Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Ngôn ngữ văn hóa Pháp ở Việt Nam xưa và nay

Tiếng Pháp ở Việt Nam không phát triển bằng tiếng Anh, nhưng điều này không có nghĩa là văn hóa Pháp sẽ mất đi. Nó sẽ mãi mãi tồn tại, vì nó là phần hữu cơ của văn hóa Việt Nam, cũng như văn hóa Trung Quốc.

Theo Nhà văn hóa Hữu Ngọc, quá trình lịch sử ngôn ngữ - văn hóa Pháp ở Việt Nam có bốn giai đoạn. (ảnh TĐK)

Quá trình lịch sử của Ngôn ngữ - văn hóa Pháp (francophonie) ở Việt Nam có bốn giai đoạn: bước khởi đầu, giai đoạn cắm rễ, giai đoạn suy thoái và giai đoạn phục hồi.

Bước khởi đầu kéo dài mấy trăm năm, từ thế kỉ XVII đến nửa sau thế kỉ XIX, với sự thâm nhập của các lái buôn, giáo sĩ, dân phiêu lưu giúp chúa Trịnh ở phía Bắc, chúa Nguyễn ở phía Nam. Có ba sự kiện đánh dấu giai đoạn này: Truyền giáo (đạo Thiên chúa); sáng tạo chữ quốc ngữ với vai trò quan trọng của nó (Alexandre de Rhodes); sự tham gia của một nhóm quân nhân và nhân viên kỹ thuật giúp chúa Nguyễn Ánh lập vương triều Nguyễn, họ xây dựng một số thành cổ theo kiểu Vauban, hiện vẫn còn di tích.

Giai đoạn cắm rễ là thời kỳ Pháp thuộc (1883 - 1945). Đây là thời kỳ hiện đại hóa, tức là Tây phương hóa nước ta, một cú "sốc" văn hóa, tương tự như thời kỳ đế chế Trung Hoa chiếm ta (thế kỉ II trước Công nguyên). Đáng chú ý là thời Pháp đô hộ có một nền văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp của người Việt Nam (Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyền Văn Huyên…) và ngày nay, Việt kiều vẫn đang tiếp tục sự nghiệp ấy. Quá trình thực dân hóa biến diễn song song với quá trình tiếp biến văn hóa. Theo một định nghĩa của UNESCO, "tiếp biến văn hóa là tình trạng tiếp xúc giữa nhiều nền văn hóa với kết quả là những sự đổi thay đối với mỗi nền văn hóa ấy".

Trong cuộc tiếp xúc Pháp - Việt, gạt sang một bên những tổn thất khủng khiếp do chủ nghĩa thực dân gây ra, ta phải ghi nhận khía cạnh tích cực của tiếp biến văn hóa đối với cả hai phía. Về phía Pháp, chất liệu Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới châu Á truyền thống đã mở rộng phạm vi nghiên cứu khoa học tự nhiên và nhân văn, một lĩnh vực xa lạ cho sáng tạo văn nghệ của họ. Xin kể một số thành tựu: những công trình khảo cứu của trường Viễn Đông Bác cổ về khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, sự phát triển của y học nhiệt đới, những thành tích của Yersin, sự nghiệp của các họa sĩ: V.Tardieu và Imguiberty, kiến trúc sư Hébrard với "phong cách Đông Dương", sự xuất hiện cả một nền văn học Đông Dương với những tên tuổi như A.Malraux, M.Duras, R. Dorgelès, Claude Farrère. A. Viollis.

Về phía Việt Nam, tiếp biến văn hóa có phần tiêu cực, làm mờ nhạt một số truyền thống dân tộc, nhưng lại có phần tích cực quan trọng: kết hợp với những yếu tố phương Tây (Pháp) - ta tạo ra các giá trị mới làm giàu thêm bản sắc dân tộc.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn suy thoái trong thời gian chiến tranh (1945-1954). Thời kỳ đầu, một làn sóng bài Pháp cực đoan xuất hiện. Ở nông thôn, dân quân đốt hết sách Pháp, kể cả tự vị Larousse, vật gì mang ba màu cờ tam tài Pháp là bị phá hủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấn chỉnh tư tưởng quá khích ấy: ta đánh thực dân Pháp nhưng vẫn là bạn của nhân dân Pháp và tôn trọng văn hóa Pháp.

Do đó, chiến tranh giải phóng của ta không mang màu sắc hận thù chủng tộc như ở Algeria. Chính sách khoan hồng với tù binh Pháp cũng dựa trên nhận định trên. Trong kháng chiến, tiếng Pháp vẫn được dạy trong các trường trung học. Rất nhiều nhà trí thức lỗi lạc sử dụng vốn khoa học - văn hóa Pháp để phục vụ sự nghiệp chiến đấu và xây dựng đất nước, như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa... Khai mạc trường đại học y khoa dạy bằng tiếng Việt, BS. Hồ Đắc Di lại đọc diễn văn bằng tiếng Pháp. Nhớ Hà Nội bị chiếm đóng, BS. Tôn Thất Tùng làm thơ bằng tiếng Pháp...

Giai đoạn thứ 4 là giai đoạn phục hồi từ sau Hội nghị Genève. Năm 1954, văn hóa - ngôn ngữ Pháp đã phục hồi mạnh từ khi đặt được quan hệ ngoại giao giữa hai nước, lập Hội Việt - Pháp hữu nghị, chính sách mở cửa của Đổi mới và nhất là sau sự gia nhập chính thức khối Pháp ngữ.

Chính sách ngoại giao Việt Nam lúc đó dựa vào ba định hướng: gia nhập vùng Đông Nam Á - ASEAN, gia nhập toàn cầu và khối Pháp ngữ. Văn hóa Pháp ngữ có nhiệm vụ đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại và tiên tiến. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta cần phát triển di sản vô cùng quý giá do tiếp biến văn hóa Pháp - Việt để lại. Tôi đã có lần trả lời đài BBC phỏng vấn: "Tiếng Pháp ở Việt Nam không phát triển bằng tiếng Anh, nhưng điều này không có nghĩa là văn hóa Pháp sẽ mất đi. Nó sẽ mãi mãi tồn tại, vì nó là phần hữu cơ của văn hóa Việt Nam, cũng như văn hóa Trung Quốc. Tương tự văn hóa cổ Hy Lạp - La Mã là bộ phận hữu cơ của văn hóa Pháp, mặc dù ngày nay, ít người Pháp đọc được chữ Hy-La cổ".

Trong tinh thần ấy, cần nâng cao chất lượng các nghề văn hóa ở ta, không những để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, mà còn để tồn tại và phát triển trong sự cạnh tranh gay gắt của thời toàn cầu hóa.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-ngon-ngu-van-hoa-phap-o-viet-nam-xua-va-nay-101009.html