Nhà văn Kim Dung qua đời

Tiểu thuyết gia Kim Dung vừa qua đời vào chiều 30.10, thọ 94 tuổi, để lại bao tiếc nuối cho đông đảo độc giả và người hâm mộ.

Nhà văn Kim Dung - Ảnh: ẢNH: SINA.COM

Tiểu thuyết gia Kim Dung (tên thật là Tra Lương Dung) sinh ngày 6.2.1924, quê quán tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vừa giã biệt các độc giả vào chiều 30.10 vì tuổi cao sức yếu, thọ 94 tuổi.

Tuy tốt nghiệp cử nhân Luật tại TP.Hàng Châu (Trung Quốc) và tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ triết học tại Trường đại học Cambridge (Anh), ông lại quyết định lựa chọn con đường sáng tác văn chương và làm báo để truyền tải, gửi gắm những thông điệp sâu sắc của mình về nhân sinh quan, về cuộc đời.

Ông cũng là một trong những cây đại thụ hiếm hoi trong văn học kiếm hiệp Hoa ngữ, tự xây dựng nên một thế giới võ hiệp với các anh hùng trượng nghĩa, tinh thần hào sảng với hàng loạt tác phẩm để đời như Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Ỷ thiên đồ long ký, Anh hùng xạ điêu

Nhiều tác phẩm của ông đã "làm mưa làm gió" trên màn ảnh truyền hình lẫn phim truyện nhựa Hoa ngữ, được khán giả nhiều nước đặc biệt yêu thích.

Với việc xây dựng hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp, Kim Dung được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp. Ông còn là một trong số ít tác giả châu Á có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, hơn nữa được chuyển thể nhiều lần trong suốt nửa thế kỷ qua. Thậm chí không ít nhà phê bình phim cho rằng nhờ văn chương võ hiệp của Kim Dung, phim kiếm hiệp Hoa ngữ mới được đẩy lên một đỉnh cao mới.

Bên cạnh những tác phẩm kiếm hiệp cuồn cuộn hào khí, từng làm nức lòng độc giả khắp nơi, Kim Dung đã nhanh chóng trở thành nhà văn tiêu biểu kiệt xuất nhất của dòng tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Ông thường được vinh danh là “Tuyệt đại tông sư” và “Thái sơn Bắc Đẩu” trong lịch sử văn học kiếm hiệp mà không ai có thể so sánh nổi. Trong khi đó các fan thường âu yếm gọi ông là “Kim đại hiệp” hoặc “Tra đại hiệp”. Tất cả các tác phẩm của ông đều được chuyển thể thành phim truyện và truyền hình, được nhiều nước mua bản quyền và dịch ra bản ngữ, trong đó có VN. Từng được ví là “kỳ nhân”, là nhân vật điểm nóng văn hóa giữa thập niên 1990, là niềm tự hào, viên ngọc sáng của văn hóa Hồng Kông (Trung Quốc), những thành tựu mà Kim Dung đạt được khiến mọi người phải kính phục.

Ngoài sáng tác văn học, ông còn là nhà doanh nghiệp, bình luận chính trị, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, biên tập, chủ bút chuyên mục, phiên dịch, đạo diễn phim, nhà chính luận, học giả...

Ông cũng chính là người sáng lập và kinh doanh thành công tờ Minh báo tại Hồng Kông (20.5.1959), đẩy số lượng phát hành tờ báo này đứng số 1 tại đây. 98% bài xã luận của Minh báo đều do ông viết với lối kiến giải sâu sắc, độc đáo và linh hoạt, được độc giả kính trọng. Ông cũng từng được giới chính trị Trung Quốc và nước ngoài nể phục bởi cương vị cây bút xã luận hàng đầu Hồng Kông. Các bài xã luận của ông trở thành tài liệu tham khảo cho chính quyền đại lục, Đài Loan và Hồng Kông, đồng thời cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nước phương Tây. Do chí hướng của Kim Dung thời trẻ là trở thành quan chức ngoại giao, tham gia hoạt động chính trị nên từ thập niên 1980, ông rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Kim Dung từng được Đại học Văn khoa Hồng Kông phong học vị tiến sĩ danh dự (1986), được Đại học Bắc Kinh phong học hàm giáo sư danh dự (1994)... Ngoài ra, Kim Dung còn rất mê điện ảnh, từng viết nhiều bài phê bình điện ảnh, kịch bản điện ảnh như Tuyệt đại giai nhân, Lan Hoa, Đừng xa em, Ba mối tình, Cô gái bồ câu, Hữu nữ hoài xuân, Tiếng đàn lúc nửa đêm… Ông cũng có thời kỳ làm việc tại Công ty điện ảnh Trường Thành để viết kịch bản và làm đạo diễn.

Đại Mỹ Lệ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-van-kim-dung-qua-doi-1018501.html