em bé chào đời, anh xúc động: “Đó là ngày, tôi có cảm giác hôm nay mình mới thật sự trưởng thành, trở thành người lớn, chứ không còn lông bông, bắng nhắng, lêu bêu tùy hứng như trước nữa. Trưởng thành vì đã tự ý thức từ đây, mọi việc làm không còn cho riêng mình mà phải còn vì người khác nữa. Mà người ruột thịt cận kề nhất là ai, nếu không là vợ và con?”.

Cho đến nay, Lê Minh Quốc tâm sự thật thà rằng anh vẫn chưa dám tự ẵm, bồng con: “Chỉ ngồi một chỗ và nhờ vợ đặt trên tay, chỉ vì thấy con còn bé bỏng quá. Khi ẵm bồng, bao giờ tôi cũng có cảm giác đang bồng lấy chính tôi. Chính vì thế, tôi mới viêt câu thơ: “Khi nghe chính mình lại cất tiếng oa oa…” là vậy”. Và với tôi, hằng ngày mỗi sáng, tôi thức dậy sớm, tự tay giặt lấy quần áo, chăn, màn, vớ tất… cho con. Phải giặt bằng tay vì mọi thứ nhỏ nhắn, xinh xắn không thể bỏ vào máy giặt. Rồi tranh thủ đi chợ mua thức ăn cho vợ điểm tâm. Xong, chuẩn bị thau, nấu nước và phụ vợ tắm cho con. Đọc thơ cho con nghe, lúc vợ đưa con ra sân phơi nắng sớm và cho bú sữa. trước mắt tôi chỉ nghĩ đên và mong muốn nhất ở con: sức khỏe”.

Việt Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-tho-le-minh-quoc-lam-bo-tuoi-59-tintuc422592