Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Đầu tư cho nhà văn không phải về tiền'

'Đặt lòng tin của Đảng và Nhà nước vào các nhà văn là đầu tư lớn nhất, quan trọng nhất', nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão sáng 16/2.

Gắn liền với đời sống xã hội

Tại cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão sáng 16/2/2023, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm, kết quả nổi bật và quyết tâm cống hiến, khát vọng của bản thân, của ngành, bày tỏ tình cảm trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với các trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ.

PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định nếu hai năm trước, các hoạt động văn học nghệ thuật gần như đóng băng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2022 các hoạt động này khởi sắc trở lại, sôi nổi và đa dạng.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt.

“Không khí văn nghệ ấm dần lên có tác dụng tích cực đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý của nhân dân. Đặc biệt Hội nghị văn hóa toàn quốc 24/11/2021 đã tạo cảm hứng sáng tạo, tươi mới cho giới văn học nghệ thuật, làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, cụ thể là sự quan tâm thiết thực đến vấn đề văn hóa, đến đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

NSND Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cho rằng ở bất kỳ giai đoạn, thời điểm lịch sử nào, ngành sân khấu Việt Nam đã cho ra đời những tác phẩm thể hiện đầy đủ tính dự báo, định hướng, giáo dục và mang đậm tính thẩm mỹ.

NSND Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cho rằng những tác phẩm sân khấu luôn thể hiện được tính dự báo, định hướng và giáo dục.

“Sân khấu Việt đáp ứng kịp thời các nhu cầu đời sống xã hội, đồng thời phần nào chữa lành những vết thương khi đất nước gặp cơn binh biến: chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh... Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều truyền động lực, nâng cao trách nhiệm công dân đối với những vấn đề nhức nhối xã hội”, NSND Trịnh Hồng Lựu nói.

Các tác phẩm không chỉ đi sâu vào hiện thực cuộc sống góp phần đẩy lùi những tệ nạn, những thói hư tật xấu mà còn đề cập những vấn đề mà Đảng và nhân dân đang đặc biệt quan tâm - công cuộc phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới.

Đầu tư mạnh mẽ cho văn hóa

Năm 2022 đánh dấu nhiều sự kiện văn học nghệ thuật được tổ chức thành công, mang lại nhiều điểm sáng cho ngành văn hóa. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận định thành tựu trong lĩnh vực văn hóa còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ ra hiện nay ngành văn học nghệ thuật còn vắng bóng các công trình tầm vóc được công chúng ghi nhận, đánh giá cao. Xu hướng nghiệp dư hóa trong sáng tác, biểu diễn đi kèm với đó là sự lên ngôi của thị trường nhảm nhí, sự du nhập các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phản cảm, chiếm phân khúc lớn trên thị trường.

Ông kiến nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương đặt toàn bộ sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia, trở thành một trong những giải pháp chiến lược tăng cường sức mạnh mềm, đưa Việt Nam ra với thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Những loại hình văn học nghệ thuật trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền dân tộc, đến những giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam, Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kiến nghị.

Ông nêu loạt giải pháp về đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tôn vinh tài năng và cống hiến của họ, phấn đấu có những tài năng lớn ở các loại hình về văn học và nghệ thuật, thu hẹp dần khoảng cách thụ hưởng văn hóa của người dân thuộc các vùng miền và các nhóm xã hội khác nhau.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung đầu tư cho các nhà văn, nhà thơ.

NSND Trịnh Hồng Lựu nhận định lâu nay Việt Nam tập trung phát triển kinh tế, việc đầu tư cho văn hóa còn thụ động, nhỏ giọt. Việc chưa biết khai thác sức mạnh mềm từ văn hóa, "chảy máu" chất xám từ các nhà khoa học, giới văn nghệ sĩ, trí thức là những hệ lụy của việc đầu tư chưa xứng tầm cho văn hóa.

Sự đầu tư cho nhà văn, nhà thơ được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều lý giải không phải về tiền, điều kiện sống mà là lòng tin của Đảng, Nhà nước vào chính họ.

“Đặt lòng tin của Đảng và Nhà nước vào các nhà văn là đầu tư lớn nhất, quan trọng nhất. Đầu tư đó sẽ tạo ra cảm hứng lớn nhất và sự thấu hiểu lớn nhất về các nhà văn. Đầu tư thứ hai là không gian sáng tạo - không gian tự do sáng tạo có tính dân chủ bởi chưa bao giờ các nghệ sĩ được quyền sáng tạo, được quyền bày tỏ, được quyền phản biện như bây giờ”, ông Nguyễn Quang Thiều đề xuất.

Văn Kiên - Gia Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-tho-nguyen-quang-thieu-dau-tu-cho-nha-van-khong-phai-ve-tien-post1510613.tpo