Nhà và đất có chủ ở 40 năm 'bỗng' bị tòa tuyên thuộc sở hữu người khác!

Phần nhà đất của gia đình ông Phạm Văn Trí đã ở ổn định từ năm 1979 đến nay 'bỗng nhiên' bị TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) tuyên thuộc sở hữu của một người khác. Sự việc tưởng như đùa này đã làm đảo lộn cuộc sống vốn bình lặng và kéo theo hàng loạt khó khăn, lo toan cho gia đình ông Trí.

Trung tuần tháng 10/2018, Báo Người Tiêu Dùng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Phạm Văn Trí (64 tuổi, ngụ 189/4 Đặng Văn Bi, P. Trường Thọ, Q. Thủ Đức) về việc TAND quận Thủ Đức tuyên xử phiến diện, thiếu công tâm trong vụ tranh chấp quyền sử dụng nhà, đất (địa chỉ đất) giữa gia đình ông Trí (bị đơn) và Trần Văn Nhạc, Trần Văn Khải (nguyên đơn).

“Chuyện thật như đùa”!

Theo đơn kêu cứu gửi đến Báo Người Tiêu Dùng, ông Trí cho biết năm 1979 vợ chồng ông đã mua lại phần đất diện tích 47m2 của bà Đỗ Thị Quí (được UBND thị trấn Thủ Đức xác nhận và cấp số nhà 64/1A). Tiếp đến, năm 1981, ông Trí tiếp tục mua thêm phần đất bên cạnh và hợp thức hóa thành một để sử dụng. Việc này cũng được địa phương xác nhận và cho đóng phí trước bạ.

Đang yên đang lành thì năm 2016 “bỗng nhiên” xuất hiện 2 ông Trần Văn Nhạc (địa chỉ 24A/33 Nguyễn Cảnh Chân, P. Cầu Kho, Q.1) và Trần Văn Khải (ngụ tại số nhà 33 đường 20, P. An Bình, Q.2) khởi kiện. Nguyên đơn nói rằng phần đất mà gia đình ông Trí đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của cha mình là ông Trần Văn Luân (đã mất), yêu cầu ông Trí đền bù giá trị phần nhà đất, đồng thời buộc bàn giao lại phần đất trống chưa xây dựng.

Theo ông Trí, yêu cầu khởi kiện này là hết sức vô lý bởi có thể phía nguyên đơn đã không nắm rõ nguồn gốc và lịch sử sang nhượng phần đất đang thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình mình.

“Đúng là phần đất này trước kia thuộc sở hữu ông Luân (cha của bên nguyên đơn). Tuy nhiên, năm 1976, ông Luân đã bán cho nhiều người và qua nhiều đời chuyển nhượng khác nhau. Các giao dịch chuyển nhượng đều có chứng nhận của cơ quan chức năng và không nảy sinh tranh chấp. Tôi mua nhà lần 1 năm 1979, mua đất lần 2 năm 1981, được địa phương xác nhận đồng ý cho phép giao dịch mua bán và cho đóng trước bạ, có sự chứng kiến và xác nhận chữ ký của bà con láng giềng. Năm 2005, UBND quận Thủ Đức cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi. Như vậy thì rõ ràng về căn cứ pháp lý gia đình tôi đã đáp ứng đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà đất hiện tại nên tự nhiên có người nhảy vào đòi đất là hết sức vô lý” - ông Trí bức xúc.

Văn bản, quyết định hành chính bị tòa “vô hiệu”?

Trở lại với nội dung khởi kiện đòi đất đã sử dụng của bên nguyên đơn là ông Trần Văn Nhạc và Trần Văn Khải. Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 16/7/2018, TAND quận Thủ Đức đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” với ông Trí. Tòa tuyên diện tích 307,6m2 (189/4 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, Thủ Đức) thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn. Phía bị đơn là gia đình ông Trí có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn quyền sử dụng đất, tương đương số tiền gần 8 tỷ đồng.

Ông Trí đã phản bác hoàn toàn bản án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức và cho biết sẽ yêu cầu mở phiên phúc thẩm, xem xét lại các phán quyết của tòa cấp sơ thẩm. Ông Trí cho rằng bản án sơ thẩm trên hết sức vô lý, thiếu công tâm và chưa nhìn nhận đúng bản chất sự việc. Tòa án chưa xem xét tường tận chứng cứ có trong vụ án mà lại xét xử “lờ mờ”, nghiêng lợi ích về phía nguyên đơn, cố tình phớt lờ các công văn, quyết định hành chính liên quan đến vụ việc.

Cụ thể, Công văn số 4071/UBND-TNMT của UBND quận Thủ Đức gửi TAND quận Thủ Đức xác nhận: Theo tài liệu 299/TTg thì vị trí nhà đất thuộc thửa 380, do bà Trần Thị Ánh đứng tên đăng ký với diện tích 570m2, loại đất thổ cư; thuộc 1 phần thửa 378. Còn tài liệu 02/CT-UB thì khu vực này không ai đăng ký.

Hồ sơ kê khai 3376 năm 1999 thì nhà đất là do bà Trần Thị Ánh (vợ ông Trí) đứng tên đăng ký với diện tích toàn bộ khuôn viên là 320m2. Theo tài liệu bản đồ năm 2004 thì nhà đất thuộc thửa số 44, tờ 24 do ông bà Phạm Văn Trí và Trần Thị Ánh sử dụng.

“Công văn của các cơ quan chức năng, tài liệu từ những năm về trước cho thấy gia đình tôi đủ điều kiện để sinh sống mảnh đất này. Sau khi hòa bình lập lại ông Luân cũng không hề có nguyện vọng đòi lại đất vì thế vào năm 1977, ông Luân đã bán đứt và thu tiền huê lợi đối với các hộ xâm canh. Vậy chẳng có lý gì để tòa án tiến hành thụ lý, xét xử” - ông Trí nói thêm.

Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc ông Trần Văn Khải, Trần Văn Nhạc kiện ông Phạm Văn Trí ra tòa tranh chấp quyền sử dụng đất như trên là sai quy định của pháp luật vì “chưa tiến hành hòa giải tại UBND phường, xã, thị trấn nơi có tranh chấp”, cụ thể ở đây là UBND phường Trường Thọ, quận Thủ Đức.

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP TAND Tối cao quy định về việc chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau: “Đối với tranh chấp đất đai”, ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn (nơi có tranh chấp) theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Sông Trường - Võ Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nha-va-dat-co-chu-o-40-nam-bong-bi-toa-tuyen-thuoc-so-huu-nguoi-khac-d71094.html