Nhã Tĩnh và những bức thư tình gửi chính mình

Những bức tranh tự họa của Nhã Tĩnh dường như là một cách mạo hiểm để cô bộc lộ chính mình với thế giới xung quanh.

Tìm đến hội họa như một cách tiêu thời gian trong những ngày tháng giãn cách vì dịch bệnh, chỉ sau hai năm, Nhã Tĩnh (hay là Nhã – như cô tự gọi mình) đã cho ra đời kha khá tác phẩm.

Tự họa của Nhã Tĩnh

Tự họa của Nhã Tĩnh

Lần nào xem tranh của Nhã, tôi cũng nhớ đến một câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm:

“Tình yêu đến trong đời không báo động

Trái tim anh không lỗi hẹn bao giờ”

Tôi nhận ra Nhã Tĩnh vẽ như một sự thúc đẩy thể hiện bản thân bằng những giai điệu của sắc màu. Nếu không vẽ, hẳn là Nhã Tĩnh đã “lỗi nhịp’ với chính mình. Tranh của Nhã Tĩnh hầu hết có khổ nhỏ và nhân vật trong tranh dường như là tự họa bản thân.

Tự họa của Nhã Tĩnh

Tự họa là một phương thức độc đáo và mạnh mẽ để thể hiện tinh thần, tâm hồn của một người. Thông qua tự họa, Nhã Tĩnh khám phá được bản sắc riêng và suy ngẫm về vị trí của mình trên thế giới. Bằng quyền năng của màu sắc, Nhã Tĩnh đã bộc lộ những điểm yếu, điểm mạnh và những suy nghĩ sâu kín nhất của mình, đồng thời chia sẻ và tạo mối liên hệ với xung quanh theo một cách vừa chân thực, vừa xác thực.

Số lượng tác phẩm được ra đời nhiều chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy Nhã Tĩnh thực sự dành nhiều thì giờ cho vẽ. Bằng cách dành thời gian để khám phá những màu sắc của chính mình và nắm bắt nó trong một tác phẩm nghệ thuật, Nhã Tĩnh thể hiện khao khát yêu thương và sự trân trọng sâu sắc đối với bản thân. Hành động tự yêu bản thân này không chỉ trao quyền mà còn cho phép người vẽ chia sẻ con người thật của họ với thế giới.

Tự họa của Nhã Tĩnh

Tự họa cũng là một cách để kết nối sâu sắc với những người khác. Bằng cách chia sẻ những cuộc đấu tranh, nỗi sợ hãi và niềm vui của chính họ, một người vẽ có thể tạo ra sự đồng cảm và thấu hiểu với người xem của họ.

Tranh của Nhã hầu hết là khổ nhỏ. Màu sắc trong tranh thì tràn ngập sự vui vẻ, hứng khởi và tinh thần tích cực. Như Orhan Pamuk đã nói: “Hội họa là sự im lặng của suy nghĩ và âm nhạc của thị giác”, đứng trước mỗi bức tranh của Nhã, khi sự tĩnh lặng ngân nga cất lên, tôi như nhìn thấy một lát cắt của cuộc du hành trong một giấc mơ thơ trẻ, nơi không ai phải lớn (tựa như xứ sở Neverland vậy). Đương nhiên, là những người trưởng thành, phải hiểu rằng, sự vui vẻ và tinh thần tích cực ở đây không phải là sự lựa chọn mang thiên tính trẻ thơ, mà nó là một sự lựa chọn hoàn toàn chủ động sau những va chạm của cuộc đời.

Tự họa của Nhã Tĩnh

Và vì thế, theo nghĩa sơ khởi nhất của niềm thúc đẩy được vẽ ra, sự tự họa của Nhã có thể được coi là một hành động thể hiện sự dễ bị tổn thương và tin tưởng. Bằng cách chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất của mình, người vẽ đang mở lòng với thế giới và như một lời mời những người khác nhìn nhận con người thật của bản thân.

Chúng ta đang sống một một thời đại mà những nền tảng của đức tin bị lung lay bởi đầy rẫy hoài nghi, nên hành động cởi mở sẽ dễ bị tổn thương. Nhưng đồng thời, hành động này có thể cực kỳ mạnh mẽ và có thể tạo ra kết nối với người khác. Nếu hành trình vẽ ấy Nhã Tĩnh không tìm được giao điểm của sự đồng điệu thì sao? Cũng chẳng sao. Theo nghĩa lãng mạn, tự họa có thể được xem như thư tình mà Nhã gửi cho chính mình.

Còn những bức tranh - Tự nó đạt được định mức khuây khỏa trong chính tinh thần và linh hồn của người tạo ra nó.

Phạm Việt Hưng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nha-tinh-va-nhung-buc-thu-tinh-gui-chinh-minh-a607113.html