Nhà trường được chọn sách giáo khoa: Dễ rơi vào 'ma trận'?

Việc các trường được chọn sách giáo khoa khiến không ít hiệu trưởng và giáo viên tỏ ra lo lắng. TS Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng không phải trường nào cũng có kỹ năng lựa chọn sách giáo khoa trong thực tế.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông để xin ý kiến dư luận.

Theo dự thảo, Hội đồng lựa chọn sách của cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do người đứng đầu thành lập. Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Hội đồng này sẽ bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Hiệu trưởng, giáo viên cùng lo lắng

Bà Phạm Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Jean Piaget (Cầu Giấy, Hà Nội ) nêu quan điểm, nếu giao cho các nhà trường chọn sách giáo khoa thì người lãnh đạo cần phát huy tối đa quyền lựa chọn của nhà trường đựa trên một hội đồng chuyên môn thật giỏi.

Tuy nhiên, hiện tại nhà trường chưa nhận được dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông cũng như chỉ đạo nào từ Sở GD&ĐT về vấn đề này.

Bà Yến cũng chia sẻ, bà đang rất băn khoăn về việc lựa chọn sách giáo khoa: “Có nhiều bộ sách khác nhau nhưng mỗi bộ sách đều có ưu, nhược điểm chung. Để chọn được bộ sách đúng là quyền quyết định ở mỗi nhà trường thì phải có hội đồng chuyên môn tốt để ngồi lựa chọn, đánh giá các bộ sách này”- bà Yến nêu quan điểm.

Cũng theo bà Yến, việc lựa chọn sách, việc thành lập Hội đồng lựa chọn sách của cơ sở giáo dục phổ thông sẽ nhiều bên tham dự nên sẽ là tổng hợp của nhiều ý kiến. Nếu không cẩn thận sẽ khiến như lạc vào một ma trận, mỗi người một ý và rất khó để thống nhất.

“Vì thế, phải có hội đồng chuyên môn tốt để đánh giá, chứ không thể chạy theo hết ý kiến các bên. Thành thật là tôi đang băn khoăn, suy nghĩ về việc lựa chọn được bộ sách phù hợp cho trường”- bà Yến nêu quan điểm.

Cũng theo bà Yến, việc đưa ý kiến đại diện cha mẹ học sinh vào là đúng nhưng vấn đề khó vì mỗi người một ý, vô hình chung tạo áp lực cho người đứng đầu nhà trường.

“Tôi nghĩ quan trọng nhất là hội đồng gồm các giáo viên chuyên môn thì phải có chính kiến để bảo vệ bộ sách mà mình chọn. Phải đưa ra được lí do xác đáng để mọi người tâm phục khẩu phục, tránh việc đẽo cày giữa đường “- Vị hiệu trưởng này nêu quan điểm.

Việc học sinh có nên tham gia ý kiến để lựa chọn sách giáo khoa mới không?, bà Yến cho rằng, nếu cho học sinh vào càng rối. Nên chăng, ý kiến học sinh mang tính chất tham khảo.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, điều quan trọng là giáo viên và học sinh phải được tiếp cận, dạy và học thử từng sách giáo khoa.

Cô Nguyễn Hải Yến, giáo viên dạy lớp 1 của một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, để có cơ sở cho việc lựa chọn này thì quan trọng là giáo viên bộ môn và học sinh phải được tiếp cận, dạy thử nghiệm từng sách giáo khoa, xem học sinh thích bộ sách nào, phản ứng với từng bộ sách ra sao.

Cô Yến cũng cho biết, cô sẽ nghiên cứu 5 bộ sách và đưa ra nhận xét từng bộ để nếu được đưa ra ý kiến, cô sẽ cùng với ban giám hiệu lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh của mình.

Cha mẹ học sinh, học sinh tham gia chọn sách: Khó khả thi?

TS Hoàng Ngọc Vinh, (Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD&ĐT) cho rằng, các trường là nơi dạy học cho trẻ việc tham gia chọn sách là hợp lý. Tuy nhiên, việc lựa chọn sách nào rất cần hướng dẫn từ cơ quan quản lý thế nào là những tiêu chí cơ bản để chọn mua sách giáo khoa.

Cũng theo TS Vinh, tốt nhất nên để cho nhà trường chọn, Sở đừng làm thay viêc của trường. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên soạn thảo hướng dẫn những tiêu chí căn bản để chọn bộ sách giáo khoa giúp cho các trường ở các vùng miền khác nhau làm cơ sở để chọn lựa.

TS Vinh cho rằng, không phải trường nào cũng có kỹ năng lựa chọn SGK trong thực tế. Khi có nguyên tắc và tiêu chí thì nhà trường dễ thực hiện hơn. Bên cạnh đó phải cấm chuyện móc nối đi đêm để chọn mua sách và hưởng hoa hồng thì chi phí vẫn đổ lên đầu phụ huynh.

“Chúng ta ng bên ngoài việc phán ai chọn sách tốt hơn ai thì cũng giống như " thày bói xem voi" sẽ có trường dễ dàng chọn lựa, nhưng nhiều trường gặp khó khăn vì thế cần hỏi chính các trường tiểu học ở các vùng khác nhau xem họ thấy thế nào? Chất lượng giáo dục tiểu học do trường quyết định, Sở làm thay trường đổ lỗi cho Sở thì sao?”- TS Vinh nói

Cũng theo TS Vinh, việc cha mẹ tham gia cũng được nhưng phải có hiểu biết và kinh nghiệm dạy học. Vấn đề này không khả thi với đa số các vị phụ huynh. Học sinh thì càng khó có khả năng chọn sách giáo khoa vì chưa đủ tri thức và kinh nghiệm sư phạm để đưa ra nhận định mà dựa vào cảm tính nhiều hơn.

“Anh có quyền chọn sách thì anh phải gánh trách nhiệm chứ không thể có quyền mà từ chối trách nhiệm để đổ lỗi là không nên"- TS Vinh nhấn mạnh

Băn khoăn về việc nhà trường "bắt tay" với đơn vị cung cấp sách giáo khoa hay không? TS Vinh cho rằng, việc đi đêm là không loại trừ như nhiều trường hợp mua sắm thiết bị trường học...để nhận %. Việc này cần công khai và có qui định nghiêm cấm, cần thiết với giá trị nào đó thì đấu thầu công khai”.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nha-truong-duoc-chon-sach-giao-khoa-de-roi-vao-ma-tran-1493326.tpo