Nhà trường tăng cường 'dạy người', dạy kỹ năng sống

Ngày 17-4, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD & ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến 'Đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ)' với các điểm cầu đặt tại 63 tỉnh, thành phố và 603 huyện. Gần 20 ngàn người đã tham gia hội nghị ở các điểm cầu.

Văn bản chỉ đạo rất nhiều, nhưng bạo lực học đường vẫn xảy ra

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, hệ thống văn bản pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn trường học được ban hành rất đầy đủ, kịp thời, đảm bảo hành lang pháp lí. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, có một số hiện tượng cá biệt BLHĐ xảy ra ở trong và ngoài trường học, tạo bức xúc, lo lắng cho xã hội.

Ông Linh lí giải, tình trạng đó do một số nguyên nhân như: Tác động của mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng của ngoại lai, sự bùng nổ internet, thông tin xấu độc tràn lan. Các vấn đề giáo dục nhân cách trong gia đình cũng còn nhiều hạn chế; học sinh trong các lứa tuổi có sự thay đổi tâm sinh lí, hành vi nhanh chóng. Mặt khác, công tác chỉ đạo của địa phương chưa thường xuyên, việc triển khai các văn bản của cấp trên tại địa phương chưa hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị.

Cũng theo ông Bùi Văn Linh, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nội khóa, ngoại khóa trong nhà trường còn hạn chế. Các hoạt động trải nghiệm của Đoàn, Đội chưa thu hút đông đội viên, đoàn viên tham gia. Một số nơi chưa thực hiện dân chủ trong trường học; còn xảy ra vi phạm đạo đức nhà giáo.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa tốt, nhiều nơi, mối quan hệ này bị đứt gãy. Để phòng, chống, ngăn chặn nạn BLHĐ, ngay trong ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Chỉ thị phòng chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, Bộ triển khai quyết liệt Kế hoạch phòng chống bạo lực học đường 2019, với 6 giải pháp căn bản, đó là:Truyền thông;xây dựng môi trường giáo dục thân thiện tích cực; tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống BLHĐ vào chương trình và các hoạt động giáo dục; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáovà tăng cường kiểm tra, giám sát...

Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đề xuất đưa giáo dục giá trị sống vào chương trình.

*Đưa giá trị sống vào bài giảng...

Tại hội nghị, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã nêu một số mô hình phòng, chống BLHD trên thế giới.

Theo số liệu của UNESCO (năm 2017), tỉ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của BLHD hằng năm lên đến 246 triệu người trên thế giới. Số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy, cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm BLHD.

Quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất là Indonesia và thấp nhất là Pakistan. Việt Nam đứng thứ 2 với tỉ lệ tỉ lệ học sinh bị bạo lực là 71% (số liệu 6 tháng, từ tháng 10-2013 đến tháng 3-2014)…

Trước thực trạng BLHD diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới đã triển khai các giải pháp chương trình chiến lược quốc gia về vấn đề này. Đơn cử như Hàn Quốc đã ban hành Luật chống bạo lực và bắt nạt học đường vào năm 2004. Philippine cũng ban hành đạo luật chống bắt nạt (2016) đề cập đến cả bắt nạt truyền thống và bắt nạt trực tuyến. Australia có Khung chuẩn quốc gia về trường học an toàn (2004). Thụy Điển có Luật chống phân biệt (2009) và Luật giáo dục sửa đổi (2010) cấm tất cả các hình thức phân biệt và bắt nạt ở trường học...

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) nêu quan điểm: “Tôi cho đây là vấn đề tâm lý học, cần có giải pháp dưới góc độ tâm lý giáo dục. Trường chúng tôi đã đưa “giá trị sống” để giáo dục trong nhà trường, 1 tiết giá trị sống/ngày, học sinh phải thân thiện, yêu thương, có văn hóa – thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Từ đó, trường học của chúng tôi thân thiện hơn, hạnh phúc hơn, chúng tôi giữ được niềm tin và xây dựng được thương hiệu”.

Thầy Nguyễn Văn Hòa đề xuất, Bộ GD&ĐT phải sớm đưa chương trình giáo dục giá trị sống vào nhà trường. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ, học sinh đến trường không chỉ học kiến thức, các em cần được tôn trọng, như thế mới đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị các trường sư phạm phải dự báo được tình huống, đề xuất Bộ GD&ĐT điều chỉnh về giáo dục tâm lý, kỹ năng sư phạm….

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, tính chủ động của hiệu trưởng là vô cùng quan trọng. Chương trình tâm lý giáo dục phải đặt lên hàng đầu, các tình huống sư phạm phải thường xuyên cập nhật, coi là nội hàm quan trọng trong đảm bảo an toàn trường học, trong đó các trường sư phạm phải dự báo được các tình huống, để báo cáo Bộ GD&ĐT.

*Tăng cường truyền thông về cái tốt để dẹp cái xấu

Nhiều đại biểu đã kiến nghị, phải chú trọng các hoạt động tâm lý, giúp phòng ngừa và can thiệp sớm. Các cơ sở giáo dục phải thành lập tổ tư vấn tâm lý, và tạo điều kiện để có giáo viên làm chuyên trách, có chế độ chính sách hợp lí đối với cán bộ làm công tác tư vấn. Đẩy mạnh tích hợp giáo dục đạo đức vào bài học.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội, cha mẹ phải làm gương sáng cho con, là bức tường chắc chắn hình thành nhân cách đạo đức cho con em bước vào đời. Gia đình phải là nơi an toàn, hạnh phúc nhất cho trẻ, đồng hành cùng nhà trường trong giáo dục con em mình.

Tại các điểm cầu, các Sở GD&ĐT đều đồng quan điểm khi cho rằng, trong câu chuyện phòng, chống BLHĐ thì giải pháp truyền thông, tuyên truyền rất quan trọng. Do đó, cần thiết phải nêu nhiều gương tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để lan tỏa những cái tốt đẹp.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất phải tăng cường hoạt động quản lí truyền thông, để hạn chế sự ảnh hưởng mặt xấu của mạng xã hội vào giới trẻ.

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho rằng, chúng ta cần một môi trường an toàn, kiểm soát được thông tin xấu độc, tăng cường các hoạt động xã hội, và đặc biệt cũng phải nêu nhiều gương tốt.

Bà Nguyễn Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhất trí với quan điểm trên và cho rằng, “phải tích cực tăng cường tuyên truyền về gương sáng học đường. TP Hồ Chí Minh có 8 vạn giáo viên, gần 2 triệu học sinh, sinh viên, nên một tấm gương sáng sẽ có tác dụng rất lớn”.

Đại tá Phạm Mạnh Thường đề nghị cần phải xây dựng nhiều mô hình phòng chống bạo lực học đường, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, từng nhà trường.

Không chạy theo phong trào

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, phòng, chống BLHĐ là trách nhiệm chung của toàn xã hội và là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Không thể để phòng, chống BLHĐ chỉ theo phong trào, do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các bên liên quan trong ngành giáo dục, phải tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các quy định của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT.

Giáo dục để phòng chống, chứ không phải để xử lý. Tới đây, các kỹ năng ứng xử sư phạm, các mô hình phòng chống BLHĐ tới đây sẽ làm mạnh hơn. Bộ trưởng yêu cầu, các cơ sở giáo dục phải cụ thể hóa kế hoạch, trong đó phân công rõ trách nhiệm của bí thư, hiệu trưởng, các giáo viên chủ nhiệm, đoàn, đội, hội, các giáo viên, người lao động, phụ huynh, để gắn kết giữa nhà trường và gia đình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, các cơ sở giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với công an, để phòng ngừa, nắm bắt chính xác vấn đề. Bộ trưởng còn đề nghị lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc, nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết không cho đứng lớp, để răn đe, làm gương. “Tôi thấy vai trò của truyền thông rất quan trọng, vì vậy, rất mong các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành. Nhiều vụ việc về BLHĐ, nếu không có truyền thông phát hiện, tạo sức ép thì xử lý cũng không đến nơi đến chốn được”, Bộ trưởng bày tỏ.

Tại hội nghị, Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, gần đây đang nóng lên bạo lực trẻ em, BLHĐ. Chính phủ chỉ đạo rất sát sao và các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề này. Từ năm 2010 đến nay, khoảng 25% vụ phạm pháp hình sự có đối tượng liên quan đến học sinh, sinh viên, trong đó, riêng quý I/2019, vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường học đường, môi trường sư phạm diễn biến phức tạp.

Đại tá Phạm Mạnh Thường đề xuất, nên nghiên cứu mô hình phòng chống BLHĐ cho phù hợp, từng trường phải có một mô hình riêng, không thể áp dụng chung cho toàn quốc. Ngành Công an có rất nhiều giải pháp ngăn chặn, phòng, chống BLHĐ và đồng thuận trong phối hợp.

“Chúng tôi chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu Công an các cấp cùng vào cuộc để làm trong sạch địa bàn từng trường học. Cùng với nhà trường, lực lượng Công an cơ sở sẽ nắm bắt đối tượng nào lôi kéo học sinh tham gia tệ nạn, nắm bắt học sinh nào có mang dao, gậy đến trường, đều được đưa vào kế hoạch chỉ đạo của Công an các cấp nhằm đảm bảo an toàn trường học”.

Ông Nguyễn Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ rằng, những vụ việc báo chí đưa tin mang tính đỉnh điểm, còn hiện tượng “bắt nạt” trong nhà trường thì khá phổ biến, nhưng sẽ là mầm mống nếu chúng ta không ngăn chặn.

Theo ông Hoa Nam, hai Bộ LĐ, TB &XH và Bộ GD & ĐT cần phối hợp tăng cường giáo dục pháp luật, nhận thức về quyền và bổn phận của trẻ em trong nhà trường. Phải kết hợp giữa truyền thông và giáo dục hành vi, mới đạt chiều sâu. “Làm sao giữa ngành giáo dục và các ngành liên quan sử dụng tích cực hơn tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), tất cả học sinh, giáo viên, phụ huynh biết tổng đài này.”.

Thu Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/nha-truong-tang-cuong-day-nguoi-day-ky-nang-song-541428/