Nhà 'treo' đầu ngọn sóng

Bên những dãy nhà cao chọc trời ở bờ biển thành phố du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có một xóm nhỏ sinh sống giống như 'treo' trên đầu ngọn sóng dữ. Mỗi năm, họ phải bỏ nhà 'chạy sóng' không biết bao nhiêu lần. Nhưng dự án di dời dân và xây dựng bờ kè chắn sóng vẫn nằm trên giấy.

Dãy nhà chồ ở biển, thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Dãy nhà chồ ở biển, thuộc phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Dù trời yên biển lặng, nhưng những con sóng lớn từ ngoài khơi xa vẫn cứ đập vào bờ ầm ầm. Một số cái trụ chống đỡ phía dưới các ngôi nhà nằm nửa dưới nước, nửa trên bãi cát đung đưa (người dân quen gọi là nhà chồ).

“Anh thấy sóng nó đập vào rồi, phải chạy thật nhanh lên cầu thang, nếu chậm, con sóng phía sau ập đến hất tung nước lên ướt hết. Coi chừng cái máy ảnh, nước mặn “tắm” nó ngay lập tức đó nghe” - Ông Hồ Trọng, tổ 1, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, đang đứng trên nhà hướng dẫn tôi đi từ bờ bê tông qua nhà anh ở dưới bờ nước.

“Chạy” sóng

Tôi vào nhà ông Trọng quan sát xung quanh chừng 20 mét vuông, bất thình lình phía dưới nhà nghe cộp, cộp. Ông Trọng nhìn xuống và la lên: “Mấy cha đi thúng (thúng chai) kiểu gì mà cứ va vô nhà người ta nghe chan chát vậy, chắc mấy cái trụ dưới gãy rồi”.

- Sao khu này không có bến bãi gì vậy anh? - Tôi hỏi.

- Bến là đây rồi, mùa êm sóng, ghe thuyền đậu ở ngoài, họ chở cá bằng thúng chai vào chợ bán. Mùa động phải chạy vào Cửa Bé núp (khoảng 4km).

- Thấy nhà cửa ọp ẹp, mà sóng gió nguy hiểm quá anh?

- Mấy hôm rồi sóng êm lắm, hôm nay có gió mùa Đông Bắc nên sóng có to chút đỉnh. Anh không quen nên thấy sợ, còn dân ở đây thấy bình thường. Mùa Đông mới dữ dằn, sóng nó đánh lên tràn cả mặt đường. Mỗi lần đi qua đây phải canh me đầu sóng để chạy cho lẹ, chỉ sơ sẩy một chút là bị sóng kéo ra ngoài xa liền.

- Hằng năm có nhà ai bị sập không anh?

- Chỉ khi có áp thấp nhiệt đới, bão, sóng biển mới cao làm sập nhà và dỡ ván. Khoảng tháng 5, 6, ai cũng phải bỏ công gia cố thêm cây cột, cây chống, ván thưng xung quanh nhà. Vào mùa mưa bão, đồ đạc lúc nào cũng bỏ vào trong bao, với tư thế “chạy” lên phường hoặc vô trong chợ ngồi.

Đại bộ phận những hộ dân ở đây đều làm nghề biển. Mùa gió to, sóng lớn, người chồng lo “ôm” tài sản là chiếc ghe (thuyền) chạy đi chỗ khác ẩn nấp, còn lại bà vợ và mấy đứa con tự xoay sở với nhau. “Tui thường hay đi biển vắng nhà, dặn vợ con, sách vở của mấy đứa nhỏ phải bỏ sẵn trong cái ba lô để ở chỗ gần cửa. Ban đêm hay ban ngày, thấy sóng to, gió lớn là ôm con và chụp cái ba lô sách vở chạy trước. Chậm một chút, sóng biển nó “khóa” đường vào cũng chết” – Ông Đỗ Đức Hiếu, tổ 2, chia sẻ kinh nghiệm chạy sóng. Nhà chòi nhỏ bé, mỗi khi có người thân chết, họ vẫn tổ chức nghi lễ trên nhà, sau đó bà con chòm xóm đến phụ nhau đưa quan tài lách qua những lối rất nhỏ.

Bờ biển có chiều rộng khoảng mười mấy mét, nhưng có chỗ họ nhét vào 2 – 3 căn nhà sát nhau, phía dưới chằng chịt cột chôn thẳng, chôn chéo, đan xen nhau giống như một ma trận, chỉ hở một cái thang đi lên nhà. 100% số hộ không có nhà vệ sinh, mọi chất thải, rác thải đều xổ trực tiếp xuống biển. Năm 1988, sóng biển đã san phẳng khu nhà chồ này, vì cuộc sống mưu sinh, người dân tiếp tục gượng lại làm nhà và sinh sống ở đây. Cơn bão số 12 năm 2017 cũng làm nhiều căn nhà bị sập và hư hỏng rất nặng.

Dự án vẫn nằm trên giấy

Khu “nhà chồ” ở phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang đã tồn tại từ thời Pháp thuộc. Ông Võ Văn Cẩn, gần 70 tuổi, ở tổ 1, nhẩm tính chi ly: “Tôi sinh ra và lớn lên ở chỗ này, trước đây nó là một cồn cát nhô ra biển. Nhà ba tôi và nhiều nhà khác làm nền đất trên bãi cát. Trước giải phóng có hai chiếc “tàu điện” của Mỹ neo ở phía ngoài, nổ máy cấp điện cho quân cảng suốt ngày đêm. Nha Trang giải phóng thì hai chiếc tàu điện này không còn nữa. Bờ biển từ đó trở đi bị sóng, nước “đào” sâu vào bờ rất nhanh. Biển lấn tới, nhà dân cứ “thụt” vào, “thụt” nhiều lần rồi, bây giờ hết “thụt” được nữa rồi, mới cắm cột dưới biển làm nhà. Ba đời người thay nhau “thụt” nhà mà không có sổ đỏ. Mấy ông nhà nước nói sẽ di dời dân ở đây đi chỗ khác để xây dựng bờ kè, hơn 10 năm nay mà chưa thấy đâu cả. Vùng biển trước nhà tôi đây, nước đào sâu, tàu chở dầu có trọng tải gần 10.000 tấn cập vào đây để bơm dầu vào trong kho”.

Dù biển êm, nhưng sóng vẫn đánh vào bờ biển Vĩnh Nguyên khá mạnh, nhiều ngư dân phải giữ thúng chai, sợ bị sóng kéo ra ngoài xa. Ảnh: Hải Luận

Hiện nay, ở tổ 1 và tổ 2 có hơn 70 hộ nhà chồ, gần 200 nhân khẩu đang sống “treo” trên đầu ngọn sóng. UBND phường không cho người dân ở đây sửa chữa, cải tạo chắc chắn, vì nằm trong diện giải tỏa 100%. Cụ thể, năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt dự án bờ kè chắn sóng ven biển Vĩnh Nguyên với tổng dự toán đầu tư hơn 200 tỉ đồng, quy mô xây lắp kè biển kiên cố mái nghiêng có chiều dài 650m. Mãi đến tháng 8-2016, một đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào kiểm tra thực địa vị trí xây dựng bờ kè chắn sóng Vĩnh Nguyên, lâu quá rồi mà không thấy động tĩnh gì!

Bí quá, đầu năm 2017, UBND thành phố Nha Trang đã đầu tư 2,3 tỉ đồng xây lắp bờ kè chắn sóng tạm có chiều dài 106m ở gần núi Bảo Đại. Với số tiền này thì chẳng ăn nhằm gì so với sức mạnh sóng biển từ ngoài khơi đánh vào. Ông Dương Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND phườngVĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang cho biết: “Tỉnh đã bố trí được vốn xây dựng bờ kè biển, từ cảng Hải quân đến chân núi Bảo Đại trên 200 tỉ đồng. Nhưng không biết lúc nào sẽ triển khai”.

- Khu đất tái định cư cho bà con dự kiến bố trí ở chỗ nào anh?

- Năm 1988, thành phố đã bố trí đất cho bà con làm nhà cách chỗ này mấy cây số. Dân ở đây toàn làm nghề biển mà đưa đi xa biển, họ lại kéo về đây làm nhà ở. Gần chân núi Bảo Đại có một khu đất trống, phường đề nghị UBND tỉnh nên bố trí bà con ở đó, sát với biển, thuận lợi cuộc sống của người dân. Nhưng không biết tỉnh có chịu không?

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nha-treo-dau-ngon-song/