Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa

Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) được xây dựng ở vị trí trung tâm của đảo, nằm gần đường băng, không gian thoáng đãng, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và các đoàn khách đến thăm đảo.

Mới đây, chúng tôi có dịp theo đoàn công tác số 8 của Quân chủng Hải quân và các địa phương dâng hương và tham quan Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa. Hòa vào dòng người về tưởng nhớ Bác, chị Phạm Thị Thúy Phương đến từ Hà Nội tâm sự: “Tôi thực sự rất may mắn khi được theo đoàn ra thăm đảo. Vượt hải trình hàng trăm hải lý, được đến dâng hương tưởng nhớ Bác ngay trên đảo Trường Sa xa xôi, ai cũng cảm thấy rất xúc động. Hình ảnh Bác Hồ thật gần gũi và ấm áp trong tim, nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng như những lời Người căn dặn”.

Công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ do tỉnh Nghệ An đầu tư, xây dựng ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa, thuộc thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa). Công trình có diện tích khoảng 800m2, được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh nhật Bác.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa.

Nhìn từ trên cao, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như một đóa sen nở giữa biển trời bao la, đầy nắng gió. Công trình gồm 5 hạng mục chính: Khu tưởng niệm, nhà bia, tháp chuông, gian trưng bày và khuôn viên ngập tràn cây xanh. Trong nhà tưởng niệm đặt bức tượng đồng nặng gần 1 tấn, tạo hình Bác ngồi trên ghế; phía trên là cờ Đảng, cờ Tổ quốc và dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”.

Khu tưởng niệm còn có các linh vật bằng đồng, như: Hạc, rùa… Phía trước, hai bên gian thờ bố trí các tủ trưng bày hình ảnh về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác qua các thời kỳ cách mạng; hình ảnh Bác với quê hương Nghệ An, với bộ đội Hải quân và các đồng chí lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân…

Đặc biệt, hai bên gian thờ trưng bày đối xứng câu nói bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), tại Đền Giếng (thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ): “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; nổi bật tại tủ trưng bày hình ảnh Bác Hồ với bộ đội Hải quân là lời Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó” - như lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay phải ra sức xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tham quan gian trưng bày tại Nhà tưởng niệm.

Đã nhiều lần cùng đồng đội đến dâng hương Nhà tưởng niệm, Trung sĩ Tô Thái Dương, Khẩu đội trưởng (đảo Trường Sa), quê ở thành phố Vinh, Nghệ An bộc bạch: “Mỗi dịp lễ, Tết, đơn vị đều tổ chức đến dâng hương Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, chúng em cảm thấy rất gần gũi và ấm cúng. Được xem những tư liệu hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, chúng em hiểu thêm về Người, về sự quan tâm đặc biệt và tình cảm bao la của Bác dành cho nhân dân và bộ đội Hải quân. Thêm tự hào về Bác, về quê hương xứ Nghệ, từ đó quyết tâm học tập và làm theo Bác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

Theo Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa: Hằng năm, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đón khoảng gần 4.000 lượt khách đến tham quan. Công trình có ý nghĩa đặc biệt, là nơi tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đây cũng là nơi sinh hoạt chính trị tư tưởng, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên đảo. Từ đó giúp mọi người nhận thức sâu sắc thêm trách nhiệm của mình, tự giác học tập, rèn luyện, theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm trước Nhà tưởng niệm.

Được biết, hằng năm, ngoài quân, dân trên đảo đến thắp hương tưởng nhớ Bác, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa còn đón hàng chục đoàn khách Trung ương, địa phương, quân đội, các doanh nghiệp, đoàn khách trong nước và kiều bào nước ngoài ghé thăm. Đây cũng là điểm đến thân thuộc của ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực quần đảo Trường Sa mỗi lần đưa tàu vào tránh trú bão hay sử dụng dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo. Quân và dân mỗi lần đến đây đều khắc sâu lời Bác dạy, thêm vững niềm tin, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: HOÀNG THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nha-tuong-niem-bac-ho-o-truong-sa-728805