Nhà thờ Nguyễn Quốc Bằng đón bằng công nhận di tích LS-VH cấp tỉnh

UBND xã Tùng Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) và con cháu dòng họ vừa tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Quốc Bằng.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Can Lộc trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Quốc Bằng cho địa phương và đại diện con cháu dòng họ

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Can Lộc trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Quốc Bằng cho địa phương và đại diện con cháu dòng họ

Nguyễn Quốc Bằng sinh ra trong một gia đình có truyền thống về binh nghiệp ở làng Đông Rạng, xã Tĩnh Thạch, nay là thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc.

Kế thừa truyền thống binh nghiệp của gia đình, Nguyễn Quốc Bằng tham gia quân đội dưới triều vua Lê Ý Tông (từ năm 1737 - 1740), tham gia dẹp loạn nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân Đàng Ngoài ở Nghệ An.

Với chức vụ đội trưởng, ông cùng quan quân triều đình tham gia nhiều trận đánh diệt trừ thổ phỉ, ổn định đời sống của nhân dân vùng biên cương.

Năm 1740, vua Lê Hiển Tông lên ngôi, ông vẫn được trọng dụng, tiếp tục giữ nhiều trọng trách trong quân đội. Cũng trong năm này, ông được thăng lên chức Bách hộ (trật Chánh lục phẩm), hàm Phấn lực tướng quân. Sau đó, ông lại tiếp tục được thăng chức phó Thiên hộ, Thiên hộ.

Con cháu dòng họ và nhân dân xã Tùng Lộc rước bằng công nhận di tích về nhà thờ

Ghi nhận công lao của ông đối với triều đình, năm 1740, vua Lê Hiển Tông đã phong tặng ông sắc phong.

Ông mất ngày 14/4/1770, mộ ông được con cháu an táng tại nơi cao ráo, nay là nghĩa trang của xã.

Nhà thờ Nguyễn Quốc Bằng nằm trên đất hương hỏa của dòng họ, lúc đầu làm bằng tranh tre, vách nứa. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, di tích gần như bị hư hỏng hoàn toàn.

Sắc phong được lưu giữ trong nhà thờ

Năm 2016, nhà thờ được con cháu tôn tạo lại khang trang như hiện nay với kiến trúc 3 gian bằng gỗ khá hoàn chỉnh, có các hạng mục như: Thượng điện, hạ điện, cổng di tích, tắc môn… với diện tích 278m2.

Hệ thống cột, kèo được chạm khắc tinh xảo nhưng vẫn giữ được theo lối kiến trúc xưa, có giá trị về mặt lịch sử và tâm linh.

Đ.V

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/nha-tho-nguyen-quoc-bang-don-bang-cong-nhan-di-tich-ls-vh-cap-tinh/178573.htm