Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi thấy bất nhẫn khi ăn thịt chó

'Hà Nội cấm thịt chó? Tôi ủng hộ vì lý do hòa nhập. Buôn bán không tấp nập nữa, nạn đạo tặc chó không còn nữa', nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Mấy ngày nay, trên khắp các diễn đàn đang bàn tán xôn xao về vấn đề TP Hà Nội khuyến khích người dân không ăn thịt chó và dự kiến cấm kinh doanh thịt chó khu vực nội thành. Trước những ý kiến trái chiều và đồng tình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã có những chia sẻ cởi mở về vấn đề này.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

“Tôi xưa vốn hay ăn thịt chó. Những ngày bao cấp, mỗi khi anh cả có lương, ông anh tôi thường mụa về một gói thịt chó. Bao cấp, đói và thiếu đạm khiến bữa ăn là sự mong chờ, niềm sung sướng...

Thời ấy, Xuân Diệu hay bồi dưỡng phần xác cho sinh khí thơ bằng thịt chó. Đi ăn về, ông không quên gói ghém dăm miếng dành cho Huy Cận. Chuyện này văn sĩ nhiều người biết!

Trong chiến tranh, ngày ở Lào và Trường Sơn, cũng vì đói quá không có thịt bồi dưỡng, nên tụi tôi coi thịt chó là liều thuốc mạnh nhất để sức trẻ kiệt quệ vì sốt rét chén chó mà hồi phục.

Nói về truyền thống, ai nói nó không phải là đặc sản thì buồn cười quá. Đặc sản là món ăn chế biến mang lại hương vị đặc biệt, khác nhiều cách chế biến khác. Món rựa mận từ chó chả để bao món thịt khác học làm món Giả Cầy đấy ư? Nói như văn chương "Phong cách là văn phong của ai đó có sức ảnh hưởng đến một bộ phận viết nào đó". Đặc sản cũng tựa như phong cách.

Xem đi, có món ăn nào được người Việt chế biến dữ dội và đậm đà, ám ảnh như thịt chó?

“Theo tôi không nên cấm đoán bán hay ăn thịt chó. Mà chỉ nên đưa ra khuyến cáo người dân mà thôi. Chính quyền có thể khuyến cáo rằng, con chó cũng là con vật thông minh, thân thiết giữ nhà của người Việt. Nên yêu thương và không nên giết thịt. Tôi nhớ cách đây hơn chục năm, dọc đường Quảng Bá, Yên Phụ là những hàng bán thịt chó san sát và người đến ăn tấp nập. Nhưng giờ đây hai con phố đó nhà hang bán thịt chó chỉ còn lại một, đến hai hàng. Vậy là đến một lúc nào đó, tự động mọi người không ăn, nhà hàng phải tự đóng cửa đâu cần chính quyền phải cấm" - Nhạc sĩ Thụy Kha nói.

Nhưng chính vì sự đặc biệt nào đó mà nhà Phật cấm thịt chó? Tôi có trải nghiệm khủng khiếp trong năm 1972 khi vây Khung Se Don. Tôi bị sốt rét nặng, từ gần 60 cân hơi, rất cơ bắp, chỉ sau hai tuần tụt hết thịt cơ, người chỉ là bộ xương. Lá lách sa xuống số 4, sờ bên phải thấy rõ bờ gan cứng. Mỗi khi pháo địch bắn, tôi lăn xuống cái hầm đầy nước, ngóc cổ lên và toàn mê sảng thấy có hai người cầm gươm đến bắt.

Rồi tôi ngửi thấy một cái mùi rất khủng khiếp. Ngóc cổ lên thấy anh em đang nấu thịt chó. Chúng nó bắt được một con chó lạc và đào giềng rừng kho nấu. Trời ơi, cái mùi kinh khủng hơn cả mùi xác chết thối rữa.

Tôi cam đoan rằng, ai đang ốm nặng hoặc sắp chết đều ghê tởm mùi thịt chó. Các bạn ốm hãy thử đi. Tôi cố sức tháo quả lựu đạn Mỹ, cắn răng rút chốt và ra hiệu vẫy vẫy thằng Long Hàng Chai Lại. Nói thều thào: " Mày bê ngay cái nồi ra xa, còn không, tao sẽ thả tay cho chết hết!" Nói rồi tôi cố giơ quả tạc đạn ra. Nó hoảng hốt nắm chặt quả lựu đạn trong tay tôi và bắt anh em mang nồi chó đang nấu dở ra tít xa.

Thực ra, về bản chất sống trên đời tôi dần ý thức rằng, chó là loài vật tử tế nhất trong các loài vật không nên giết chúng và đôi khi tôi phải chén chúng vì cái quy luật chung của tạo hóa thôi.

Hơn nữa, từ ngày tôi nuôi chó lại ở Việt Nam, tôi thấy thực bất nhẫn khi ăn thịt chó. Mình có một thằng bạn tận tụy hết lòng, đêm đêm thức cho tôi an giấc, nay sao tôi nỡ lại ăn thịt bạn bè của nó, nên nhìn thịt chó là tôi thấy ghê ghê. Ăn uống là cảm giác. Cảm giác tồi tệ thì nên từ bỏ món ăn ấy. Có vậy nên tôi bấy nay quyết từ chối món chó. Chứ chả bao hàm đạo đức chung gì cả. Vì tôi thì không đói nhưng hàng triệu triệu đồng bào tôi còn đói, còn thiếu dưỡng chất!

Hà Nội cấm thịt chó? Tôi ủng hộ vì lý do hòa nhập. Buôn bán không tấp nập nữa nạn đạo tặc chó không còn nữa. Còn món ăn ấy vẫn sẽ diễn ra ở nông thôn thôi. Sao mà từ bỏ được một món đặc sản khi mưa rơi dầm dề, lạnh cắt thit, khách khứa cả mấy thằng đồng đội đến nhà, chả có gì ăn ngoài chó là thứ đưa rượu tốt nhất mà lại hợp túi tiền kẻ quê mùa.

Tôi vẫn có con Hans bạn tôi ở nhà, buồn vui chia sẻ. từng làm thơ vì nó... Ôi thương nó lắm vì đơn giản là tôi đã bao lần yêu rồi mà nó cả đời, tận đến hôm nay chỉ quanh quẩn bên tôi".

Thanh Hà (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/nha-van-nguyen-van-tho-toi-thay-bat-nhan-khi-an-thit-cho-913052.html