Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: Tôi thấy mình như bác sĩ khi cứu được nhân vật

Hơn 10 năm trước, nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài - giáo viên cấp ba ở một vùng quê xứ Nghệ - gây bất ngờ cho giới cầm bút khi giành giải nhất truyện ngắn báo Văn nghệ. 'Thung Lam' khiến Hoài ngay lập tức định hình phong cách, ấn tượng, kỹ lưỡng với từng câu chữ, chi tiết. Cô giáo viết văn khi xưa giờ là người viết văn chuyên nghiệp dù chị chỉ nhận 'tôi thích viết văn'.

Lận đận với nghề

Tuổi trẻ của Hồ Thị Ngọc Hoài khá lận đận trên con đường đến với văn chương. Học xong cấp 3, chị thi khoa Văn, đại học Tổng hợp nhưng trượt. Mẹ khuyên học Thương nghiệp cho hợp thời. Văn chương không phải là lựa chọn hợp lí trong cách nhìn của đa số người dân quê Tân Kì, vào những năm 89, 90.

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài khiến nhiều người khâm phục khi tạo lập được phong cách của mình - Ảnh: NVCC

Năm sau, Hoài chuyển qua thi Thương nghiệp, nghĩ ít nhất kiến thức mình học cũng giúp mẹ phát triển cửa hàng buôn bán nhỏ ở quê, dù chưa bao giờ Hoài thích những con số, tính toán. Kết quả chỉ cố theo được 2 năm thì bỏ học về quê lấy chồng.

Trải qua những nghề thợ may, buôn bán cùng mẹ, Hoài vẫn không nguôi nhớ những cuốn sách nơi giảng đường. “Thèm đọc sách kinh khủng, nhất là sách văn”. Vùng quê nhỏ không thể đáp ứng được điều ấy, Hoài lại thuyết phục chồng cho... đi thi.

Chồng và hầu hết các thành viên trong gia đình phản đối. Quyết tâm đến mức “dám” dọa chồng: “Anh không cho Hoài đi thi, đi học thì có lẽ vợ chồng mình chia tay nhau!”. May có vợ chồng chị gái chồng ủng hộ. Hoài có thêm động lực để quyết tâm theo “con đường cô đơn” của mình. Cuối cùng chồng cũng đành phải chịu để Hoài đi thi vào trường sư phạm.

Khăn gói trở lại trường năm 24 tuổi, học xong về làm cô giáo ở tuổi 30, Hoài trở lại với việc viết lách vào những kì nghỉ hè. Hoài viết rất chậm, tỉ mẩn, kĩ lưỡng với từng câu chữ. Có khi trở đi trở lại nhiều lần trong vài năm mới viết xong truyện ngắn. “Thung Lam” (truyện ngắn ngay lập tức định danh Hồ Thị Ngọc Hoài) được viết trong khoảng thời gian ấy.

Ở tuổi xấp xỉ 40, đột ngột chuyển vào TP.HCM cùng chồng, con. Bản thân chị cũng không ngờ tới quyết định đó lại đến với mình nhanh thế. Chị là người sống nặng tình quê, gắn bó lâu với quê mình đến mức không hề nghĩ rằng mình sẽ đi xa. Quyết định vào Nam lập nghiệp khá nhanh, như một cái duyên, dù sau đó là những tháng năm khá chật vật của cả hai vợ chồng khi tuổi đời không còn trẻ.

Nhẹ bẫng người khi hồi sinh một nhân vật

Về truyện ngắn được nhiều độc giả yêu thích của mình, Hoài tâm sự: “Thung Lam” mang lại hạnh phúc cho tôi không chỉ trong khi viết, mà nó mang lại hạnh phúc nhiều hơn đó là khi nó được nhiều người chia sẻ... Có người nói với tôi đã khóc khi đọc “Thung Lam” (không phải là người sống xa quê), có người nói đọc đến lần thứ ba mới phát hiện ra nhân vật mỗi lần về mất một thứ, và dần mất hết…

Có những người nói tôi viết cho họ (chủ yếu là đàn ông), có người nói “Thung Lam” có tính toàn cầu, cũng có người nói với tôi đọc mà không hiểu, và tôi còn nghe đâu đó có người đọc rồi nói, cha mẹ nó (cha mẹ của tôi) còn sống chứ đã chết đâu...

Hoài dùng vốn sống ngoài ba mươi, “chưa nhiều nhặn chi” của mình khi ấy, cùng với việc thủ thỉ nghe các chú, các bạn - những người có cơ hội đi xa, trở về nhiều hơn mình kể chuyện của họ để viết “Thung Lam”. Ít ai biết, Hoài viết truyện ngắn này khi nơi đi từ nhà xa nhất là qua cầu Bến Thủy, tới Hà Tĩnh. Vậy mà “Thung Lam” của Hoài đầy ám ảnh về hành trình ra đi để hiểu về nguồn cội.

Dù viết chậm, không viết nhiều (hơn 10 năm theo nghiệp viết chỉ ra hai tác phẩm - một thơ, một văn) thì Hoài vẫn khiến nhiều người khâm phục khi tạo lập được phong cách của mình.

Viết một truyện ngắn, có khi chị mất hàng năm trời, và có khi để “hồi sức” nhân vật của mình, chị vui với niềm vui “tưởng như mình là bác sĩ”. Chị hào hứng nói về những “ca” cứu nhân vật của mình: “Không phải truyện ngắn nào, nhân vật nào viết ra cũng có thể thành công. Nhân vật chưa đủ sức sống thì hẵng cứ để đó, sẽ có lúc mình có hứng bồi đắp, phát triển thêm cho đủ. Cảm giác hồi sinh một nhân vật có khi nhẹ bẫng cả người”.

Những đóa hoa mang lại sự yêu đời

Hồ Thị Ngọc Hoài của ngày viết “Thung Lam”, bạn bè văn nghệ chỉ biết là một giáo viên trường huyện ít xuất hiện, nhưng khi xuất hiện lại rất sắc. Bây giờ chị cởi mở hơn, chọn cho mình lối sống khá đơn giản. Việc chính của chị là chăm nom gia đình, thích viết văn, thích trồng hoa. Ở ngôi nhà nào dù không gian rộng hay hẹp, Hoài cũng đều trồng hoa, trồng cây và xem chúng như những người bạn có sinh lực, tâm hồn bên mình. Những bông hoa mang lại niềm vui bé nhỏ nhưng đầy ý nghĩa không thể thiếu trong cuộc sống của chị.

Hoài có thể nói đầy hào hứng những chuyện về cây, hoa chị trồng. Là chuyện cây nguyệt quế mỗi lần rộ bông lại mang về niềm vui bé nhỏ; chuyện những gốc đào phai trên vùng đất Tân Kỳ nơi chị gắn bó hàng chục năm...

Qua những gập gềnh, những đổi thay, điều tôi cảm nhận được ở Hồ Thị Ngọc Hoài là sự chín chắn, chậm và chắc trong dáng vẻ, phong thái cũng như cách chị sáng tạo, cách chị ứng xử với mọi điều trong cuộc sống. Chị nói: “Tôi biết ơn những gì mình đã trải qua. Cả những đau khổ! Thật sợ khi những đau khổ đến với mình, nhưng khi đã vượt qua nó rồi thì quả như một nhà văn đã nói: “Đau khổ là tài sản”, và “Chỉ bằng sự đau khổ chúng ta mới học yêu mến cuộc đời”.

* Năm 2007, chị là tác giả đạt giải nhất truyện ngắn báo Văn nghệ (một giải thưởng uy tín về văn chương trong nước). Tác phẩm đã in: “Thung Lam” (tập truyện ngắn), “Lễ hội này” (tập thơ).

* Nhà văn Phạm Xuân Nguyên: “Thung Lam” đầy chất thơ. Một chất thơ từ giọng văn nhiều cảm xúc, từ vẻ đẹp của thung Lam như nguồn cội tinh thần, như điểm tựa cuộc sống, từ nỗi niềm buồn thương, tiếc nuối những giá trị truyền thống đang có phần phai nhạt, xói mòn trong cuộc sống hiện đại. Truyện viết nhẹ nhàng, day dứt và bảng lảng”.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/nha-van-ho-thi-ngoc-hoai-toi-thay-minh-nhu-bac-si-khi-cuu-duoc-nhan-vat-post43435.html