Nhà thơ Nông Quốc Chấn- Người định hướng cho sự phát triển văn hóa văn nghệ các DTTS Việt Nam

BBK -

Nhà thơ Nông Quốc Chấn, dân tộc Tày, tên gốc là Nông Văn Đăm, tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh. Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1923, trong một gia đình trí thức ở nông thôn miền núi, tại bản Nà Cọt, xã Cốc Đán, châu Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Sinh thời, ông là một thanh niên dân tộc ít người sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 1941 tham gia công tác Thanh niên Cứu quốc và các công việc đoàn thể ở xã.

Năm 1945, thoát ly gia đình đi hoạt động theo sự phân công của đoàn thể, theo học nhiều trường, lớp chính trị, văn hóa, văn nghệ; giữ nhiều chức vụ: Trưởng ty Thông tin Bắc Kạn, Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa II, Ủy viên tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng, Khu ủy viên Đảng bộ Khu tự trị Việt Bắc, Phó Ban Tuyên huấn Khu ủy, Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc, Giám đốc Sở Văn hóa Việt Bắc, Chủ nhiệm Nhà Xuất bản Việt Bắc. Từ 1964 đến năm 1970, Nhà thơ đã kinh qua nhiều chức vụ ở Hội Văn nghệ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Văn hóa. Từ năm 1970 là Thứ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan, kiêm nhiệm các chức vụ Giám đốc Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc (1970-1973), Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (1973-1975), Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học (1979-1980), Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du (1983-1985), Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa (1984), Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) từ năm 1991 đến năm 2002.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (Ảnh tư liệu)

Trong hoạt động công tác của mình ông là người luôn gắn bó với thực tiễn, am hiểu và có tầm nhìn xa, trông rộng. Ông đã có những định hướng rất đúng đắn cho sự phát triển văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam đi từ cái nền của cội nguồn truyền thống đến hiện đại, ông đã có công lớn trong việc tạo dựng một “mái nhà chung” cho những người làm công tác văn hóa dân tộc thiểu số. Ông đã có những đóng góp tiêu biểu trên một số lĩnh vực về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cụ thể là:

1. Về sự nghiệp văn học nghệ thuật:

Trong sự nghiệp sáng tác văn chương, Nông Quốc Chấn đã đóng góp rất lớn vào sự đa dạng kho tàng văn học Việt Nam. Có thể kể đến các tác phẩm:

Thơ: Tiếng ca người Việt Bắc, Dòng thác, Bài thơ Pác Bó, Suối và biển, Dọn về làng, Việt Bắc đánh giặc, Người núi Hoa, Đèo Gió… trong đó, có “Dọn về làng” được sáng tác năm 1950, là bài thơ ông viết về quê hương trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ này đã được trao giải Nhì tại Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Béc-lin (1951), sau đó được dịch đăng trên tạp chí châu Âu. Bài thơ viết bằng tiếng Tày, do tác giả dịch sang tiếng Việt.

Bên cạnh việc sáng tác nhà thơ Nông Quốc Chấn còn đặt lời bằng tiếng Tày cho một số ca khúc phong trào cách mạng và dịch sang lời Tày một số bài hát về phong trào cách mạng nhằm tuyên truyền, cổ vũ nhân dân lòng yêu nước và tinh thần cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc của đất nước ta, thế kỷ XX. Cùng với đó ông cũng là người viết nhiều cuốn sách mang tính lý luận phê bình về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là văn hóa văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới… Một số tác phẩm của ông cũng đạt giải thưởng, như: Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam, năm 1954; Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1958; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật, năm 2000.

2. Về lĩnh vực bảo tồn

Một trong những thành tựu tiêu biểu cho công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc của nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn phải kể đến sự ra đời và nâng tầm hoạt động của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thấy được tầm quan trọng của công tác bảo tồn bảo tàng nên từ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng Tổng hợp Khu Việt Bắc, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã đề nghị với Đảng và Nhà nước mở rộng và nâng tầm thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Hiện Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong 5 khối bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn được coi là “mái nhà chung”, là bức tranh toàn cảnh, đặc sắc, độc đáo từ cội nguồn truyền thống đến hiện đại của văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Bảo tàng hiện lưu giữ trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh; 335 tài liệu khoa học bổ trợ; và 1.400 tài liệu chữ viết, hệ thống trưng bày. Bên cạnh đó ông có nhiều bài viết quan trọng cho sự phát triển và mang tầm chiến lược ở lĩnh vực này.

3. Về công tác quản lý

Trong dòng chảy của cách mạng, nhà thơ, nhà quản lý Nông Quốc Chấn đã có sự quan tâm sâu sắc tới các chính sách dân tộc. Đặc biệt là công tác quản lý, lãnh đạo văn hóa trong hệ thống thiết chế nhà nước. Ông đã nhận thức được tính thiết yếu của quản lý, lãnh đạo trong thực thi các chính sách, “Thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ kinh tế và văn hóa giữa miền núi và miền xuôi, giữa vùng cao và vùng thấp, xóa bỏ tâm lý phân biệt chủng tộc, làm cho tất cả các dân tộc, ít người cũng như đông người đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam”[1].

Trong trọng trách Thứ trưởng phụ trách về miền núi, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước thành lập Vụ Văn hóa dân tộc. Vụ Văn hóa dân tộc hiện là cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ khi thành lập cho đến nay, Vụ Văn hóa dân tộc luôn phát huy chức năng nhiệm vụ trong công tác tham mưu, xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, đề án, dự án về bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong lĩnh vực công tác được phân công nhà thơ Nông Quốc Chấn luôn là một nhà quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật xuất sắc. Như đã có thời gian ông vừa đảm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, vừa là Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa Viết văn và Báo chí của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Có nhiều nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số đã được học tập đào tạo, trưởng thành ở ngôi trường này và đã đóng góp cho văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, như: Nhà văn Mã A Lềnh, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhà thơ Y Phương, nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Dương Thuấn…

Trong lĩnh vực đào tạo, nhà thơ, nhà quản lý Nông Quốc Chấn còn có đóng góp trong việc đưa Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc từ việc trực thuộc Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc, được nâng cấp thành hệ đào tạo cao đẳng và trực thuộc Trung ương. Nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hơn 50 năm hoạt động, với những cống hiến, đóng góp to lớn của mình, nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều loại Huân chương, Huy chương khác./.

[1] Nhiều tác giả, Nông Quốc Chấn - Tác phẩm chọn lọc, tập 1, Sđd, tr. 1122.

BBK

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/nha-tho-nong-quoc-chan-nguoi-dinh-huong-cho-su-phat-trien-van-hoa-van-nghe-cac-dtts-viet-nam-post57812.html