Nhà văn Nguyễn Phan Hách, người dệt khăn quàng tơ sen

Cuốn sách 'Khăn quàng tơ sen' của Nguyễn Phan Hách (NXB Dân trí) 2017 gồm 59 tản văn và truyện mini. Đó là 59 lát cắt, 59 tiếng thở sâu trong hành trình một người thơ kể chuyện tình thơ.

Nguyễn Phan Hách đến với văn chương rất sớm. Ông có truyện ngắn đầu tiên được in trên báo Văn nghệ năm 1958 khi còn đang học lớp 5. Khi đã có thành tựu thơ ca, ông vẫn viết truyện, tiểu thuyết, ký sự,… Mặc dù tung tẩy trong nhiều thể loại, nhưng những trang viết của Nguyễn Phan Hách vẫn luôn hiển hiện bóng dáng một thi sĩ. Thi sĩ trong văn phong, trongbố cục truyện, trong cách suy cảm... Và dĩ nhiên, “Khăn quàng tơ sen” của ông không nằm ngoài văn mạch ấy.

Đọc Nguyễn Phan Hách, tôi nhận ra ông có đa dạng phong cách biểu đạt. Nếu trong thơ, ông là chàng lãng tử đa tình chằm bặp, chân thànhquấn quyện, thì trong văn xuôi, ông là người đàn ông mạnh mẽ, trầm tĩnh, đôi khi cố tình tiết chế đến kín nhẹm. Ấy vậy mà đọc Nguyễn Phan Hách, dù chỉ một vài trang sách, ta vẫn dễ nhận ra chất lãng tử đa tình của ông, dẫu như đã cố tình nén lại. Nhưngkhi không thể cầm nén được nữa, cái khí chất kia đành/ phải vỡ òa, thơm ngọt như quả chín trên đầu lưỡi. Xin trích vài đoạn văn chan chứa cảm xúc “ầng ậng thương yêu” trong truyện ngắn “Bạch đàn xào xạc” của ông:

"Tôi với Tũn chuyên quét lá về đun. Nấu cơm bằng lá bạch đàn thích lắm. Lửa nổ lép bép, mùi thơm ngào ngạt. Khói bếp ngập tràn mùi hương, đọng lại trong tro tàn." Câu cuối trong đoạn văn này thực sự là một câu thơ hay, nó mạnh đến mức biến không thành có, biến lạnh lẽo thành ấm áp…“mùi hương, đọng lại trong tro tàn” thì thật sự tài hoa và quý hiếm.

Và đây nữa, vẫn truyện tôi vừa nhắc, ông mới viết năm 2017 mà vẫn căng tràn sinh/ bút lực: “Không hiểu bọn chim kết bạn tình như thế nào. Chỉ biết con trống ở đồi bên này, khi cất tiếng hót gọi, thì con mái bạn tình ở đồi bên kia, phải nhận ra đúng giọng người yêu, vừa chạy vừa bay xập xòe băng đến”.

Vẫn khí chất ấy, nhà văn từng viết truyện ngắn “Bức ảnh” năm 2014. Đoạn văn sau nói về thế giới loài chim với đầy bản năng và luyến ái hấp dẫn: “Tiếng chim đan như mắt võng úp chụp cả một vùng. Đó là tiếng gọi tìm bạn tình. Cả dãy đồi hàng nghìn con chim hót. Con đực cất lên, con mái ở xa đáp lại. Lọc trong rừng âm thanh, chúng nghe đúng tiếng hót mà chúng phải lòng, định hướng phía đó, tiến lại gần nhau, kết đôi”.

Những câu chuyện, tản văn trong “Khăn quàng tơ sen” thường ngắn, rất ngắn, đa phần không quá 1000 chữ, có truyện chưa đầy 500 chữ. Nhưng mỗi truyện của Nguyễn Phan Hách thường tỏa nhiệt mạnh và có sức lôi cuốn. “Khăn quàng tơ sen” là cuốn sách cuối cùng được ấn hành lúc tác giả còn sinh thời, và với ông, in ra để người thân và bạn bè đọc chơi, đọc vồi vội lúc chờ cố nhân đến, lúc giải lao giữa hai hiệp bóng đá… Hình như ông cố ý buông lỏng như vậy, không muốn nhốt bạn đọc trong ma trận chữ. Với ý đồ tối giản bố cục và số lượng chữ, nhà văn như chủ ý chỉ chế tạo ra những loại vũ khí hạng nhẹ gây sát thương nhanh, nhưng sức công phá của nó không kém những vũ khí khác. Đọc những truyện mini của ông mà ngỡ như vấp phải quả mìn không có dây cháy chậm, chạm là nổ.

Truyện “Con tàu một hành khách” chưa đầy 400 chữ, kể về ngôi làng nhỏ heo hút ở chân núi của nước Nhật. Tuy vậy, nhưng công cuộc công nghiệp hóa ở đó vẫn không quên xây dựng cho làng một ga xép, gọi là ga cuối cùng. Rồi sau đấy mấy năm, trên những chuyến tàu đi về chỉ còn duy nhất một hành khách là em bé Nakira 15 tuổi đi học trung học phổ thông dưới thị trấn. Và đây là đoạn văn kể khi bé Nakira học xong trung học: “Hôm con tàu và em bé chia tay, nó hú một hồi còi thổn thức. Còn em bé ve vuốt khắp lượt con tàu, người bạn một thời trung học…”.

Truyện của Nguyễn Phan Hách thường nhẹ nhàng thơ mộng, tựa tiếng thở nhẹ, gần gũi và chân thành. “Khăn quàng tơ sen” là tên một truyện cực ngắn được lấy làm tiêu đề cho cuốn sách. Những đoạn văn trong đó đẹp và thổn thức như một bức thư của chàng trai si mê, thủy chung gửi cho bạn tình ở xa: “Anh rút tơ Sen từ ngàn cây Sen, nối lại, được một cuộn tơ. Rồi anh đan dệt nó thành chiếc khăn quàng. Chiếc khăn trắng muốt, nhẹ tênh, như mạng nhện, thơm nức hồn quê.”.

Thi sĩ Nguyễn Phan Hách được sinh ra và lớn lên ở Kinh bắc, nơi khai mở nền văn minh Đại Việt. Ai đã từng đến đây dù chỉ một lần đều cảm nhận từ mỗi con đường, bến sông, đến ngọn cỏ lá cây luôn thấm đẫm bản sắc văn hóa và lịch sử vùng đất. Trong tản văn “Đường làng”, Nguyễn Phan Hách đã lưu giữ trọn vẹn tình quê hồn quê trong tinh thần văn hóa ấy. Nhưng trong đoạn văn này cho thấy, cái hồn quê kia được đẩy xa dần trong sự luyến tiếc, vợi buồn của ông:“Con đường làng như có tâm hồn. Nó gợi tả một cái gì đó về cuộc đời. Gợi tả cụ thể gì, không biết. Chỉ biết nhìn nó vắng hoe, chạy lang thang trong nắng trưa hè, thấy buồn buồn. Thấy mặt đất này cô đơn”.

Cuốn sách “Khăn quàng tơ sen” có nhiều truyện cảm động về quê hương, những kỷ niệm trong veo đầu đời, ngọt ngào và đáng yêu vô cùng. Đây là kỷ niệm của ông khi còn là “cậu bé choai choai”: “Tôi run run lấy khăn mặt bông thấm lên người cô nhè nhẹ. Thấm ướt hết chiếc khăn này sang chiếc khăn khác, và người tôi lẩy bẩy đứng không vững nữa” (Ướt áo).

Hình ảnh cánh võng cũng hiện lên trong tác phẩm của Nguyễn Phan Hách vừa thân thuộc và lãng mạn: “Võng cho tôi ngọn gió, cho tôi bồng bềnh giữa không gian. Cho tôi suốt đời, sống mãi cảm giác dịu êm trong vòng tay mẹ…” (Cánh võng). Hay, trong truyện “Thắp lửa”, tác giả viết về những năm tháng chiến tranh, dầu đèn không có, người dân quê ông phải ủ lửa trong những “con cúi” bằng rơm. Đến khi “đời sáng sủa. Cũng đâu dám quên ơn ngọn đèn”.

Bên cạnh những câu chuyện cảm động, chân thành, tác giả của “Khăn quàng tơ sen” còn có những tản văn phóng dật, vạm vỡ, thể hiện khí chất mạnh mẽ, ngang tàng của ông. Trong tản văn “Chim nhạn biển” ông viết: “Nhạn biển há mỏ nhận con tép đầu tiên trong đời mà mẹ mớm cho. Tép mang vị mặn, mang sức biển truyền cho nó, con nhạn lớn nhanh như thổi. Một ngày kia nó đã một mình đứng bên bờ biển ào ạt sóng gió nhìn trời xa xăm. Trời biển mênh mông không bờ, đôi cánh nó rậm rật đầy sức sống. Và đôi cánh lần đầu tiên trong đời xòe ra, đón ngọn gió đầu tiên, lao vút lên không trung.”.

Nghệ thuật viết truyện theo phong cách hiện thực huyền ảo cũng được Nguyễn Phan Hách áp dụng trong tập sách này. Hình ảnh cô gái bước lên từ đầm sen, ướt dẫm, quần áo lụa trắng dính sát cơ thể lồ lộ trong truyện “Cô gái đầm sen”; hay, con mèo trắng như tuyết biến thành một cô gái xinh đẹp “mắt xanh biếc buồn buồn, nhìn xuyên màn đêm” trong truyện “Con mèo”, phải chăng là biểu tượng, là hiện thân giấc mơ thi sĩ của ông. Đó là giấc mơ phục dựng và tín niệm về cái đẹp mà ông hằng khao khát, ấp ủ. Với cách viết pha trộn tâm linh và huyền thoại, hiện thực và truyền thuyết đã giúp Nguyễn Phan Hách đưa giấc mơ của mình đi xa hơn trong truyện ngắn cổ trang “Làng cung nữ”. Ở đây, tác giả đã hóa thân thành chàng Đan Liêu đánh cá bên Hồ Tây gặp được nàng Hương Ngân giặt áo, “tiếng vỗ lụa vang trên mặt hồ”. Tác giả đã cho hai người đến được với nhau khi nghe tin “Vua đã mất ngai”. Kết thúc truyện, Hương Ngân bước xuống thuyền. “Con thuyền nhẹ tênh lướt sóng lao đi.”

Cuốn sách “Khăn quàng tơ sen” gồm 250 trang, gọn xinh và ý nghĩa như vật kỷ niệm. Tôi được nhà thơ Nguyễn Phan Hách trao tặng cách đây không lâu, lúc đến thăm khi sức khỏe ông đã yếu. Trên cổ tay người dệt “Khăn quàng tơ sen” khi ấy đang dán miếng băng dính để cố định chiếc kim truyền dịch. Bàn tay bất động. Ông vẫn luôn tươi cười và nói chuyện bằng ánh mắt. Đôi lúc ông nhớ lại một câu chuyện nào đó giàu cảm xúc và muốn kể cho tường tận, đôi mắt ấy lại sáng rực lên nhìn về phía tôi. Rồi ông nói dõng dạc, đầy hào khí như quên đi ông đang làm gì và ở đâu.

Tôi vừa được tin ông đã ra đi vĩnh viễn, buồn vô cùng! Đời người ngắn ngủi và mong manh quá. Đêm nay tôi mở “Khăn quàng tơ sen” của ông ra xem, chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Du “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Một vài trong nhiều “tinh anh” của ông đang gói trong “Khăn quàng tơ sen” này. Những hình ảnh, câu chuyện mà Nguyễn Phan Hách kể trong “Bạch đàn xào xạc”, “Bức ảnh”, “Con tàu một hành khách”, “Chim én”, “Làng cung nữ”… làm tôi nhớ lại đôi mắt sáng rực của ông bất chợt nhìn tôi hôm nào.

Cuốn sách chỉ là một phần bóng dáng thi sỹ Nguyễn Phan Hách. Như đã nói, đọc “Khăn quàng tơ sen” để lắng nghe nhà thơ kể chuyện tình thơ. Tôi đã thuộc lòng bài thơ “Làng quan họ” và “Hoa sữa” của ôngkhi còn trên ghế nhà trường. Rất tiếc trong tay tôi lúc này không có trọn vẹn tập thơ nào của nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Ngày mai nhất định tôi sẽ tìm đọc thơ ông một cách hệ thống.

Xin cầu nguyện để hương linh ông sớm được siêu sinh Tịnh-Độ.

Xin cúi đầu bái biệt ông!

Hải Phòng, 22/4/2019 - M.V.P

Mai Văn Phấn |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-van-nguyen-phan-hach-nguoi-det-khan-quang-to-sen-68930