Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Câu chuyện cái bắt tay

Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc, bắt tay để chào hỏi hay tỏ ý thân thiện không phải chỉ là đặc điểm của người phương Tây mà của con người nói chung.

Chào nhau bằng cái bắt tay theo kiểu phương Tây đã thành một thông lệ quốc tế, từ những nhà lãnh đạo quốc gia đến người dân thường.

Ở ta, do ảnh hưởng Khổng học, người lớn tuổi ở nông thôn ít bắt tay (tôn ti trật tự), còn phụ nữ ngay ở thành phố cũng ít bắt tay nam giới (vì còn ảnh hưởng “nam nữ thụ thụ bất thân”). Nam nữ cầm tay nhau nơi vắng vẻ là... có chuyện.

Thực ra, bắt tay (hay cầm tay nhau) để chào hỏi hay tỏ ý thân thiện không phải chỉ là đặc điểm của người phương Tây mà của con người nói chung! Một thuyết của môn nhân học văn hóa giải thích như sau: “Tục bắt tay (hay cầm tay) ra đời sớm nhất vào thời đại đốt rừng trồng rẫy. Thời đó, khi săn bắn và tác chiến, con người dùng tay thường xuyên nắm đá và gậy làm vũ khí. Khi người ta gặp nhau có ý thân thiện thì phải bỏ mọi thứ trong tay ra, mở bàn tay duỗi ra cho đối phương nắm, tỏ ra không có vũ khí gì (Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc, Dương Kiến Huy và Địch Ngọc Kim). Ở Trung Quốc, tập quán có khác: Người ta nắm tay nhau khi gặp nhau, chia tay nhau hay dặn dò gì nhau. Tô Vũ thời Hán có thơ: Cầm tay thở dài, nước mắt sinh biệt ròng ròng. Đặng Thác viết rằng: “Bắt tay phổ biến ở phương Tây, còn Trung Quốc coi là phù phiếm, hoặc để thể hiện tình cảm đặc biệt, không thuộc lễ nghi (như quỳ, vái, bái...)”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở phương Tây, có lẽ người Pháp bắt tay nhiều nhất!

Cơ quan tôi, một thời có hai bà “đầm” làm chuyên gia, một bà người Pháp, một bà người Anh. Cả hai đều rất tốt, đều hết lòng với Việt Nam, họ đều tình nguyện sang Việt Nam, làm việc không lương cho Nhà xuất bản Ngoại văn. Tính tình hai bà thật khác nhau, có lẽ do tính dân tộc. Trong khi bà người Anh thì kín đáo, ít cởi mở, bề ngoài có vẻ lãnh đạm theo đúng kiểu người Anh, thì bà người Pháp lúc nào cũng sôi nổi, nói như “súng liên thanh” và có gì là bộc lộ ra hết. Hàng ngày, lúc đến cơ quan hay lúc về, bà người Anh chào một tiếng, có khi mỉm cười, còn bà người Pháp, sau cái bắt tay nồng nhiệt, lại ôm hôn hai má. Trường hợp so sánh này khá điển hình. Có khi bạn gặp những người Pháp, người Anh không như tôi tả. Vả lại, nhịp độ cuộc sống cũng làm giảm bớt “nghi lễ lịch sự” của người Pháp.

Dù sao thì người nước ngoài vẫn ngạc nhiên vì người Pháp thường “bắt tay” suốt ngày. Có một độc giả nước ngoài viết thư cho một tờ báo Pháp, phàn nàn về “nghi thức bắt tay” vừa mất thì giờ vừa dễ lây bệnh truyền nhiễm. Nhà văn Pháp Marc Blancpain đã viết một bài giải thích về truyền thống ấy! Xin lược dịch một đoạn:

“Tôi xin phép nói ngay với ông là những cân nhắc tinh tế của ông không thuyết phục được tôi... Nửa giờ mà chúng tôi bắt tay nhau, ông thấy đó, chúng tôi lúc nào cũng có khả năng lấy lại được, vì chúng tôi không làm việc như con bò hay như cái máy, mà như những con người biết tăng tốc, tăng năng suất làm nhanh và nhanh hơn nữa tùy theo tâm trạng hay sự cần thiết. Còn về sự trao đổi vi trùng khi bắt tay thì điều đó chúng tôi không ngại, vi trùng đâu mà chẳng có: trong không khí mọi người thở, trong những thứ ta ăn uống, ngay cả khi những thứ đó được bọc bằng giấy bóng! Dĩ nhiên là không phải bàn tay nào bắt cũng thú vị. Có những bàn tay chảy mồ hôi hay sần sùi, có những bàn tay mềm nhẽo hay thô bạo, nhưng lễ phép chính là cái cố gắng nho nhỏ của chúng tôi để làm kìm hãm cái ghê tởm lại... Còn bắt tay không phải bao giờ cũng thật lòng ư? Thưa vâng, chúng tôi biết điều ấy và chúng tôi đặt vào trong cử chỉ ấy điều chúng tôi muốn gửi gắm; tình bạn, hay chỉ đôi chút thân tình, đôi khi là sự lạnh lùng và cả sự không tán thành, im lặng. Không ai hiểu nhầm đâu! Nhưng chìa tay ra bắt – ngay cả trong trường hợp miễn cưỡng – luôn luôn có ý nghĩa là không hận thù nào vô phương cứu chữa, nói lên sự mong muốn tha thứ, khả năng làm lành với nhau, cuộc sống với nhau vẫn có thể trở lại yên lành! Và đó mới là điều quan trọng!”

Theo Hữu Ngọc/Thế Giới & Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/van-hoa/nha-van-hoa-huu-ngoc-cau-chuyen-cai-bat-tay/20200321045344247