Nhà văn Nguyễn Hải Yến: 'Có một thế giới song song tồn tại với thế giới chúng ta đang sống'

So với bạn viết cùng trang lứa, nhà văn Nguyễn Hải Yến bước vào làng văn khá muộn. Nhưng khi chị công bố tập truyện ngắn đầu tay 'Quán Thủy Thần', tác phẩm ngay lập tức gây tiếng vang, giành giải thưởng văn xuôi năm 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm ấy, chị cũng là trường hợp 'đặc biệt', đích thân người đứng đầu Hội Nhà văn mời vào hội. Đặc sắc nhất trong bút pháp của Nguyễn Hải Yến là hiện thực huyền ảo với thế giới 'ma' mang thương hiệu 'made by Nguyen Hai Yen'.

P.V: Được biết, từ nhỏ chị đã ham đọc và khát khao viết lách, vì sao hơn 40 tuổi cô giáo Nguyễn Hải Yến mới bước chân vào làng văn? Lần đầu tiên tác phẩm được công bố trên diễn đàn văn chương, cảm xúc của chị như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Hải Yến: Câu hỏi của bạn gợi cho tôi nhớ về ngôi làng có cái tên rất hay là Kim Trang Tây của tôi. Làng rất cổ, rất nghèo, rất trũng, cứ mưa là lụt. Nhà tôi ở cuối làng cũng là cuối con ngõ cụt sâu hun hút, muốn vào phải đi qua một khu vườn cổ thụ có hàng rào toàn những cây duối già vỏ sần lên, bong từng lớp như da rắn, qua quãng vườn hoang có cây sung tán rậm lúc nào cũng lờ mờ tối, qua vườn chuối có túp lều vách đất, cửa sổ tò vò có chấn song tre của một bà cụ lòa, qua ngôi miếu cổ trồng hai cây mẫu đơn trắng, thêm một quãng ngõ cúc tần mới đến chỗ rẽ vào cổng nhà tôi và cổng nhà cụ Rào. Ngôi nhà tranh, hè đất nện, đầy vết giọt gianh ấy sau này bị bỏ hoang. Ở đấy, hai đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi là hai chị em tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh một người tự kết thúc đời họ bằng một sợi dây, và nó ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ.

Nhà văn Nguyễn Hải Yến.

Nhà văn Nguyễn Hải Yến.

Nhà tôi giáp cánh đồng, nhìn qua ao cá chỉ thấy toàn gò đống mà ngày bé tôi rất sợ ma nên thường không hay đi đâu chơi, và vì thế cũng không có mấy bạn bè thân thiết. Bù lại, tôi đọc sách. Mẹ tôi học bổ túc văn hóa, giữ lại những cuốn Giảng Văn. Tôi đọc đến thuộc. Thậm chí thuộc cả những chỗ sách in sai. Mẹ tôi là người ham đọc sách. Chị em tôi chịu ảnh hưởng lớn từ mẹ. Bao nhiêu năm, tôi đọc đi đọc lại Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Chu Văn... ; văn học Nga, văn học Pháp... Và tôi nghĩ rằng văn chương ngấm vào máu thịt, không cầm bút thì thôi chứ đã viết rồi thì dẫu muộn tôi cũng xác định là cái duyên, cái nghiệp, chỉ có chết mới buông.

Trở về câu hỏi cảm nghĩ của tôi khi lần đầu tiên được công bố tác phẩm trên diễn đàn văn chương, tôi chỉ có thể trả lời một từ, đó là hạnh phúc. Cảm xúc ấy mới lắm, vẫn còn nguyên. Đó là khoảng đầu năm 2016, truyện ngắn đầu tay của tôi được in trên báo Văn nghệ. Truyện do biên tập viên Phạm Thanh Thúy biên tập và được nhà văn Khuất Quang Thụy đặt tên. Đó là truyện ngắn “Nhân gian một cõi”, có cả hình bóng mẹ chồng tôi và câu chuyện nhà tôi trong đó.

P.V: So với bạn viết thế hệ 7X, chị là người muộn màng với văn chương, nhưng khi vừa xuất hiện cái tên Nguyễn Hải Yến ngay lập tức tỏa sáng. Trường hợp của chị làm tôi nhớ đến những loài cây càng chậm hoa, lâu trái thì hoa trái càng quý, chị nghĩ sao về điều này?

Nhà văn Nguyễn Hải Yến: Tôi không nghĩ như bạn mà tôi nghĩ về cái duyên đến với nghề. Thậm chí tôi còn nghĩ đến cả việc tổ nghề cho mình thời điểm nào để viết. Trước đó, tôi cũng đã từng viết, nhưng thấy mình nhạt, thấy nông nên bỏ ngót ba chục năm. Có lẽ khoảng thời gian ba mươi năm ấy giúp tôi chín chắn, trầm tĩnh để nghĩ mình cần viết thế nào. Tôi lắng nghe, tôi học mọi người và khi đọc của họ, thấy những gì chưa ổn, tôi không đi theo.

Hai tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Hải Yến.

P.V: Là người đi sau các thế hệ nhà văn tiền bối, sau nhiều bạn viết cùng trang lứa, hẳn chị đã gặp không ít áp lực, sự trăn trở để tìm một hướng đi riêng khiến mình không bị khuất lấp giữa rừng người viết? Chị có phải trải qua quá trình thử nghiệm?

Nhà văn Nguyễn Hải Yến: Bạn nói đúng, chúng ta đang có một “rừng người viết”. Tôi cũng như bạn, như nhiều người đọc khác, có khi đọc hàng chục truyện ngắn, hàng chục bài thơ mà khi buông tập sách hoặc tờ báo xuống thấy cái cảm giác uể oải, mệt mỏi vì những gì mình vừa đọc. Tôi cũng sợ mình trở thành người viết lẫn giữa rừng người. Ngày mới viết, những truyện ngắn đầu tôi giữ nguyên một giọng hài hước (“Nhân gian một cõi”, “Giếng mắt rồng”, “Gió lên thả ngọn đèn trời”...) và nghĩ đó là sở trường của mình. Nhưng biên tập viên Phạm Thanh Thúy của báo Văn nghệ lại gợi ý thêm nên thay đổi cho đa thanh.

Tôi nghiêm túc nghĩ về điều đó và viết “Phía trước nhà có giàn mơ dại”, “Cây mẫu đơn hoa trắng”. Khi nhà văn Hà Nguyên Huyến nói với tôi về ấn tượng của ông khi đọc những câu chuyện mang sắc màu huyền ảo ấy, tôi nhận ra rằng mình đã tìm được một hướng đi nữa cho truyện ngắn của mình. Nói thực, tôi không mất nhiều thời gian để thử nghiệm vì sớm nhận ra sở trường của mình nhờ những góp ý, nhận xét của các biên tập viên như thế.

P.V: Hiện thực và hiện thực huyền ảo là bút pháp đặc trưng của nhà văn Nguyễn Hải Yến, thế giới người âm (ma) cũng là “thương hiệu” của chị. Vì sao chị lại chọn thế giới ấy làm không gian nghệ thuật, ma là nhân vật trung tâm trong nhiều truyện ngắn của mình?

Nhà văn Nguyễn Hải Yến: Tôi nghĩ rằng vẫn có một thế giới song song tồn tại với thế giới chúng ta đang sống. Nó kết nối mọi chiều không gian. Kết nối cả quá khứ với hiện tại. Tôi thường hướng tác phẩm của mình về quá khứ, lắng nghe những thông điệp của người đã khuất gửi cho người còn sống, vậy chỉ còn cách là tìm đến với thế giới song song ấy, để lắng nghe, để chia sẻ, để biết thêm những buồn đau, dang dở, những thủy chung, ân tình.

Và còn một điều này nữa, từ trước đến nay, ta luôn mặc định “ma” là xấu, thường “ma” sẽ hại người, sẽ báo thù, trả oán,... những câu chuyện “ma” đầy rẫy những máu me, dị dạng, những ghê sợ và chồng chất oán thù. Vậy tại sao tôi không viết khác, viết về những người đã chết, nếu không trở về trong thân thiện, yêu thương thì vẫn sống tiếp cuộc đời của họ, làm những gì dang dở và quan trọng hơn là thông điệp “Cứ sống tốt thì không phải sợ. Chẳng có ma nào vô cớ hại người”.

P.V: Chị từng chia sẻ tạng của mình là viết chậm, nhưng trong vòng 6 năm, nhà văn Nguyễn Hải Yến cũng đã trình làng 3 tập truyện ngắn, giành 2 giải thưởng văn chương danh giá thì tôi lại thấy chị không hề chậm, mà đó là sự thong dong, chắc chắn, chỉn chu của một cây bút đầy nội lực. Chị có thể chia sẻ thêm về quá trình tượng hình, sinh nở những đứa con tinh thần và những dự định trong thời gian tới?

Nhà văn Nguyễn Hải Yến: Tôi thực sự viết chậm. Mỗi ngày, thậm chí vài chữ cũng đã thấy vui. Tôi chỉnh đi chỉnh lại, bỏ mà không hề tiếc. Tôi không có truyện để in báo, tôi không thể kiếm tiền được bằng nghề viết nhưng tôi nhắc mình rằng một truyện ngắn viết ra lưu dấu trong lòng người đọc thì có phải bỏ ra một năm hay hơn thế nữa cũng cam lòng. Viết truyện ngắn cũng đã trầy da tróc vẩy như thế nhưng nếu tôi nói với bạn là tôi đang ấp ủ ước mơ về một cuốn tiểu thuyết, một kịch bản phim truyền hình bạn có cười, nói không tin không?

P.V: Cảm ơn chị! Chúc chị tiếp tục gặt hái được nhiều trái ngọt văn chương!

Nguyễn Hải Yến

Sinh năm 1975

Quê quán: Lam Sơn -Thanh Miện - Hải Dương

Hiện là giáo viên Ngữ văn tại Trường THCS thị trấn Gia Lộc

Giải thưởng: Tập truyện ngắn “Quán Thủy Thần” - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019; Chùm truyện ngắn: “Hoa gạo đáy hồ”, “Cửa sông thiên đường” - Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm.

Tác phẩm đã xuất bản: “Quán Thủy Thần” (2019), “Hoa gạo đáy hồ” (2020), “Mộc hương cuối mùa Thu” (2022).

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nha-van-nguyen-hai-yen-co-mot-the-gioi-song-song-ton-tai-voi-the-gioi-chung-ta-dang-song-post261043.html