Nhà văn Hữu Ngọc bàn về đầm và hồ Hà Nội

Đầm và hồ Hà Nội là tấm gương phản ánh tinh thần Hà Thành - đầm hồ là động cơ bị gây mê nhưng luôn luôn sống động cho một công trình tái kiến thiết về không gian và xã hội có thể lại được thực hiện trong tương lai.

Hồ Gươm Hà Nội. (Nguồn: Zing)

Một người Âu vẻ mặt thông minh, dáng điệu lịch sự và tự tin, gõ cửa phòng tôi rồi bước vào. Tôi chưa kịp đứng dậy đón thì ông đã bước thẳng đến bàn viết của tôi, trịnh trọng đặt lên bàn một cuốn sách in ronéo to tướng, có vẻ phải nặng đến 2 kilô, bắt chặt tay tôi và nói: “Chú ơi, cháu xin tặng chú kết quả 30 năm lao khổ của cháu!”

Định thần lại, tôi mới nhớ ra đó là chú bé người Pháp Christian cách đây ba bốn chục năm đã sống cùng bố mẹ là ông bà Pédelahore, đều là giáo viên tình nguyện sang Việt Nam dạy tiếng Pháp vào thời kỳ bắt đầu nối lại quan hệ Việt – Pháp sau khi chiến tranh kết thúc ở Hội nghị Geneva. Hai ông bà sống ở một căn hộ trong Đại sứ quán Pháp, khá thân với tôi, chú bé thường chơi dưới bóng cây trong vườn. Chỉ kịp hàn huyên vài phút, Christian đã vội chia tay vì e trễ giờ ra sân bay về Pháp.

Thì ra, Christian lớn lên, theo đuổi nghề kiến trúc, nhờ làm báo đối ngoại, tôi vẫn biết tin những thành công của anh, nổi tiếng nhờ những công trình nghiên cứu về kiến trúc những thành phố phương Nam ở các nước thế giới thứ ba, đặc biệt là kiến trúc Việt Nam và châu Á. Cuốn sách đồ sộ mà anh tặng tôi là bản Luận án Tiến sĩ kiến trúc mang tên: Từ góc nhìn thành phố - Hà Nội 1873 – 2006, luận án được bảo vệ tại trường đại học Paris VIII. Công trình khởi đầu từ năm 1979. Dĩ nhiên là công việc nghiên cứu qua các thư viện trong và ngoài nước, có công sưu tầm thực địa rất nhiều nơi trên thế giới, tham gia không biết bao nhiêu cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, trong đó có bốn năm liên tục nghiên cứu thực địa tại Việt Nam.

Động cơ gì khiến Christian Pédelahore chọn đề tài nghiên cứu Hà Nội?

Điểm xuất phát là từ nhỏ, anh đã say mê chú ý đến những nền văn hóa có tính chất không gian, mang tính sinh hoạt hàng ngày và tính sinh hoạt bản địa ở những vùng đất xa xôi.

Đứng về góc độ thuần túy kiến trúc học, khuynh hướng này lại được tăng cường do anh không đồng tình với khuynh hướng style international (phong cách quốc tế) – một trào lưu xuất hiện dưới danh nghĩa chủ nghĩa hiện đại (modernisme) vào khoảng những năm 20 thế kỷ trước. Trào lưu nghệ thuật này về mặt kiến trúc tìm một phong cách thuần túy kỹ thuật, dựa vào nguyên liệu sắt và bêtông để tạo một phong cách phi dân tộc, đồng nhất hóa kiến trúc chung cho toàn thế giới. Sự cào bằng tính đa dạng văn hóa ấy đã bị sự phản ứng của kiến trúc hậu hiện đại (postmodernisme) cùng chủ trương với Pédelahore. Kiến trúc sư Pédelahore cho là hai yếu tố không gian và xã hội luôn quyện với nhau, phải phân tích và tổng hợp chúng thì mới có thể phê phán kiến trúc của một thành phố. Theo ông, từ những năm 90 thế kỷ trước, Hà Nội đã bước vào một giai đoạn phát triển và thay đổi mạnh mẽ về phương diện bố trí không gian và mở rộng ranh giới đô thị, đó cũng là thời cơ để nghiên cứu sâu những đặc điểm trong quá trình đô thị hóa hiện đại, qua những đổi thay cùng những thực tiễn của không gian đô thị Hà Nội dưới thời Pháp thuộc và ngày nay (thế kỷ XIX-XX).

Hồ Bảy Mẫu, Hà Nội (Nguồn: Zing)

Pédelahore quan niệm là sự tiến triển của kiến trúc Hà Nội không thể chỉ được coi là một quá trình phát triển lịch sử và tuyến tính do sự áp đặt của những hình mẫu ngoại sinh, mà đó là kết quả rất phức tạp của những trao đổi do sáp nhập, đan xen của những ảnh hưởng phản hồi, tạo ra những hình thức kiến trúc hợp với bối cảnh luôn luôn diễn biến, trà trộn và luôn luôn sắp xếp lại trong một thời gian lâu dài.

Tóm lại, từ góc nhìn thành phố - Hà Nội 1873 - 2006 là một công trình nghiên cứu công phu, phong phú có tầm cỡ quốc tế mà tất cả những ai muốn tìm hiểu kiến trúc Thăng Long – Hà Nội cần tham khảo. Tôi rất khâm phục sự phân tích tinh tế và óc tổng hợp uyên bác về kiến trúc Hà Nội của Christian Pédelahore. Là người ngoại đạo với môn kiến trúc, điều hấp dẫn nhất đối với tôi là những phát hiện và suy nghĩ của anh về một số yếu tố địa lý, xã hội và văn hóa khiến cho dân Hà Nội chính cống như tôi cũng bất ngờ.

Chỉ xin đơn cử nhận xét của Pédelahore về ảnh hưởng của các đầm, hồ đối với diện mạo Thăng Long – Hà Nội từ khởi thủy cho đến ngày nay:

“Đối với những ai chịu khó lắng nghe thì những đầm hồ Hà Nội luôn không ngừng truyền cho họ bức thông điệp sâu sắc sau đây: “Chúng tôi (đầm và hồ) là xương cốt của thành phố này! Chúng tôi là âm bản của thân thể thành phố này! Chúng tôi là tấm gương phản ánh tinh thần Hà Thành, là nền tảng ngầm của cái tinh hoa nhất mà ai cũng có thể cảm thấy và nắm được - đối với người dân sở tại hay khách tham quan - đầm hồ là động cơ bị gây mê nhưng luôn luôn sống động cho một công trình tái kiến thiết về không gian và xã hội có thể lại được thực hiện trong tương lai”.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-huu-ngoc-ban-ve-dam-va-ho-ha-noi-112305.html