Nhà văn Nguyễn Như Phong: 'Thời trẻ tôi có ước mơ làm... lái xe'

Sau một thời gian dài chuẩn bị, tuyển tập của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong đã ra mắt bạn đọc với nhiều điều đặc biệt, nhiều cảm xúc....

Sáng 16/4, lễ ra mắt tuyển tập của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong được diễn ra. Sau một thời gian dài công phu chuẩn bị, sưu tầm các tác phẩm đã xuất bản cùng với một số bản thảo còn lưu giữ được, được sự ủng hộ của Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 4 bộ tuyển tập văn xuôi của các nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương và Nguyễn Như Phong đã ra mắt với sự đón nhận nhiệt tình của bạn đọc.

Nét độc đáo nhất ở đây là 4 tác giả của 4 bộ tuyển tập đồ sộ là những người ruột thịt trong một gia đình. Cụ Nguyễn Tử Siêu là ông ngoại của nhà văn Nguyễn Như Phong. Nhà văn Hoài An là con rể cụ Nguyễn Tử Siêu và là thân sinh nhà văn Nguyễn Như Phong. Nhà văn Nguyễn Thiên Lương là con trai cụ Nguyễn Tử Siêu và là em ruột thân mẫu nhà văn Nguyễn Như Phong.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Như Phong (trái).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Như Phong (trái).

Phát biểu tại sự kiện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam cho hay: "Tôi thấy vui khi nhìn thấy tuyển tập của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong, cảm ơn những cây bút trong gia đình nhỏ bé ven sông Đáy đã luôn gìn giữ, tiếp nối việc viết lách. Cá nhân tôi từng hoang mang vì bạn đọc giờ rất ít đọc sách, nhưng ở buổi ra mắt này, rất đông bạn bè, độc giả đã có mặt vì yên mến thì sự hoang mang, sợ hãi của tôi là sự lo xa quá.

Tôi đã từng đến những vùng đất còn tiếng súng, còn tiếng khóc của trẻ thơ vì khát sữa mẹ, vì đói, nhưng ở đó thơ ca vẫn ra đời. Thơ ca không làm ra lúa gạo nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng, văn chương cũng như vậy. Không làm ra vật chất, đồng tiền, nhưng nó làm ra giấc mơ cho con người...".

Từng có thời gian làm việc cùng nhà văn Nguyễn Như Phong, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - Nguyên Thứ trưởng bộ Công An chia sẻ: "Hôm nay có nhiều người bạn gắn bó với nhà văn Nguyễn Như Phong đến ủng hộ bạn mình, tôi thấy rất xúc động. Sự đóng góp của gia đình cụ Nguyễn Tử Siêu rất đáng trân trọng, họ đã đóng góp rất lớn vào nền văn học của Việt Nam. Với tư cách là một người đồng nghiệp, thủ trưởng và bạn đồng hành với nhà văn Nguyễn Như Phong, tôi thấy Nguyễn Như Phong là một người sôi nổi, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu. Ngày cùng làm với nhau, anh Như Phong giúp cho tôi rất nhiều về công việc. Cách sống của anh ấy rất đáng trân trọng. Cảm ơn hội Nhà văn đã giúp đỡ anh Như Phong và gia đình nhà văn có một tuyển tập có ý nghĩa".

Toàn cảnh lễ ra mắt tuyển tập của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong.

Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước từng có nhiều năm làm việc bên nhau, kể về kỷ niệm khi làm chung với nhà văn Nguyễn Như Phong: "Tôi rất bất ngờ khi anh Nguyễn Như Phong nói về chuyện hội Nhà văn và chi Hội nhà văn Công An tổ chức buổi ra mắt sách này. Bất ngờ lớn nhất là khi anh Phong mang đến cho tôi 1,5m sách của cụ Nguyễn Tử Siêu, của ông Hoài An, của ông Nguyễn Thiên Lương, và của anh ấy để đọc trước tham khảo. Tôi và anh ấy nhiều năm làm việc bên nhau nên cũng có nhiều ký ức đẹp và cũng dữ dội. Thử thách đầu tiên là anh ấy đi biên giới, khi đó tôi chỉ có một cái đồng hồ Senko, tôi tháo ra đưa cho anh Nguyễn Như Phong và nói: "Lên đấy bán và tiêu hết số tiền này thì hãy về". Qua những lần thử thách như vậy, thì các công việc vất vả, cần người làm việc tốt, tôi đều cử anh Phong đi.

Chúng tôi từng làm tờ An ninh Thế giới tuần, và vai trò của anh Phong là rất quan trọng. Ở Báo, những bài đinh tôi thường giao cho anh Phong làm. Có những số báo, sau khi anh ấy viết xong phóng sự, tôi cho đăng 2 trang báo, tôi báo ngay cho phòng Trị sự tăng số lượng báo từ 10 vạn lên 30 vạn bản. Nhiều người mắt tròn mắt dẹt không hiểu báo có bán được không, nhưng hầu hết là báo bán rất chạy, vì độc giải thích đọc phóng sự của Nguyễn Như Phong. Tôi đã ngồi trên vai những người hùng để làm báo như vậy.

Ông ngoại anh ấy là Nguyễn Tử Siêu - là người viết sử rất hay, là người nghiên cứu vĩ đại. Chú Nguyễn Thiên Lương là một người viết về thú rừng cũng rất đặc biệt, tôi cũng phải học hỏi nhiều. Còn về chú Hoài An là bố của Nguyễn Như Phong, không tác phẩm nào của chú mà tôi không đọc, bút ký về Tây Bắc, phóng sự văn học của chú rất hay. Hồi trẻ, chúng tôi thường ngấu nghiến đọc, truyền tay nhau đọc".

Nhà văn Nguyễn Như Phong kể nhiều kỷ niệm của gia đình mình.

Nhà văn Nguyễn Như Phong xúc động vả cảm ơn tình cảm của những nhà văn, những người bạn, thủ trưởng dành cho gia đình mình tại lễ ra mắt sách.

"Tôi cảm ơn những tình cảm của mọi người dành cho gia đình mình. Tôi bước vào văn chương như 1 sự tự nhiên, khi còn thanh niên tôi không có định viết văn viết báo mà tôi có ý định đi... lái xe. Khi đi bộ đội thì tôi làm lính văn công, tự nhiên viết được truyện ngắn, rồi viết báo như một duyên trời định, hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào. Ngày xưa khi làm phim ở VTV, đạo diễn Huy Thành còn bảo tôi "cháu có khiếu làm phim đấy, đi học đạo diễn đi", tôi lại phải sang nhà chú họa sĩ Thành Chương để học, đang học dở phải đi bộ đội nên lại thôi..." - Nhà văn Nguyễn Như Phong tâm sự.

"Mặc dù có bố là nhà văn nhưng khi nhìn thấy bản thảo của tôi, ông bảo đồng nghiệp "thử đọc xem Phong có viết được không, không thì bảo nó bỏ nghề, làm nghề khác thôi", bố tôi thường bảo "con lúc nào cũng phải coi mình dốt hơn thiên hạ thì mới cố gắng được. Con hãy cố gắng viết, trong 10 bài không hay kiểu gì cũng có bài đọc được". Ngày xưa ở báo Công an Nhân dân, có những năm tôi đi công tác liền 3 tháng, về nhà con không nhận ra bố, việc ở nhà là vợ lo hết. Nhưng cái nghề vận vào mình rồi nên đam mê không bỏ được.

Ông ngoại Nguyễn Tử Siêu chính là người dạy tôi đọc sách. Tôi đi học về thường qua nhà ông, ông kiểm tra sách tôi học hàng ngày. Ông dạy tôi cách đọc sách chéo từ trên xuống nên có trang sách chỉ đọc 15 giây là xong nhưng không phải kiểu nhanh nhẩu đoảng mà cái nào cần thì nhớ, không thì thôi. Ông ngoại tôi là người đặt nền móng, truyền cảm hứng cho bố tôi viết văn, viết báo. Bố tôi là người truyền cảm hứng cho cậu Nguyễn Thiên Lương viết văn. Người dạy tôi viết nhiều nhất là chú Phạm Tiến Duật...Cứ như thế, sự nối tiếp các thế hệ viết sách nhà tôi là như vậy".

Đinh Lạc Thành

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nha-van-nguyen-nhu-phong-thoi-tre-toi-co-uoc-mo-lam-lai-xe-a511547.html