Nhà thơ với những tác phẩm đồ sộ

Những năm trở lại đây, người yêu thơ và giới sáng tác văn chương biết đến nhà thơ Gia Dũng qua hàng chục tập thơ với khoảng gần 20.000 trang in gồm các tuyển tập- hợp tuyển: Chúng tôi đánh giặc và làm thơ, Một thế kỷ thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ngàn năm thương nhớ (tuyển thơ Thăng Long- Hà Nội 1010-2010), Thơ Việt Nam 1945-2000, Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ, Non nước một dải…

Gia Dũng vốn xuất thân là người lính thuộc thế hệ chống Mỹ, từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và giữ cương vị Chủ tịch Hội Văn học -nghệ thuật Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang)…Trước đó, người yêu thơ biết đến Gia Dũng qua nhiều tập thơ của ông, đặc biệt là bài thơ “Bài ca Trường Sơn” viết năm 1968 ngoài mặt trận (được cố nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc). Năm 1988, sau khi thôi công việc phụ trách Hội Văn học - nghệ thuật Hà Tuyên, ông về Hà Nội dành thời gian cho công việc sưu tầm và biên soạn thơ. Do có gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật ở địa phương, ông có điều kiện giao lưu với giới văn nghệ sĩ ở cả 64 tỉnh thành trong cả nước và nghĩ đến việc sưu tầm, tuyển chọn các bài thơ hay, có giá trị.

Nhà thơ Gia Dũng luôn đau đáu một nỗi niềm với thơ ca.

Một lần đi công tác Bắc Giang, ông đọc được trong sổ tay của một người bạn 6 câu thơ lục bát viết về mẹ: Con về thăm mẹ đêm mưa/Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên/Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên/ Đã rơi vào mẹ những đêm trắng trời/Con đi đánh giặc một đời/Mà không che nổi một nơi mẹ nằm. Đọc xong, ông thực sự xúc động. Nếu không phải là một người lính, một người con với lần đầu về thăm mẹ thực sự ấy thì không thể viết được những câu thơ hay như vậy. Một lần khác, nhà thơ đi lang thang ở Sa Pa, tình cờ gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thọ, ông được mời vào nhà chơi, cho xem ảnh và tập thơ Nguyễn Thọ viết. Khi đọc xong ông bần thần, ngơ ngẩn với bài “Chợ phiên”: Chợ phiên tan đã lâu rồi/Đường chia đôi ngả bồi hồi lòng ai/Mình về con dốc thì dài/Mây chen chân ngựa, gió cài vành khăn/Lời yêu trong mắt long lanh/Mùa xuân căng mọng nửa vành áo thêu. Thực lòng trong tâm trí ông rất tâm đắc: Lục bát mà viết được như thế thì quả là bậc thầy. Đáng chú ý ở hai câu cuối, nhiều người viết lục bát chuyên nghiệp chưa hẳn đã chọn được những hình ảnh nào đẹp hơn thế!

Ông sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, gia đình sống ở Tuyên Quang, còn nhà thơ xuôi về Hà Nội để làm công việc mình yêu thích với niềm mong muốn thật giản dị “để lại” cho đời một cái gì có ích. Vậy là ông cần mẫn tìm kiếm, nhặt nhạnh những câu thơ, bài thơ hay trên dọc chiều dài đất nước để tập hợp, biên soạn nó với tấm lòng trân trọng nhằm phục vụ bạn đọc.

Tuyển tập thơ: Chúng tôi đánh giặc và làm thơ ra mắt độc giả năm 1999 nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuyển tập đã tập hợp được 120 nhà thơ (đều là người lính) với 280 bài thơ chọn lọc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuốn sách này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa đã gây được sự chú ý của bạn đọc- nhất là đối những người đã trải qua quân ngũ.

Năm 2000, Gia Dũng cho “ra lò” tuyển tập thơ: Một thế kỷ thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam dày gần 1000 trang do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (khi đó) viết lời tựa. Tính đến nay chưa có cuốn nào vượt qua được tuyển tập này cả về quy mô và chất lượng. Năm 2001, ông tiếp tục trình làng cuốn Thơ Việt Nam 1945-2000 mang tầm cỡ, có độ dày 1.740 trang và có trên 200 tác giả lần đầu tiên xuất hiện trong tuyển tập. Tuyển tập thơ ra đời được bạn đọc, giới sáng tác và nghiên cứu đánh giá cao.

Song có lẽ điểm nhấn quan trọng khẳng định uy tín trong việc tuyển chọn, biên soạn của ông là tuyển tập Ngàn năm thương nhớ (tuyển tập thơ Thăng Long – Hà Nội 1010-2010) mà ông rất tâm đắc đã ra mắt bạn đọc năm 2004, dày 2.400 trang, nặng hơn 5 kg, in trên giấy đẹp có hoa văn nổi. Ở tuyển tập này phần thơ cổ (Hán Nôm) được xem là công phu và tương đối đầy đủ (có những bài từ trước tới nay chưa có ai tìm ra được). Nó đồ sộ cả về thời gian và không gian, đông-tây-kim-cổ đều nằm trong tập này. Trong đó, có 86 bài thơ của 56 tác giả thuộc 56 quốc gia khác nhau trên thế giới viết về Hà Nội.

Đến năm 2005, nhà thơ giới thiệu Hồ Chí Minh-hợp tuyển thơ. Cuốn sách dày 1.584 trang, khổ 15x23cm, được in trên giấy phấn phủ hoa văn màu. Theo tác giả, đây là hợp tuyển thơ đầy đủ nhất, tiêu biểu nhất về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài thơ viết về Người. Tác phẩm Nhật ký trong tù lần in này theo bản dịch của Viện Văn học do NXB Văn hóa ấn hành tháng 5-1960, khi xuất hiện chỉ có 114 bài. Căn cứ vào bản gốc có tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, người biên soạn đã bổ sung thêm 19 bài cùng bài mở đầu có tính chất như một lời đề từ và bài kết thúc là Mới ra tù tập leo núi. Như vậy, Nhật ký trong tù trong hợp tuyển này có tổng cộng 135 bài (gồm thơ chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ). Có 329 bài thơ và trường ca (trích) của 283 tác giả được tuyển chọn từ hàng ngàn bài thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tác giả ở địa phương trong cả nước. Có 71 bài thơ của 67 tác giả ở khắp các châu lục: Trung Quốc, Lào, Anh, Pháp, Nga, Đức, Cuba, Chi Lê, Úc, Nam Phi…

Ông khẳng định: Tôi làm sách không nhằm mục đích thương mại. Những bộ sách ông làm rất khó bán vì giá thành cao. Trong quá trình làm sách, Gia Dũng không nhận được bất kỳ một sự giúp đỡ nào. Có chăng, ông chỉ nhờ vào tấm lòng ưu ái của bạn bè văn chương giúp chừng nào tốt chừng đó. Song ông không nản và luôn tự động viên mình bởi một quan điểm làm sách rõ ràng: Đã làm thì ra làm! Và làm những cuốn sách có chất lượng cả về nội dung và hình thức.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-tho-voi-nhung-tac-pham-do-so-170746.html