Nhà văn Mường Mán: Rút vào trong thinh lặng

Nhà văn Mường Mán sinh năm 1947 tại làng Chuồn - làng rượu nổi tiếng - ở Thừa Thiên-Huế, tuổi trưởng thành sống tại Cần Thơ, từ trung niên đến nay sống ở Sài Gòn. Bút danh Mường Mán xuất hiện lần đầu trên tạp chí Văn năm 1965, với hai bài thơ ngắn là 'Thiếu thời' và 'Mùa hạ'. Thế nhưng mãi tới năm 1995 ông mới in tập thơ 'Vọng' và năm 2008 in tập thơ 'Dịu khúc'.

Nhà văn Mường Mán: Thênh thang cõi mộng bao la cõi đời

Từ năm 1974 đến 2005 ông dành cho văn xuôi, với hơn 20 tác phẩm đã xuất bản. Năm 2008 ông về hưu, gác bút để cầm cọ, đã vẽ hơn 70 bức tranh. Triển lãm cá nhân “Tuần trăng mê hoặc” của ông khai mạc hôm 13-7 tại quán Ruốc (quận Phú Nhuận), trưng bày 50 bức.

1. Khoảng năm 17 tuổi, Mường Mán viết bài thơ Qua mấy ngõ hoa, dài hơn 70 câu, trong đó có đoạn: “… Tay nhớ ai mà tay bối rối/ Áo thương ai lồng lộng đôi tà/ Đường về nhà qua mấy ngõ hoa/ Chớ có liếc mắt nhìn ong bướm”. Trong một bài thơ có tên Rằng từ, Mường Mán lại viết: “Rằng từ khoác bụi trên vai/ Năm chưa đủ rộng tháng dài đã trôi/ Người đi tìm lá ngậm ngùi/ Ta về đốt lửa hong lời gió mưa”. Chừng này câu thơ có thể diễn đạt được cả cuộc đời cầm bút của Mường Mán, ông luôn bắt đầu với tinh thần lãng mạn, nhưng luôn kết thúc bằng sự chừng mực, trong sáng, nghiền ngẫm. Ông từng nói: “Thế nhưng mong sao, dù dưới bất cứ dạng thức nào, văn chương vẫn luôn đứng về phía ánh sáng, thiện tâm”. Nhiều nhân vật của ông được sống cuộc đời mơ mộng, được bay nhảy với tâm trạng của lứa tuổi mới lớn, vừa mới yêu, nhưng có thủy có chung, hướng thượng trong tình yêu, ít khi “liếc mắt nhìn ong bướm”.

Khảo tập Cạn chén tình (NXB Trẻ, 2003), với 48 truyện ngắn, trong đó hơn một nửa truyện viết trước năm 1975, khi Mường Mán còn là phóng viên chiến trường ở miền Trung, nhà phê bình Nguyễn Khắc Phê nhận ra một điều lạ.

Đó là: “Trên những trang văn của anh hầu như không có tiếng bom đạn, không miêu tả trận đánh nào, cũng không thấy những cuộc đấu quyết liệt về ý thức hệ, về chuyện thắng bại địch-ta, mà đầy ắp nhân tình - tình yêu quê hương, trai gái, vợ con, bạn bè… cả những tình yêu thoáng qua, những kẻ bạc tình và bao trùm lên tất cả là tình yêu thương của tác giả đối với những cuộc đời bất hạnh, những số phận trớ trêu. [...] Phần nhiều trong Cạn chén tình vẫn là những câu chuyện rất khó xác định đề tài, với những cảnh đời có thể gọi là nhỏ bé, những kỷ niệm nhẹ nhàng và nhiều khi như mơ hồ nữa. Nhưng có lẽ chính vì thế, nó gần gũi với người đọc, trang sách gấp lại, nhiều nhân vật vẫn vương vấn trong lòng độc giả”.

Với nhà văn Đoàn Thạch Biền thì: “Văn của Mường Mán nhiều chất thơ và nhiều ý tưởng, nên khi anh chuyển qua viết kịch bản phim đã thành công”. Ông biên kịch các phim Người trong cuộc (1987), Chuyện ngã Bảy (còn có tên là Tiếng đờn kìm, 1997), Gió qua miền tối sáng (viết chung, 30 tập, 1995), Trăng không mùa (1998), Duyên phận (16 tập, 2003)…

Nếu kịch bản Người trong cuộc viết về nhóm bạn sinh viên cùng tranh đấu ở Sài Gòn trước 1975, sau chiến tranh thì tình bạn và lý tưởng của họ thay đổi theo các hướng khác nhau, trong đó có sự dối lừa, thực dụng. Thì kịch bản Gió qua miền tối sáng là câu chuyện hình sự và chủ đề phòng chống HIV/AIDS, nơi tội ác và hình phạt đôi khi chung một gốc. Nghĩa là, nếu văn chương của Mường Mán mơ mộng, thanh thoát bao nhiêu thì các kịch bản phim của ông gần gũi đời thực bấy nhiêu. Nhưng nói như Đoàn Thạch Biền, may mà nhờ chất thơ tuôn chảy, nên các câu chuyện có vẻ trần trụi đó vẫn giữ được sự bay bổng cần thiết.

Về khía cạnh đời sống, Mường Mán lập gia đình năm 1977, sinh con đầu lòng năm 1980. Sau đó ông chọn Cần Thơ sinh sống vì ở đó có anh là kĩ sư nông nghiệp, giảng dạy ở Đại học Cần Thơ. Mường Mán vào làm công nhân/tạp vụ ở trường này, chủ yếu là lao động tay chân. Ông cũng có 2 năm làm ruộng, nhân giống các loại lúa ở nông trại Ô Môn, cách Cần Thơ khoảng 40km. Sau đó Mường Mán quay về trường tiếp tục làm việc lặt vặt, trước khi chuyển sang làm tại Hội Văn nghệ Cần Thơ. Năm 1995, nhờ bạn bè giúp đỡ, ông rời Cần Thơ lên Sài Gòn, làm việc ở Công ty văn hóa Phương Nam đến khi về hưu vào cuối năm 2007.

Ngay từ năm 1987, tiểu thuyết Hồng hạ đã được NXB Mũi Cà Mau in lần đầu 35.000 cuốn, bán khá chạy. Đây là cột mốc đánh dấu sự trở lại của Mường Mán - một ngòi bút của chế độ cũ - để sau đó nhiều tác phẩm khác của ông tạo được dấu ấn lớn. Khi ở Sài Gòn, Mường Mán gần như cày ngày cày đêm để đủ tiền mua đất cất nhà, để mang được vợ con từ Cần Thơ lên đây định cư. Ông thuộc kiểu nhà văn có suy nghĩ phải sống được với nghề, dù vất vả đến đâu thì cũng phải viết cho đủ sống qua ngày. Căn nhà đầu tiên của vợ chồng ông được mua từ tiền nhuận bút văn và kịch bản phim, đến từ những năm tháng nhịn ăn nhịn nhậu để giữ chút sĩ diện của nhà văn khi phải làm chồng, làm cha.

“Nghề văn có thể giúp ta sống được, dù khá khiêm tốn” - Mường Mán nói. Lời nói của ông ngày nay đã có cả trăm ngòi bút tại Việt Nam chứng thực, không kể các siêu sao bán chạy như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Anh Khang…, càng đáng vui hơn là số ngòi bút sống bình tĩnh, khiêm tốn đang ngày một nhiều lên.

Quan niệm của Mường Mán khá thật. Ông nói: “Người ta cầm bút vì lẽ sống! Nhưng trước hết là để thỏa mãn nhu cầu “tự sướng” của mình. Cầm cọ cũng tương tự thế thôi. Về lợi nhuận, tranh thuộc loại hàng bán chậm giá cao, nhuận bút sách báo thuộc loại nhanh, có khi là mì ăn liền và lắm khi rất... bèo bọt”.

2. “Thật ra tôi mê vẽ từ hồi học cấp 3 ở Quốc học Huế. Mua sách hội họa lặng lẽ ngâm cứu khá nhiều, nhưng anh tôi ngăn cản, vì sợ tôi lang thang chết đói. Nhưng đến khi tôi muốn gác bút, thì chẳng còn lý do gì để không cầm cọ nữa, nên lặng lẽ học vẽ tranh qua nhiều sách báo, phim ảnh. Tôi đang thực hiện mong ước từ thời còn trẻ nhỏ” - Mường Mán cho biết.

Ông nói thêm: “Tôi thấy có điểm chung của văn chương và hội họa là đều cần những ý tưởng sáng tạo, cần kiến thức phong phú về mọi mặt, cần đọc nhiều, cần nghiền ngẫm cảm xúc, ý tưởng trước khi cầm bút hoặc cầm cọ. Quan điểm của tôi là viết hoặc vẽ đều phải từ tốn”.

Trong tập thơ Dịu khúc (2008), có bài Vẽ, Mường Mán viết: “Vẽ gương không bóng ai soi/ Vẽ má vắng tựa, vẽ vai thiếu kề/ Vẽ cửa han rỉ bản lề/ Vẽ bướm lạc lối đi về từ khi.../ Vẽ nhện đan rối tơ si/ Vẽ dế gáy suốt đêm vì khát nhau/ Vẽ em men rượu tan lâu/ Vẽ câu kinh nguyện thành câu kinh lòng/ Vẽ tình con ngựa long nhong/ Vẽ áo rách mộng bế bồng kinh luân/ Vẽ xuân trăng tròn đầy khuôn/ Vẽ thu xiêm lộng dưới nguồn sương sa/ Vẽ tục lụy, vẽ phù hoa/ Thênh thang cõi mộng, bao la cõi đời/ Vẽ thiên hạ, chẳng vẽ tôi/ Bởi lòng em xóa ta rồi còn đâu”.

Văn chương và hội họa của Mường Mán có sự liên nối mật thiết.

Văn chương và hội họa của Mường Mán có sự liên nối mật thiết.

Mường Mán kể việc vẽ còn được ông tích trữ từ gần 15 năm trình bày bìa và vẽ minh họa cho sách báo, đặc biệt cho tạp chí Áo trắng. Ông còn giữ được hơn 300 tranh vẽ minh họa và phác thảo, nên giờ túc tắc “chuyển soạn” chúng lên vải bố và sơn dầu. “Nhưng cũng có những tranh mang tựa y chang tên các tiểu thuyết hoặc truyện ngắn của tôi như Bèo nước long đong, Tuần trăng mê hoặc..., cũng có bức vẽ từ cảm xúc của một bài thơ, hoặc tứ thơ nào đó mà tôi đã viết”.

Thật vậy, xem một lượt tranh tại triển lãm Tuần trăng mê hoặc đang diễn ra, những tựa đề như Bèo nước long đong, Sen trong thành nội, Những ngọn nến chúc phúc, Nguyệt cầm trắng, Khúc chiều xanh, Hạnh phúc nằm, Cây nhân sinh,… không đậm chất thơ, chất văn nữa là gì.

Như những nhà văn vẽ tranh khác, tranh của Mường Mán cũng là hội họa diễn ý. Nhưng có lẽ do xuất thân là nhà thơ, lại đến từ xứ Huế thâm trầm, mơ mộng, nên tranh ông giàu chất mơ mộng và man mác buồn đặc trưng.

Về kỹ thuật vẽ, đó là tinh thần lãng mạn pha chút biểu hiện và hiện thực huyền ảo. Về bảng màu, tranh của Mường Mán vừa có nét quen thuộc của trường phái Huế, vừa có chút bay bổng của mỹ thuật Gia Định trước 1975.

Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ: “Với những gì đã vẽ, tôi nghĩ nhà văn Mường Mán đã và đang tìm một hướng đi khác không ngoài mục đích diễn đạt cảm xúc, cảm hứng của một người sáng tạo. Không văn xuôi thì thơ. Không thơ thì vẽ. Anh Mường Mán đều trải qua. Điều này rất đáng trân trọng và ghi nhận. Nghĩ cho cùng viết hoặc vẽ là cũng cho chính mình. Mình thấy vui, thấy thích, thấy khoái là hạnh phúc rồi. Nét vẽ của anh giàu chất thơ và suy tưởng. Một cuộc chơi của sắc màu, nào ai có thể biết đâu là chân trời và đâu là điểm dừng. Thế thì, cứ vẽ. Chúc mừng anh”.

Hỏi nhà văn Mường Mán vì sao ông chọn hội họa làm chặng cuối của cuộc đời. Ông từ tốn: “Tôi thuộc típ người kiệm lời, lại chẳng hoàn hảo gì, nên ngoài con cháu trong nhà, tôi chẳng thích khuyên răn ai điều gì. Tôi không phải là nhà văn của quá nhiều tác phẩm, nhưng tự thấy như vậy cũng là nói quá nhiều rồi, nên... phải chào tạm biệt, phải rút vào hội họa cho được ít nói, được lặng thinh nhiều hơn”.

Hiền Hòa

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/13-nha-van-muong-man-rut-vao-trong-thinh-lang-555328/