Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ngừng hát 'đồng dao' để về với 'sông quê'

Sau thời gian lâm bệnh nặng, Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã qua đời tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào lúc 19h50 ngày 7/1/2019. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương cho văn nghệ sĩ, cũng như nhiều người mến mộ ông.

Kính xin tiễn biệt MỘT TÂM HỒN LỚN! Ảnh: Internet.

Người viết bài này là học trò của Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Khi hay tin ông ra đi từ Nhà văn – Nhạc sĩ Phạm Việt Long, tôi đã hụt hẫng, ngừng suy nghĩ về mọi thứ, những hình ảnh lúc này ùa về là bóng dáng người thầy hiền lành, tài hoa, với những bài giảng chiều sâu về văn chương, thời cuộc và không kém phần hài hước. Tôi đã từng viết, có lẽ sau Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, thì Nguyễn Trọng Tạo là một trong số rất ít những người làm văn chương có nhạc phẩm không thua kém gì những Nhạc sĩ lớn chỉ chuyên về nhạc. Ông là một Nghệ sĩ đúng nghĩa trong sáng tạo và ngoài đời. Và tôi xin khẳng định lại: Nguyễn Trọng Tạo là một “của báu” của nước Việt!

Nguyễn Trọng Tạo phải là người có Tâm Hồn Lớn mới viết nên được những nốt nhạc cho “Khúc hát sông quê”, cho “Đôi mắt đò ngang”, cho “Làng quan họ quê tôi”... Và ông phải là người có trái tim nhân hậu mới có thể làm rung động hàng triệu trái tim khác bằng những nhạc phẩm mà tôi gọi là những thiên phẩm. Những bài thơ của ông càng làm cho chúng ta thêm yêu hơn cái đẹp ẩn hiện trong cõi hồng trần đau khổ.

Giữa mùa đông lạnh lẽo này, sự ra đi của người Nghệ sĩ lớn càng làm cho cái lạnh thêm buốt tim, dẫu rằng cái chết là không tránh khỏi. Cách đây khoảng một tháng, sau khi cùng Nhà văn – Nhạc sĩ Phạm Việt Long và các bạn văn trường Nguyễn Du sang thăm Nguyễn Trọng Tạo không lâu, tôi đã có một giấc mơ kỳ lạ. Tôi đã kể với Nhà văn – Nhạc sĩ Phạm Việt Long, giấc mơ như sau:

“Tôi đang ngồi ở đồng cỏ thì bỗng nhiên Nguyễn Trọng Tạo xuất hiện, ông đi lại phía tôi và rơi nước mắt, một tay che lồng ngực. Tôi ôm chặt ông. Ông nói rõ ràng: “Thầy bị đau ngực đã một thời gian rồi, khó qua lắm”. Nghe xong, tôi khóc. Tôi bàng hoàng tỉnh dậy khi đôi mắt còn rơm rớm, lúc đó là hơn 2 giờ sáng, và tôi thức cho đến sáng hẳn. Sau đó một ngày, tôi gọi điện cho Nguyễn Trọng Tạo để hỏi thăm sức khỏe, giọng ông sang sảng và tươi trẻ. Từ lúc nghe giọng ông đến nay mới được khoảng hai tháng. Và tôi chưa gặp lại ông. Và một cuộc trò chuyện “gai góc” giữa hai thầy trò như đã hẹn đã không thể thực hiện.

Đến lúc này, khi đã biết tin ông vĩnh viễn ra đi, tôi chưa thể tin nổi. Có lẽ lúc này, nhiều người đang nghe lại các nhạc phẩm và đọc lại các thi phẩm của ông. Và ở đó, Nguyễn Trọng Tạo cất lên tiếng nói của mình. Và ở đó, Nguyễn Trọng Tạo đã nuôi nấng bao tâm hồn khác. Và ở đó, Nguyễn Trọng Tạo giúp nhiều trái tim khô cứng biết rung theo nhịp vui buồn của cuộc sống.

Giống nhà thơ nổi tiếng người Nga Ê-xê-nhin vẽ nước Nga yêu kiều và yếu đuổi bằng những câu thơ đẹp và bay bổng, Nguyễn Trọng Tạo trong nhiều trường hợp thơ cũng đã vẽ nước Việt bằng những câu thơ lạ của riêng mình, ngoài ra, nó còn hiện lên với dáng vẻ vừa mê vừa tỉnh. Ông yêu nước mình từ vẻ đẹp đồng quê. Mà vốn dĩ, ông lớn lên từ đồng quê.

Tôi đã từng cho rằng, thơ Nguyễn Trọng Tạo phần nào đó mang dấp Nga, đó chính là mang dáng dấp của Ê-xê-nhin. Lần đầu tiên, khi khá lâu, còn là sinh viên năm 2, trong một buổi ra mắt tuyển tập thơ của ông ở Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ở phố Trần Quý Kiên (Hà Nội), tôi đã nhận ra điểm này khi có trong tay tuyển tập thơ Nguyễn Trọng Tạo. Rõ ràng, Nguyễn Trọng Tạo đã thấy “Nước Nga Vàng” rất chung với “Nước Việt Vàng”, đó là điểm tương thích trong hai Tâm Hồn Lớn.

Tâm Hồn Nguyễn Trọng Tạo đã đồng điệu, lồng ghép vào nhiều Tâm Hồn xưa kia, như Hàn Mặc Tử, như Vũ Hoàng Chương, như Vũ Đình Liên, như một phần của Nguyễn Du. Tâm Hồn ấy đã san sẻ sang cho nhạc, và cùng với thơ cất lên đôi cánh, mang đến cho những tâm hồn khô cằn bóng mát, để từ đó tươi mới hơn, nên người hơn.

Vâng, lúc này đây, Nguyễn Trọng Tạo đã ngừng hát “đồng dao” để về với “sông quê”, nhưng sự ngừng đó là để cho chúng ta hát tiếp từ những câu thơ điêu luyện của ông. Và ông đã về với “sông quê”, chính nơi đây đã cho Tâm Hồn ông điểm tựa. Chính nơi đây đã giúp Tâm Hồn Nguyễn Trọng Tạo phủ mát cho biết bao tâm hồn khác. Và ông đã lại về với “sông quê”, nơi đây, ông sống mãi trong lòng quê hương và đất nước. Nơi đây, “Khúc hát” sẽ bay lên, vang xa mãi mãi.

Kính xin tiễn biệt MỘT TÂM HỒN LỚN!

(Chú thích: “Đồng dao” và “sông quê” sử dụng ở tiêu đề và trong bài được lấy từ tên tập thơ “Đồng dao cho người lớn” và nhạc phẩm “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo)

Hà Nội, đêm buồn giá lạnh

7/1/2019

Vũ Gia Hà |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-tho-%E2%80%93-nhac-si-nguyen-trong-tao-ngung-hat-%E2%80%9Cdong-dao%E2%80%9D-de-ve-voi-%E2%80%9Csong-que%E2%80%9D-66360