'Nhà trường phải đi đầu trong loại bỏ bạo lực', bằng cách nào?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã khẳng định: 'Nhà trường phải đi đầu trong loại bỏ bạo lực'. Đây cũng là mong muốn của nhân dân, cử tri cả nước, khi vẫn còn những vụ việc tuy đơn lẻ, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành giáo dục, đó là những phát sinh hành vi bạo lực từ quan hệ thiếu kiềm chế trong các mối quan hệ, ở chính môi trường giáo dục.

Những ngày vừa qua, vụ việc cô giáo cấp 2 tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình xử phạt học trò nói tục bằng 231 cái tát nhận được rất nhiều sự quan tâm. Bởi ứng xử của cô với trò ở trường hợp này được cho là không giáo dục. Nhất là khi cô yêu cầu chính các bạn khác trong lớp tát học trò phạm lỗi.

Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây tại Bình Định, bày tỏ ý kiến về vụ việc này, Bộ trưởng BỘ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ sự việc một cô giáo chỉ đạo cho học sinh tát bạn hơn 200 cái là một hành vi phản giáo dục, vi phạm pháp luật, Bộ đã chỉ đạo xử lý nghiêm, phải đấu tranh chống tiêu cực, đưa ra khỏi ngành đối với những giáo viên thoái hóa đạo đức: “Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, để xảy ra điều đó là một điều đáng buồn. Vì một trường hợp mà ảnh hưởng đến những giáo viên tâm huyết, ảnh hưởng đến niềm tin về giáo dục”.

Nhà trường phải đi đầu trong loại bỏ bạo lực, chính các thầy cô, chính các nhà trường, tổ chuyên môn phải quan tâm đến đồng nghiệp và học sinh của mình. Ảnh: P.T

Trước đó, cô giáo ở Hải Phòng cũng gây phẫn nộ khi xử phạt học sinh bằng hình thức uống nước giẻ lau bảng. Thực tế là những sự việc này rất cá biệt, không đại diện cho ứng xử của các thầy cô giáo. Trong hơn hai triệu thầy cô giáo cả nước, phần lớn đều yêu nghề yêu trẻ, nhiều thầy cô còn gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình, ở những vùng vất vả, bằng tình thương yêu, sự tận tâm giáo dục và dạy dỗ các em.

Mới đây, lại có thông tin cháu bé bị buộc dây vào người ở trường mẫu giáo B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), Sở GD&ĐT Nam Định, Phòng GD&ĐT Trực Ninh và đích thân Chủ tịch huyện Trực Ninh đã xuống trường làm rõ. Ông Cao Xuân Hùng – GĐ Sở GD&ĐT Nam Định – cho biết: Sự việc cô giáo buộc dây vào áo cháu bé và cột vào cửa sổ là có thật. Đây là sự việc rất đáng buồn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, niềm tin của nhân dân. Tuy vậy, xét trong hoàn cảnh cụ thể để đánh giá bản chất sự việc, hành vi của cô giáo là sai nhưng cô giáo không có ác ý với trẻ mà là hành vi thiếu kinh nghiệm trong việc ứng xử. Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT Trực Ninh, cháu nhỏ bị câm, điếc, tăng động – có chứng nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương về bệnh này – nên thường xuyên chạy nhảy lung tung, đánh bạn. Lúc cháu tăng động quá, cô buộc vào như vậy, vừa để an toàn cho cháu, vừa để an toàn cho các bạn.

Câu chuyện này đặt ra một câu hỏi, có phải để loại bỏ bạo lực trong môi trường giáo dục, các thầy cô là yếu tố đầu tiên? Chính các thầy cô phải là người có đào tạo chuẩn về phương pháp sư phạm, tâm lý sư phạm và cả cách giáo dục đối với các trẻ đặc biệt, cá biệt, trẻ chưa ngoan. Thay vì chỉ bồi dưỡng thường xuyên kiến thức, chương trình cho giáo viên hàng năm, đào tạo lại về phương pháp giáo dục trong bối cảnh môi trường nhà trường nhiều thay đổi hiện nay là rất cần thiết.

Các thầy cô, các học sinh cũng cần những sự tham vấn tâm lý trường học, để giải tỏa áp lực, để gắn kết tiếng nói giữa cô và trò, tránh xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc, dẫn đến ứng xử chưa phù hợp. Nhưng thực tế là hiện nay, tổ tham vấn trường học chưa thực sự hiệu quả.

Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường cũng cần quan tâm sát sao hơn đến các thầy cô và học sinh của mình. Đặt câu hỏi: Tại sao khi cô giáo Thủy tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đưa ra nội quy lớp học rằng bạn nào nói tục sẽ bị bạn cùng lớp tát, không tát sẽ bị tát lại sao không một thầy cô nào góp ý cho cô Thủy rằng phương pháp xử phạt ấy chưa phù hợp với môi trường giáo dục. Trước đây, còn có cô giáo ở TP HCM, vì giận học sinh mà mấy tháng không nói gì trên lớp, nếu em học sinh không dũng cảm nói ra, liệu ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn có biết?

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý-giáo dục Việt Nam cho rằng, hành vi ứng xử bạo lực, chệch chuẩn mực trong nhà trường từ các mối quan hệ có một phân nguyên nhân là do tập thể lớp học, nhà trường đã chưa đủ sức trở thành tấm gương, nguồn sức mạnh giáo dục răn đe con trẻ. Tập thể lớp học không mạnh, chưa đủ sức định hướng các giá trị đạo đức tốt đẹp cho các em. Bầu không khí tâm lý lớp học thiếu lành mạnh. Cái sai không được phân tích phê phán. Những điều tốt đẹp không được biểu dương.

Vì thế, để nhà trường phải đi đầu trong loại bỏ bạo lực chính các thầy cô, chính các nhà trường, tổ chuyên môn phải quan tâm đến đồng nghiệp và học sinh của mình, phải xây dựng môi trường nêu gương và giáo dục thực sự. Bởi chỉ đôi lúc lơ là, hậu quả của những ứng xử chưa phù hợp giữa thầy và trò, thầy và thầy, trò và trò sẽ vượt quá tầm kiểm soát trong phạm vi nhà trường, hậu quả tâm lý, pháp lý của các bên liên quan khó đo đếm được.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-truong-phai-di-dau-trong-loai-bo-bao-luc-bang-cach-nao-128970.html