Nhà văn Hồ Thủy Giang - Người ' truyền lửa' văn chương

Hồ Thủy Giang là một trong những nhà văn hàng đầu của tỉnh Thái Nguyên, có nhiều thành tựu văn chương xuất sắc, được nhiều người yêu văn mến mộ. Cả cuộc đời ông là minh chứng cho sự lao động cần mẫn, đầy đam mê trên con đường sáng tạo văn chương.

Ấn tượng của tôi về nhà văn Hồ Thủy Giang là dáng người nhỏ, giọng nói ấm áp, đặc biệt là trí nhớ tuyệt vời. Nhiều người vẫn gọi ông là cuốn bách khoa toàn thư, bởi ở hầu hết các lĩnh vực ông đều thể hiện sự am hiểu khá tường tận (điều ấy được thể hiện rõ trong các sáng tác của ông). Hồ Thủy Giang còn là người hết sức tỉ mỉ, chu đáo, lại giản dị, khiêm nhường nên được các bạn văn yêu mến.

Nói về cơ duyên khi đến với văn chương, nhà văn Hồ Thủy Giang không ngại ngần chia sẻ: Viết văn chuyên nghiệp là sự lựa chọn, dấn thân của tôi chứ không phải sự tình cờ. Bằng niềm đam mê sáng tác, sau khi có tác phẩm thơ, truyện ngắn được in, thành quả ngọt ngào ban đầu này đã tiếp thêm tình yêu văn học để sau này tôi đi sâu vào con đường sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài công nghiệp hóa nông thôn. Trong đó, năm 1971 với tác phẩm “Cô bánh xích” tôi được nhận giải thưởng của Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước khi chuyển sang nghề viết chuyên nghiệp, Hồ Thủy Giang là giáo viên dạy Ngữ văn ở Trường THCS Đại Từ (giai đoạn 1969-1980). Quá trình tự học làm nhà văn, ông đọc sách ở nhiều thể loại, mày mò viết, đọc và sửa với một niềm đam mê bất tận. Cũng trong thời gian vừa dạy học, vừa sáng tác, ông còn khiến nhiều người nể phục khi cố gắng học hết chương trình đại học.

Năm 1980 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời ông khi nhận quyết định chuyển về công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, công tác tại Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thái Nguyên. Từ đó về sau, ông có nhiều thời gian hơn để gắn bó và sáng tác văn chương, chính thức trở thành nhà văn chuyên nghiệp.

Hồ Thủy Giang được biết đến đầu tiên trên văn đàn với biệt danh “cây truyện ngắn”. Trên nửa gia tài văn chương của ông là các tập truyện ngắn, tiêu biểu như: “Cô Bánh Xích”, “Cuồng phong”, “Người đẹp thường nhiều bí ẩn”, “Không phải là ảo ảnh”… Là người đa tài nên lĩnh vực nào ông cũng muốn thử sức và điều tuyệt vời là ở mảng nào ông cũng gặt hái được nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương.

Nhà văn Vũ Nho nhận xét ông là nhà văn gạo cội của Thái Nguyên bởi hơn nửa cuộc đời cầm bút, ông đã nỗ lực không ngừng và có hàng chục đầu sách ở các thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học và kịch bản điện ảnh. Song nhà văn Vũ Nho đánh giá cao nhất Hồ Thủy Giang ở thể loại truyện ngắn. Cuộc đời văn nghiệp của ông đã tạo dấu ấn sâu sắc trên văn đàn Thái Nguyên, các tác phẩm của ông đã được 4 tác giả lựa chọn làm đề tài luận văn thạc sĩ. Ông cùng nhà văn Vi Hồng đã có nhiều tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa tiểu học bộ môn Tiếng Việt. Một số tác phẩm của ông cũng được đưa vào giảng dạy môn Giáo dục văn học - lịch sử địa phương ở các nhà trường trong tỉnh.

Riêng với thể loại tiểu thuyết, tuy bén duyên muộn nhưng trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại đây, nhà văn Hồ Thủy Giang đã xuất bản nhiều cuốn, trong đó có 5 tác phẩm đoạt giải thưởng của Trung ương như: “Mắt rừng”, “Những người mở đường”, “Thái Nguyên - 1917”, “Phố núi”, “Những bông hoa núi”.

Đặc biệt hơn, ông đã có 4 tiểu thuyết lịch sử về mảnh đất và con người Thái Nguyên (Tể tướng Lưu Nhân Chú, Thái Nguyên -1917, Những người mở đường, Những bông hoa núi).

Thật vui khi xuất bản những cuốn tiểu thuyết lịch sử địa phương, nhà văn Hồ Thủy Giang đã được ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn An Khánh, người đồng hương quý mến và trân trọng nhà văn, tài trợ nên các cuốn sách đã được tặng cho tất cả thư viện của trường học trên địa bàn tỉnh.

Năm 2016, tôi và những người yêu văn của tỉnh tham gia Lớp viết văn đầu tiên do nhà văn Hồ Thủy Giang trực tiếp truyền dạy (lúc này ở Thái Nguyên và nhiều địa phương của cả nước hầu như chưa có tiền lệ nhà văn mở lớp dạy viết văn). Gần 20 học viên chúng tôi ở các độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê văn chương, đã bước vào lớp học với sự say mê, tự nguyện, nỗ lực.

Nhà báo, nhà văn Minh Hằng, hội viên Hội VHNT tỉnh, hào hứng nói: Với phương pháp đọc, viết, thảo luận nhiều, chúng tôi đã được thầy Hồ Thủy Giang trang bị nền tảng lý luận cơ bản của văn học, phương pháp viết các thể loại văn xuôi như: Truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, phê bình, kịch bản phim. Buổi học nào thầy cũng “tung” ra các vấn đề cho lớp thảo luận như đề tài, chủ đề, nhân vật, cốt truyện, kết cấu, lối diễn đạt, phương pháp, cảm hứng sáng tác…

Điều chúng tôi tâm đắc nhất là quá trình học được thầy “cầm tay chỉ việc”. Mỗi tác phẩm của học viên được đưa ra lớp để mọi người thảo luận, góp ý, được thầy chỉ ưu, nhược điểm rõ ràng để không còn lúng túng khi có ý tứ thơ, tứ truyện mà không biết triển khai thế nào, viết tản văn ra sao cho cảm xúc… Hơn hết, mọi người luôn được thầy “truyền lửa” để say mê đi trên con đường sáng tác của mình.

Chưa đầy nửa năm sau khi tham gia lớp học, các học viên trong lớp đều có tác phẩm chất lượng đăng trên Báo Thái Nguyên, Văn nghệ Thái Nguyên, tạp chí văn nghệ một số tỉnh. Tính đến ngày tổng kết lớp (tháng 4-2017) đã có gần 100 tác phẩm của lớp được đăng, chủ yếu là truyện ngắn và thơ.

Sau khóa học, tất cả chúng tôi đã học được kỹ năng sáng tác văn xuôi, làm thơ, hơn cả là chúng tôi luôn được ông quan tâm, động viên, truyền cho tình yêu với văn chương. Rất nhiều học viên đã sáng tác thơ và văn xuôi đăng trên báo trong và ngoài tỉnh, xuất bản các đầu sách được Hội VHNT tỉnh đánh giá đạt chất lượng tốt. Mừng hơn khi bốn thành viên của lớp với những nỗ lực trong sáng tác đã được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh năm 2017.

Hạnh phúc của người thầy là khi nhìn thấy sự thành công của bao thế hệ học trò. Và nhà văn Hồ Thủy Giang cũng không ngoại lệ. Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: Thành công của các khóa học viết văn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Mỗi khóa học kết thúc lại là sự khởi đầu cho sự nghiệp văn chương của từng cá nhân.

Ban đầu, nhiều người, trong đó có các nhà văn tiêu biểu của Thái Nguyên, còn hồ nghi sự thành công khi nhà văn Hồ Thủy Giang mở lớp viết văn đầu tiên. Nhưng thái độ học tập nghiêm túc của các học viên và kết quả ấn tượng của các lớp viết văn đã khiến họ phải nhìn nhận khác.

Nhà văn Phạm Đức, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh, nhận xét: Hồ Thủy Giang không chỉ được các bạn viết mến mộ tài năng mà điều đáng nói hơn là tấm lòng của anh đối với bạn bè văn chương. Kể từ khi làm biên tập của Báo Văn nghệ Thái Nguyên đến lúc nghỉ hưu, anh luôn đọc tác phẩm của bạn viết một cách kĩ lưỡng và cho tác giả những lời khuyên thấu đáo. Đặc biệt, anh dành nhiều thời gian và công sức cho các cây bút mới, tham gia giảng dạy nhiều khóa bồi dưỡng văn học thiếu nhi, văn học trẻ mà sau này nhiều em đã trở thành các nhà văn, nhà báo, các PGS, TS văn học… Bản thân tôi cũng được Hồ Thủy Giang giúp đỡ rất nhiều trong quá trình sáng tác để rồi trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Đến nay, nhà văn Hồ Thủy Giang đã truyền dạy 3 lớp học viên, nhiều cây bút đã “sắc nhọn”, nổi bật trên văn đàn Thái Nguyên như: Phan Thái, Minh Hằng, Tiết Minh Hà, Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung, Võ Thị Thu Hằng, Lã Thị Thông… Hiện giờ, ông đang giảng dạy khóa thứ 4.

Nhà văn Hồ Thủy Giang vui mừng “khoe” với chúng tôi nhiều tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn của các học viên được Hội VHNT tỉnh đánh giá đạt chất lượng tốt. Vui hơn khi một số tác giả đã được nhận giải thưởng của Trung ương và của tỉnh. Cũng từ đây, Hội VHNT kết nạp thêm nhiều hội viên mới triển vọng.

Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, và người thầy trong nghề văn lại càng đặc biệt hơn. Tuy nhà văn Hồ Thủy Giang luôn khiêm tốn, không nhận mình là thầy nhưng các thế hệ học trò của ông đều kính trọng, biết ơn gọi ông hai tiếng “Thầy giáo”.

Nhà thơ Võ Thị Thu Hằng, Hội viên Hội VHNT tỉnh, học viên khóa 3 lớp viết văn của nhà văn Hồ Thủy Giang, chia sẻ: Thầy không cho chúng tôi gọi là thầy giáo, bảo chúng ta là bạn văn chương, không phải học viết văn mà cùng chia sẻ đam mê sáng tác. Song trong lòng chúng tôi đều luôn kính trọng và biết ơn thầy – “người lái đò” thầm lặng.

Nửa thế kỷ lao động cần mẫn và đạt được nhiều thành tựu trên con đường viết văn chuyên nghiệp, đến giờ, ở tuổi 76, nhà văn, thầy giáo Hồ Thủy Giang vẫn dành nhiều thời gian viết và “truyền lửa” cho các thế hệ học viên. Ông luôn mong mỗi người yêu văn sẽ được bồi đắp thêm tình yêu, tìm thấy và phát huy khả năng của mình, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp VHNT của tỉnh và cả nước…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202311/nha-van-ho-thuy-giang-nguoi-truyen-lua-van-chuong-1be0280/