Nhà tranh 3,4 tỷ sau 1 năm đã hỏng: Sao thế nhỉ?

Nhà truyền thống bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan được đầu tư 3,4 tỷ đồng, nhưng dùng 1 năm đã xuống cấp, hư hỏng.

Công trình nhà truyền thống dùng mới hơn 1 năm đã hư hỏng. Ảnh: Dân trí

Công trình nhà truyền thống dùng mới hơn 1 năm đã hư hỏng. Ảnh: Dân trí

Tháng 1/2018, bà con dân tộc M'Nông tại bon Đắk R'moan (TX Gia Nghĩa, Đăk Nông) vui mừng biết bao khi công trình nhà truyền thống bon được đưa vào sử dụng.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Trí Nguyên (Gia Nghĩa) thi công, được khởi công xây dựng từ đầu năm 2017, với những hạng mục cơ bản như nhà truyền thống bằng gỗ (rộng 232m2), sân bê tông, nhà vệ sinh, đài nước, khuôn viên cây xanh...

Tuy nhiên, đến nay chỉ có nỗi buồn và nỗi bức xúc xâm lấn tâm trạng của bà con người M’Nông, bởi công trình nhà truyền thống đó đã bị hư hỏng, xuống cấp. Nhà chính bị dột, cột gỗ nứt nẻ, mối một, công trình phụ trợ thì đóng cửa bỏ không vì không có nước, không có điện.

Báo Dân trí cho biết, già làng Điểm Nhan kể lại: “Tận mắt chứng kiến đơn vị thi công, nhiều người dân trong bon đã lên tiếng góp ý nhưng họ không nghe, một mực làm theo ý họ. Họ sử dụng gỗ tươi để làm nhà, thế nhưng gỗ cũng không được chọn lọc kỹ càng, bây giờ có nhiều chỗ nứt nẻ, sâu mọt.

Đối với phần mái, đơn vị thi công dùng cỏ tranh đang còn non phơi khô để lợp, do đó dù thời gian chưa bao lâu, nhưng phần mái đã bị dột nhiều chỗ.

Nếu dùng tranh già như bà con góp ý thì phải 7-8 năm nữa mới hỏng. Vật liệu như thế thì làm sao có chất lượng được”.

Vậy là nguyên nhân đã rõ, công trình được đầu tư 3,4 tỷ, giá như được làm theo góp ý của dân làng thì sẽ bền gấp 7,8 lần, nhưng vì đơn vị thi công cứ làm theo ý mình nên kết quả là giờ đây, ngôi nhà truyền thống hư hỏng, xuống cấp trong nỗi xót xa, tiếc tiền của người dân.

Mà cũng lạ, sao một công trình ý nghĩa như thế lại không được giao cho bà con dân làng cùng chung tay góp sức làm? Họ sẽ lựa chọn những vật liệu tốt nhất, dựng ngôi nhà bằng kinh nghiệm đã được trao truyền từ nhiều đời, chắc chắn sẽ rất bền và rất đẹp.

Thế nhưng, có lẽ một vấn đề mà ai cũng hiểu, để đồng bào cùng tham gia làm, thì mọi thứ sẽ bầy hết cả ra đấy, sẽ “khó” cho nhiều bên chăng?

Kết quả là công trình tiền tỷ này giờ nhìn vào ai cũng thấy “xốn mắt” vì xuống cấp quá nhanh, chắc phải tính bằng tốc độ… tên lửa. Nền nhà bong tróc, bóp nhẹ đã vỡ ra chỉ toàn sỏi đá, rất hiếm xi măng.

Nhà tranh nên có giá của nhà tranh chăng? Nếu như chừng đó tiền được sử dụng để chọn mua những nguyên vật liệu tốt nhất, chắc chắn độ bền của công trình sẽ không xuống cấp nhanh chóng đến ngỡ ngàng như vậy.

Một sản phẩm do một người làm ra, sẽ là tấm gương phản chiếu lương tâm, trách nhiệm và tư cách đạo đức của con người ấy. Tại sao bây giờ đa phần những công trình do người Việt làm ra, từ công trình ngàn tỷ, trăm tỷ đến ngôi nhà tranh 3,4 tỷ đồng này, đều xuống cấp hư hỏng chỉ sau 1 thời gian ngắn sử dụng?

Chẳng lẽ những người Việt đó không có khả năng làm ra những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp, bền mãi với thời gian? Tất cả chỉ là những công trình xiêu vẹo, bong tróc, lở lói nhìn vào mà thấy xấu hổ.

Nhìn những sản phẩm của người Nhật, người Hàn, người Mỹ, người Châu Âu, ta có thể thấy sự tin cậy, thấy chất lượng phản chiếu tâm tính, nhân cách, lương tâm và trách nhiệm của con người họ. Còn sản phẩm của chúng ta, có được điều gì ngoài kỷ lục “nhanh hỏng, nhanh xuống cấp nhất thế giới”.

Một ngôi nhà mái lợp tranh giá 3,4 tỷ đồng dùng 1 năm đã hỏng, lỗi tại ai?

Lỗi tại những người không dám sử dụng ngay cả những sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra. Đó thực sự là một nỗi xấu hổ.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/nha-tranh-34-ty-sau-1-nam-da-hong-sao-the-nhi-3376971/