Nhà thơ Tố Hữu: 'Người hát rong' của nhân dân

Năm 1973, đơn vị tôi vượt Trường Sơn vào mặt trận B2 (Đông Nam Bộ). Đến Trạm giao liên Ngã ba Biên Giới (Campuchia-Việt Nam- Lào), được nghỉ một buổi, nên sau bữa ăn trưa, tôi tha thẩn đi quan sát nhà ở của bộ đội giao liên.

Năm 1973, đơn vị tôi vượt Trường Sơn vào mặt trận B2 (Đông Nam Bộ). Đến Trạm giao liên Ngã ba Biên Giới (Campuchia-Việt Nam- Lào), được nghỉ một buổi, nên sau bữa ăn trưa, tôi tha thẩn đi quan sát nhà ở của bộ đội giao liên. Tôi bỗng phát hiện ra ở "Bảng thông tin" của Trạm có dán hai bài thơ của Tố Hữu mà mấy đêm trước Đài tiếng nói Việt nam vừa ngâm "Nước non ngàn dặm" và "Việt Nam, máu và hoa", được chép tay nắn nót, dán chồng lên nhau. Tôi mừng quá ngồi hì hục chép vào sổ tay "lính sinh viên" của mình. Chỉ vài ngày sau đơn vị tôi đã có nhiều người thuộc lòng hai bài thơ. Lúc đó không khí ra trận rất hào hùng, hai bài thơ như tiếp thêm sức mạnh. Sau này nghĩ lại, tôi mới hiểu tại sao thơ Tố Hữu dễ thuộc, vì nó rất dân dã: Anh còn lặn lội đường xa/Sông Hương đành nhớ, chưa qua sông Bồ/Phù Lai ba bến con đò/Thanh Lương quê ngoại câu hò còn chăng?...(Nước non ngàn dặm).

Nhà thơ Tố Hữu, từ bài thơ đầu tiên viết ở tuổi mười tám, Từ ấy đã như một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn thơ, tuyên ngôn cách mạng theo trọn suốt đời ông: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim/Hồn tôi là một vườn hoa lá/Rất đậm hương và rộn tiếng chim... Cho đến khi từ giã cõi trần, nhà thơ Tố Hữu đã đi trọn 64 năm thơ ca cách mạng. Thơ Tố Hữu là thơ mới, hiện đại, sâu sắc, chuyển tải những tình cảm lớn của nhân dân trong suốt hành trình lịch sử của Đảng, của Dân tộc. 64 năm qua, biết bao thế hệ chiến sĩ Việt Nam, từ các nhà trí thức đến người dân lao động quê mùa chưa biết chữ, nhiều người thuộc lòng thơ Tố Hữu, đã ngâm ngợi thơ Tố Hữu trong những lúc chiến đấu cam go nhất, đã hát vè thơ Tố Hữu những lúc mừng công, mừng chiến thắng. Tại sao thơ Tố Hữu có sức truyền bá rộng rãi, lâu bền như vậy? Vì thơ Tố Hữu là tiếng nói đồng tình, đồng lòng, đồng chí (chữ của nhà phê bình Nguyễn Văn Hạnh) cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Nhà thơ đặc biệt sử dụng rất thành công ngôn ngữ vè, ca dao truyền thống thơ lục bát, đồng dao của dân tộc để tạo nên những bài ca bất tuyệt, ai cũng thuộc, cũng nhớ:

Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình/Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh... (Mẹ Suốt). Tố Hữu có rất nhiều bài vè, bài hát đồng dao, nôm nam dân dã mà níu chặt vào lòng người, hồn người như Con cá chột nưa, Bà má Hậu Giang, Phá đường, Bầm ơi, Lượm...

Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu có lần nhận xét rất đúng rằng: "Thơ Tố Hữu thành ca dao". Đó là một lời khen chính xác và sang trọng. Đọc thơ Tố Hữu, ở bài nào ta cũng gặp hình ảnh, ngôn ngữ thấm đẫm chất ca dao dân ca nên rất gần gũi với mọi tầng lớp công chúng độc giả: Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng Đèo khế gió sang... (Phá đường). Đó chính là sức mạnh của ngôn ngữ thơ ca mang tính đại chúng cao. Một lần, khi đã vào tuổi bảy mươi, nhà thơ Tố Hữu tâm sự với người cháu gọi mình bằng cậu là nhà thơ Phùng Quán rằng: "Cậu ao ước còn đủ sức khỏe, đạp một chiếc xe đạp về trong quê mình, sống lại kỷ niệm của thời ấu thơ, thời hoạt động sục sôi của tuổi thanh niên, rồi đặt những bài vè như Mẹ Suốt, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Nước non ngàn dặm... tìm đến nơi có đồng bào, bà con tụ tập, đọc lên cho bà con nghe... Cậu mong muốn được làm người hát rong của nhân dân". Đó là mong muốn rất dân dã mà vô cùng sang trọng của một nhà thơ đã gắn bó đời thơ của mình với cách mạng, với cuộc chiến đấu giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc. Người hát rong của nhân dân-danh hiệu cao quý đó không phải nhà thơ nào cũng có được.

Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành. Trong hồi ký "Nhớ lại một thời" (*), nhà thơ kể về xuất xứ bút danh của mình: Năm 1938, sau khi đã làm được một số bài thơ in trên các báo, ông gặp một cụ đồ nho người Quảng Bình ở Huế. Cụ đặt cho chàng thi sĩ trẻ bút danh "Tố Hữu". Cụ đồ giải thích: "Tố Hữu là sẵn có. Hai chữ ấy để chỉ khí phách tiềm ẩn trong người cậu". Tố Hữu thưa: "Cháu không biết chữ Hán. Nhưng chữ Tố Hữu cháu xin hiểu theo nghĩa khác là người bạn trong trắng". Thế là thành cái bút danh thơ nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam từ ấy... Tên Tố Hữu như sự trong sáng thiên nhiên khởi nguồn từ ngôn ngữ của dân tộc...

NGÔ MINH

(*) NXB Hội nhà văn- năm 2000.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_197879_nha-tho-to-huu-nguoi-hat-rong-cua-nhan-dan.aspx