Nhà toán học giúp nhân loại khám phá sao Diêm Vương

Khi máy tính chưa ra đời, nhà toán học Elizabeth Williams phải thực hiện các phép tính phức tạp bằng tay. Bà không được thấy thành quả của mình mà qua đời trong nghèo khổ.

Ngày 18/2/1930, Clyde W. Tombaugh tìm ra sao Diêm Vương, ngôi sao khiến giới khoa học tranh cãi và từng bị tước danh hiệu “hành tinh” năm 2006.

Lật lại lịch sử, Space cho biết “cha đẻ” của Pluto có thể đã không tìm thấy nó nếu như không có sự giúp sức của một nhà toán học nữ.

Những công trình quan trọng bị chôn vùi

Nhà toán học được Space nêu đó là Elizabeth Williams, cấp dưới của nhà thiên văn học Percival Lowell - người đầu tiên đặt giả thuyết về sự tồn tại của hành tinh thứ 9. Không may, ông Lowell qua đời trước khi tìm ra câu trả lời về hành tinh này.

 Bức ảnh hiếm hoi về nhà toán học Elizabeth Williams. Ảnh: Space.

Bức ảnh hiếm hoi về nhà toán học Elizabeth Williams. Ảnh: Space.

Sau đó, người kế vị của ông, Clyde W. Tombaugh, tiếp tục sứ mệnh về hành tinh bí ẩn. Họ dựa vào những tính toán của Elizabeth Williams.

Đáng tiếc, những tính toán của bà đã bị thất lạc khi nhà toán học này qua đời. Bà cũng không kịp nhìn thấy kết quả công trình mà mình theo đuổi.

“Không có nhiều thông tin về bà ấy, điều đó rất đáng tiếc”, Catherine Clark, nghiên cứu sinh ngành Thiên văn học tại Đài thiên văn Lowell, chia sẻ với Space trong quá trình tìm về nguồn gốc của sao Diêm Vương.

Cũng theo người này, dữ liệu về Percival Lowell và Clyde Tombaugh rất nhiều, có thể đọc được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, người phụ nữ thực hiện các phép tính quan trọng để tìm ra sao Diêm Vương thì không được đề cập.

Phụ nữ duy nhất bước vào hành trình tìm sao Diêm Vương

Những tính toán đó rất quan trọng trong nhiệm vụ dẫn dắt Tombaugh đến với sao Diêm Vương. Dựa trên việc quan sát sao Hải Vương và Thiên Vương, Percival Lowell lần đầu tiên nhận thấy quỹ đạo của chúng không chính xác như những điều đã nghiên cứu. Đây là cơ sở để ông đặt giả thuyết bản đồ Hệ Mặt Trời chưa hoàn chỉnh.

Việc giải đáp những điều còn bỏ ngỏ đòi hỏi phải có các tính toán rất phức tạp. Elizabeth Williams chính là mảnh ghép còn thiếu trong hành trình tìm ra sao Diêm Vương.

Trước khi phát minh ra máy tính, các nhà khoa học phải thực hiện tất cả phép toán phức tạp bằng tay. Với nghiên cứu của Lowell và Williams, các phép toán cần phải chỉ ra sự khác biệt trong quỹ đạo của sao Hải Vương và Thiên Vương, từ đó tìm kiếm một vật thể bị mất tích.

Năm 1930, những tính toán của Elizabeth Williams đã được đền đáp khi Tombaugh bắt gặp một vật thể lạ di chuyển qua Hệ Mặt Trời.

"Có một kết quả rất mới mẻ dựa trên những tính toán của Elizabeth, điều đó khá thú vị”, Clark nói.

Sao Diêm Vương. Ảnh: UTSanDiego.

Nhưng giây phút tìm ra thứ mới mử đó, Elizabeth không thể chiêm ngưỡng thành quả của mình. Năm 1922, bà kết hôn và bị vợ của Lowell sa thải vì cho rằng nhà toán học có gia đình không còn phù hợp. Mất công việc từng gắn bó, gia đình bà Elizabeth làm việc tại Đài thiên văn Harvard ở Jamaica.

Năm 1935, chồng bà qua đời. Sau đó, Elizabeth chuyển đến New Hampshire, nơi bà mất trong nghèo khó. Những tính toán và thông tin về người phụ nữ đứng sau công cuộc khám phá sao Diêm Vương cũng biến mất.

Trong cuộc họp lần thứ 235 của Hiệp hội Thiên Văn học Mỹ ở Honolulu tháng 1 vừa qua, Catherine Clark đã trình bày về nhà toán học Elizabeth Williams và vai trò của bà trong hành trình tìm ra sao Diêm Vương.

Clark chia sẻ rằng điều đặc biệt nhất trong câu chuyện về nhà toán học này là “người phụ nữ đầu tiên bước vào lĩnh vực thiên văn học, đã thực hiện những tính toán điên rồ bằng tay”. Bà thể hiện tài năng đặc biệt trong công việc của mình.

“Trên những tính toán đáng kinh ngạc, bà thực hiện phép toán bằng cả hai tay trái và phải cùng lúc”, Clark nói thêm.

Nhiều thập kỷ sau công trình tìm ra sao Diêm Vương, các nhà thiên văn học không còn cần con người tính toán những bí ẩn quỹ đạo nữa vì đã có máy tính hiện đại. Nhưng những đóng góp trong quá khứ của Elizabeth Williams “thực sự đã đi vào lịch sử” và giới thiên văn cần “đặc biệt biết ơn người phụ nữ này”.

“Bà chỉ đóng góp lặng lẽ trong bóng tối, nhưng công lao thì không thể phủ nhận”, Clark nhấn mạnh.

Thiên thạch cổ xưa hơn Trái Đất, chứa bụi sao có niên đại 7 tỷ năm Các nhà khoa học xác định một thiên thạch cổ đại rơi xuống Trái Đất cách đây nửa thế kỷ chứa bụi sao được cho là vật liệu lâu đời nhất, có niên đại khoảng 7 tỷ năm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nha-toan-hoc-giup-nhan-loai-kham-pha-sao-diem-vuong-post1049316.html