Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn - Sao Trên Rừng đã tắt

Rạng sáng nay 11/6, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở đồi thông Phương Bối, sau một khoảng thời gian dài lâm bệnh.

Tranh sơn dầu chân dung nhà thơ Nguyễn Đức Sơn của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Tranh sơn dầu chân dung nhà thơ Nguyễn Đức Sơn của họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Ông nổi danh trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975 nhờ tài năng và cả sự quái dị; được xem là một trong tứ trụ thi ca miền Nam, cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, và Tô Thùy Yên. Ông sinh năm 1937 tại làng Dư Khánh, huyện Thanh Hải, Ninh Thuận; quê gốc Thừa Thiên - Huế.

Năm 1960, ông bắt đầu xuất hiện trên thi đàn với bút danh Sao Trên Rừng, Nguyễn Đức Sơn khiến giới văn nghệ sĩ phải ngạc nhiên vì cá tính đặc biệt trong câu chữ của mình. Tuổi còn rất trẻ, nhưng Sao Trên Rừng luôn hoài nghi về hư không, nỗi còn mất, về cõi siêu hình. Như trong bài Bọt nước, cũng là nhan đề tập thơ đầu tay xuất bản năm 1965, ông viết:

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi

Nhìn trước nhìn sau thấy rõ ràng

Những người đi trước sầu đeo nặng

Những người đi sau sầu không tan

Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi

Thấy hay hay nhưng làm sao cười

Như chuyện lớn lên rồi có vợ

Cuối đời về đất lạnh nằm xuôi…

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Ảnh tư liệu PLO.VN

Hay trong bài

Trên bờ hư không

, mà một câu thơ đã trở thành bút hiệu, Nguyễn Đức Sơn thật sự phân vân giữa tâm tư khao khát tận hưởng cái đẹp và sự dữ dội, khắc nghiệt của cái chết:

Một đêm sao ở trên rừng

Ðua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian

Hồn tôi cây cối liên hoan

Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ

Tuổi vàng suối mộng trời thơ

Lớn lên tôi chết trên bờ hư không.

Ngoài sự lãng mạn và hoài nghi, Nguyễn Đức Sơn còn nổi tiếng với sự “quái dị”, trong cách sống lẫn cách viết. Nói về Nguyễn Đức Sơn, không thể không nhắc đến những vần thơ với lối diễn ngôn dâm tục nhưng sâu trong đó là cái nhìn thấu triệt về nhân sinh, hồng trần vạn trượng. Như thầy Không Hạnh, thư viện Huệ Quang đã từng nhận định về sự dâm tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn:

“Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông... Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc”.

Sau 1975, Nguyễn Đức Sơn đưa vợ và 9 người con lên núi rừng Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng ở ẩn. Thơ văn của ông, là bạt ngàn rừng, là mênh mông biển, là bóng ma tự hời gọi tên mình, là ngông nghênh phóng khoáng, dằn vặt chửi đời đến “máu trào thiên cổ”, nhưng cũng có khi an nhiên, tự tại như một hơi thở. Như: Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển:

Đầu tiên tôi thở cái phào

Bao nhiêu phiền não như trào ra theo

Nín hơi tôi thở cái phèo

Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không

Sướng nên tôi thở phập phồng

Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm

Mai sau này chỗ tôi nằm

Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru.

Và rạng sáng hôm nay 11/6, một vì Sao Trên Rừng đã rơi xuống, lịm đi… giữa đồi thông Phương Bối. Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, hỗn danh Sơn Núi, cho đến bây giờ hẳn đã trả lời được những hoài nghi thời trẻ về cõi hư không, vô định, vĩnh hằng…

Hiện linh cữu nhà thơ Nguyễn Đức Sơn quàn tại nhà riêng ở địa chỉ tổ 9, thôn 2, xã Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Lễ nhập quan vào lúc 13g30 hôm nay 11/6, lễ di quan đi hỏa táng lúc 6g ngày 13/6.

Tác phẩm của Nguyễn Đức Sơn đã xuất bản: Bọt nước (1965), Hoa cô độc (1965), Lời ru (1966), Đêm nguyệt động (1967), Vọng (1972), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1972), Tịnh khẩu (1973), Du sĩ ca (1973); và ba tập truyện: Cát bụi mệt mỏi (1968), Cái chuồng khỉ (1969), Xóm chuồng ngựa (1971). Tập Chút lời mênh mông (2019) đã được bạn bè, văn nghệ sĩ yêu thơ Nguyễn Đức Sơn thực hiện khi ông đang bạo bệnh.

Ngoài ra còn có một số tạp văn, các bản thảo thơ đã đặt tên gồm: Độc thoại, Đám cưới trên hư không, Tâm tư, Tạ từ, Ngọn suối đời. Bản thảo truyện đã đặt tên có: Ngồi đợi ngoài hành lang (truyện ngắn), Chỗ nằm của Thạch (truyện dài) và tập Mười lăm năm thi ca niền Nam (Phóng bút). Hy vọng những di cảo này được sớm xuất bản để tài hoa của Nguyễn Đức Sơn một lần nữa đến được với độc giả.

Hồ Ngọc Giàu

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/van-hoa/nha-tho-nguyen-duc-son-sao-tren-rung-da-tat-173892.html