Nhà thơ Xuân Thiêm: Khi cuộc sống ngân lên giai điệu

Nhà thơ Xuân Thiêm là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông vừa vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với trường ca 'Xuôi dòng Nậm Na' và truyện thơ 'Người trai Bình Định'. Ông luôn giữ phong thái giản dị, hào sảng nhưng cũng rất đỗi dí dỏm. Ông bảo, cả cuộc đời mình dành cho cách mạng và nhận về nhiều vinh quang, trong đó là sự hiển đạt của 5 người con và sau này là cuộc sống an vui.

Những kỷ niệm đẹp

Nhà thơ Xuân Thiêm hiện sống ở căn hộ nhỏ cuối đường Trương Định (Hà Nội) cùng với những kỷ niệm. Những kỷ niệm mà ông trân quý là tình cảm bè bạn, văn nhân và đặc biệt, ông biết ơn người vợ của mình - bà Nguyễn Thị Thanh Phụng, một người giỏi quán xuyến gia đình, tiết kiệm, thay chồng nuôi 5 con nên người.

Nói về gia đình, nhà thơ Xuân Thiêm bảo rằng, đó là điều quá khó, nhưng rồi ông cũng tự bật lên nỗi niềm: “Có lúc, tôi vẫn tự đùa mình là: Chưa biết yêu thì đã yêu, chưa biết làm chồng thì đã là chồng, chưa biết làm cha thì đã là cha. Tức là tôi và vợ tôi cưới nhau rất sớm, nhưng rồi tôi đi hoạt động cách mạng. Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để quán xuyến gia đình, nuôi con, và phải nói là suốt cuộc đời tôi cứ như một học sinh, tất cả đều nhờ vợ”.

Vợ chồng nhà thơ Xuân Thiêm.

Lão nhà thơ cũng chia sẻ, trong tuyển tập thơ văn, ông viết rất nhiều thơ về vợ. Rồi ông tự hào chỉ lên bức tranh chữ, do nhà nghiên cứu văn học Nhị Ca viết cho bà Phụng từ năm 1980: “Qua cháu Thi và các cháu khác, mới thấy hết công phu dạy dỗ các cháu của chị, đủ cả công dung ngôn hạnh, vá may nấu nướng đều giỏi. Chúng ta đều không còn trẻ, ngọt bùi đắng cay đều trải qua. Vốn chìm, vốn nổi quý nhất, hạnh phúc lớn nhất chỉ là con cháu chăm ngoan, khỏe mạnh. Trai gái, dâu, rể của anh chị đều nên người”.

Xuân Thiêm xúc động đọc lại, rồi ông bảo: “Những lời anh Nhị Ca viết, đã khái quát công lao của vợ tôi, cũng là những điều tôi muốn nói với bà Phụng”.

Bà Phụng quê ở làng Bình Hồ (huyện Kim Động, Hưng Yên), còn ông Thiêm quê ở làng Bông, xã Hùng An (huyện Kim Động), từ nhỏ vì hai gia đình đều nuôi giấu cán bộ nên ông bà quen biết nhau. Ông Thiêm kể: Gia đình vợ tôi khi đó đặc biệt lắm, hai chị em Nguyễn Thị Thanh Phụng và em gái là Nguyễn Thị Kim Quy đều xinh đẹp, thường làm mẫu cho họa sĩ Lương Xuân Nhị vẽ. Họa sĩ Lương Xuân Nhị rất chuộng kiểu người như Phụng, một vẻ đẹp hồn nhiên khỏe khoắn khác hẳn típ thiếu nữ Hà thành với đôi mắt mơ màng xa xăm. Tôi và Thanh Phụng yêu nhau, rồi chính ông Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, từng được gia đình Thanh Phụng nuôi giấu, đã đứng ra làm chủ hôn cho tôi và Thanh Phụng. Ngày đó, cuộc sống khó khăn nhưng lãng mạn lắm. Khi đón dâu, chúng tôi ngồi thuyền ba cây số dọc con sông quê, còn quan khách thì đi bộ trên bờ, rất tình cảm, rất đẹp.

Khi họa sĩ Lương Xuân Nhị được giao chức vụ Tổng thư ký Hội Văn nghệ khu 3, mỗi lần gặp nhau, họa sĩ cùng nhà thơ lại nhắc đến Hưng Yên với niềm yêu thương da diết và ôn lại những kỷ niệm về Hội Văn hóa kháng chiến thời trước. Có một kỷ niệm mà đến giờ ông vẫn không quên về người vợ cả đời tận tụy của mình. Trong trận đánh phục kích địch ở Cổ Lễ (Nam Định) mở đường cho đại quân vượt sông Hồng, bộ đội ta bắt được nhiều tù binh, trong đó có một sĩ quan Pháp. Xuân Thiêm là phái viên chính trị đi theo trung đoàn 48 đánh trận này. Vừa im tiếng súng, ông được lệnh về ngay hầm Tư lệnh để hỏi cung tù binh thực dân Pháp. Trước mặt ông là một trung úy mặt non choẹt vẻ sợ sệt. Hỏi gì hắn trả lời ngay, kể cả những thông tin cần tìm hiểu để ta dễ bề phán đoán địch tình. Hắn tự khai tên là Besecond. Hắn nhìn ông rồi đưa tay lên ngực, lấy từ túi áo trong ra một tờ giấy gấp nhỏ đưa cho ông, ý muốn tự nói hắn là hàng binh. Xuân Thiêm bất ngờ khi mở ra, nhận ngay đây là bức tranh của Lương Xuân Nhị vẽ theo yêu cầu của ban địch vận.

Ông Thiêm nhớ lại: “Bức tranh truyền đơn khổ nhỏ có dòng chữ kêu gọi hồi hương (rapatriement) và hình một phụ nữ đang như ngóng đợi, như chuyện trò với người thân bị đưa đi đánh trận thuê. Cô gái trong tranh tuy có mái tóc xoăn, đôi mắt xanh của người châu Âu nhưng vẫn gợi cho tôi đến Thanh Phụng, vợ tôi. Tôi cầm tờ truyền đơn về đặt cạnh bức tranh vợ mình, càng khẳng định đó chính là vợ mình. Tôi suy nghĩ mãi về tác dụng của một bức tranh được nhân bản và phát tán tới nơi cái chết và sự sống đan cài nhau, càng thêm quý trọng họa sĩ bậc thầy Lương Xuân Nhị”.

“Ông từ giữ đền”

Xuân Thiêm sinh năm 1927 tại Hưng Yên, tham gia cách mạng từ trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, từng làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Từ năm 1946 đến 1950, ông làm Chủ nhiệm Báo Bãi Sậy của tỉnh Hưng Yên, là thành viên Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Liên Khu 3. Năm 1951, Xuân Thiêm được điều động lên Văn hóa khu rồi bổ sung làm lính Đại đoàn 320 chuyên hoạt động ở vùng địch tạm chiếm đồng bằng Bắc bộ. Năm 1955, ông về trại sáng tác của Tổng cục Chính trị. Năm 1957, khi Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mắt, ông là thành viên của Ban biên tập đầu tiên.

Nhà thơ Xuân Thiêm và tác giả bài viết.

Nhà thơ Bằng Việt, đã viết về ông: “Khi cùng các nhà văn quân đội tham gia Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành một trong các hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam; rồi được điều động sang Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, để trở thành "ông từ giữ đền" của cả khối văn học nghệ thuật Việt Nam trong suốt 15 năm, cùng với nhà thơ Huy Cận đứng ở vị trí "quân trung luận bàn" cho rất nhiều chủ trương chính sách của cả giới văn nghệ sĩ…”.

Tôi hỏi, trong những năm tháng vừa hoạt động cách mạng, vừa thực tế sáng tác, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất? Nhà thơ Xuân Thiêm chia sẻ: Vào năm 1965 - 1966, tôi cùng anh em, đồng đội đi thực tế sáng tác ở đảo Bạch Long Vĩ, trong chuyến công tác vô cùng gian nan này, tôi đã sáng tác được 10 bài thơ, 10 lời thơ để nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc, hai kịch bản để nhà văn Hoàng Văn Bổn dựng phim. Những năm đó, đế quốc Mỹ đánh bom vô cùng ác liệt, song tôi đã không thể ngờ nó lại ác liệt hơn sự tưởng tượng. Vậy mà chúng tôi vẫn cùng đồng đội bám trụ, chiến đấu, sáng tác. Đúng là trong hiểm nguy đã tạo cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc, chất xúc tác để có thể viết nhanh, ào ạt. Và bài thơ “Cô gái Bạch Long Vĩ” của tôi được đánh giá cao, nhờ thế nhiều người biết đến tôi hơn. Bài thơ cũng được in trong Tuyển thơ chống Mỹ năm 1965-1972. Giọng bài thơ này điềm đạm, thủ thỉ, da diết, đúng với cá tính của tôi. Có nhà thơ nhận xét khi đọc bài thơ này: không nói to mà vẫn đau, không ồn ào mà vẫn có sức lan tỏa thâm trầm. “Cô gái Bạch Long Vĩ” là cách kể chuyện tâm tình bằng thơ đặc trưng kiểu Xuân Thiêm.

Về hai cuốn sách giúp ông dành giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, cuốn “Xuôi dòng Nậm Na” là trường ca kể lại một đoạn đời của Anh hùng quân đội Phan Tư, chiến sĩ thuộc Trung đội 51 - đơn vị được giao nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na, mở tuyến đường thủy phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ lòng quả cảm và tài trí thông minh, anh đã xung phong làm nhiều nhiệm vụ quan trọng, giúp Trung đội hoàn thành nhiệm vụ.

Còn cuốn truyện thơ “Người trai Bình Định” xuất bản năm 1959, đây là tập sách dẫn Xuân Thiêm vào con đường văn chương chuyên nghiệp. Trước đó, ông đi công tác ở Khu V, được nghe Chính ủy kể chuyện suốt ba ngày về Anh hùng Ngô Mây (ở Bình Định) và Anh hùng Nguyễn Phú Vị (ở Hà Nội). Ông được giao nhiệm vụ viết văn cơ, nhưng đã viết theo thể loại truyện thơ về cả hai, song cuốn “Người trai Bình Định” đã được chọn in.

Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, nay ông đã ở tuổi 96, với gần 80 năm tuổi đảng. Có thể giải thưởng đến với ông hơi muộn, nhưng ông vẫn rất vui, vì chút cống hiến của mình vẫn được Đảng và Nhà nước quan tâm. “Và cũng phải khẳng định, giải thưởng này, cùng giải thưởng Hồ Chí Minh mang tầm quốc gia đã vinh danh rất nhiều văn, nghệ sĩ, những người có đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Điều đó cũng là sự khích lệ để người sáng tác có trách nhiệm hơn với công việc sáng tạo của mình”, nhà thơ Xuân Thiêm bày tỏ.

Lão nhà thơ để lại ấn tượng trong tôi là nụ cười hiền, giản dị. Với tôi những gì ông cần làm cho cuộc đời thì đã làm hết mình, hoàn thành tâm nguyện và giờ ông an nhiên với những giá trị và giai điệu của cuộc sống.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-tho-xuan-thiem-khi-cuoc-song-ngan-len-giai-dieu-i696885/