Nhà văn/ Nhà thơ Nguyễn Anh Vũ: Nghề giáo là ngọn lửa truyền cảm hứng yêu đời...

Nguyễn Anh Vũ là một nhà văn, nhà thơ và đồng thời cũng là họa sĩ, nhà thiết kế. Các tác phẩm thơ hay truyện ngắn của anh đều mang vẻ u hoài, cô đơn ẩn chứa sự bùng nổ mãnh liệt. Anh chia sẻ kỷ niệm bản thân với thầy cô giáo, và những suy tư về nghề giáo.

1. “Kỷ niệm với thầy cô giáo cũ, tôi nhớ rõ nét nhất là kỳ thi Học sinh giỏi văn cấp thành phố. Đề thi dành cho học sinh lớp 4: “Nhân dịp ngày kỷ niệm 10/10, em hãy tưởng tượng và tả lại cảnh các chiến sĩ tiến vào giải phóng Thủ Đô”.

Khi ấy gần đến hạn nộp danh sách, trường mới giao cho cô giáo chủ nhiệm, trưởng khối 4 chọn học sinh đi thi cả văn lẫn toán. Trong số học sinh ấy, tôi “rơi” vào diện lưỡng lự cả hai. Rồi cô có quyết định hết sức sai lầm, cho tôi thi văn vì toán thì đầy người cũng giỏi như vậy. Nhẽ ra cũng không nhớ gì về kỷ niệm này nếu như không có việc sau kỳ thi nhà trường gửi giấy mời phụ huynh đến và bà ngoại thay bố mẹ đi họp về thở dài, dặn, có ai hỏi thì trả lời lúc đó tưởng tượng sai lầm. Bà bảo trường bị Sở Giáo dục khiển trách vì không quán triệt lý tưởng học sinh để nó tả các chú bộ đội về giải phóng Thủ Đô gì mà đen bẩn thỉu gày gò vì đói ăn và sốt rét rừng. Thằng bé trợn mắt lên cái cháu tưởng tượng đúng thế mà.

Nhẽ ra với tuổi thơ đầy trò ném bơ đánh khăng búng chun cũng sẽ quên ngay nếu lên lớp 5 thầy chủ nhiệm mới không thỉnh thoảng mang các chú bộ đội đen bẩn gầy gò sốt rét ra nói trước lớp. Lúc ấy đã lờ mờ thấy món văn là thứ hay ho nhưng đáng sợ.

Tôi muốn kể thêm về cô chủ nhiệm lớp 4. Cô tên Phụng, nhà ở phố Phùng Hưng, tóc uốn phi-dê điệu nhất trường, có thằng con trai tên là Hùng, bằng tuổi tôi, học trường nào đó không nhớ tên, chỉ biết rất oách. Thỉnh thoảng bọn lớp kéo nhau đến cô chơi, im thin thít ngồi nghe nó chơi piano. Nó hỏi cô giờ này có tàu chạy không, vì trước nhà có đường tàu hỏa. Cô lắc đầu, nó mở đàn lên. Mắt nó lim dim tóc nó cũng xoăn xoăn xõa xuống trán, “Tây” kinh khủng. Cô ngồi khoác tay chồng, vẻ mặt tao nhã. Xong, cô chỉ đĩa bánh vừng vòng kêu cả lũ ăn đi ăn đi. Vui cực!

Và tôi rất nhớ lễ chia tay tiễn thầy dạy thể dục lên đường đi bộ đội. Giữa những năm 80, chiến tranh Biên giới với Trung Quốc vẫn còn căng thẳng nhưng vẫn âm thầm diễn ra. Trường PTCS của tôi có 3 thầy đi bộ đội. Học sinh cả trường đồng ca hát: “Ngày mai thầy lên đường/ đi làm anh bộ đội/ tạm biệt mái trường xinh/ để lên miền biên giới…”. Học trò khóc, các cô giáo khóc, các thầy ấy cũng khóc…”

2. “Những thầy cô có ảnh hưởng tới tôi trên con đường văn chương, còn nhớ, lúc mới vào lớp 10, cô Vân, cô giáo dạy văn mở luôn bài đọc thêm của lớp 12 ra đọc và bình thơ tình Xuân Diệu, làm những “tâm hồn bằng ngọc” bọn tôi rung rinh rạng rỡ trước một bầu trời thi ca tuyệt đẹp. Và tôi cũng như bọn cùng lớp rất yêu và chờ đợi giờ văn của cô. Cô luôn kể những câu chuyện hay và đẹp trong các tác phẩm văn học và đọc những bài thơ hay, và tất cả đều ngoài chương trình học. Cô làm những kiến thức khô cứng của giáo trình trở nên có nhiều liên tưởng mềm mại và dễ tiếp thu hơn.

Nhưng thật ra, người đầu tiên làm tôi yêu thích văn chương thi ca lại là bà ngoại.

Tôi nghĩ rằng tư tưởng của một con người nói chung đều hình thành từ nhỏ. Thuở bé gia đình tôi ở cùng bà ngoại. Bà ngoại là con gái đầu lòng trong nhà dòng dõi ở Thái Bình, cụ tổ từ quan về mở trường mấy đời dạy học. Bà thuộc rất nhiều thơ hay, vốn kiến thức lịch sử và văn hóa rất lớn. Bà kể một chuyện lịch sử thì luôn kể kèm nhiều “nhưng sách này thì lại nói… cụ nọ lại kể rằng…” hấp dẫn và đa chiều vô cùng. Bà hát Chèo tuyệt hay và say Chèo điếu đổ, hồi con gái tí nữa thì bỏ nhà theo gánh Chèo. Bà kể bà thích vào vai Châu Long trong Lưu Bình - Dương Lễ. Đấy, vấn tóc trần, áo cánh phin-nõn trắng, quần lĩnh đen nhánh như cô Duyên “Bao giờ cho đến tháng Mười” ấy.

Tôi lên cấp 2 thì bà ngoại mất. Không nhớ lớp 7 hay lớp 8 học Kiều của Nguyễn Du, cô giáo bảo ai thuộc mấy câu Kiều nào không? Tôi thấy hình như mình thuộc, đứng dậy đọc liền mấy trang. “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua mội cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…” tự nhiên nước mắt cứ chảy ra, lã chã. Cả lớp lẫn cô giáo cũng khóc theo. Chắc xúc động bởi Kiều chứ đâu biết lòng tôi đang nhớ bà ngoại, nhớ vô cùng. Bà đã ru tôi lớn lên bằng Kiều, bằng những điệu Chèo, bằng những pho sử lồng lộng đa màu đến thế.

Có lẽ nhờ có bà nên tôi hình thành những cách nghĩ luôn luôn đa chiều và dần dần hình thành nên tư tưởng của tác phẩm về sau”.

3. “Tôi không có ý truyền tải tư tưởng trong tác phẩm của mình. Tôi viết về các vấn đề trong lịch sử cũng như trong xã hội hiện đại. Tự thân tư tưởng sẽ hiện lên khi độc giả cảm nhận tác phẩm của mình. Và nhờ đó tư tưởng sẽ có màu sắc đa dạng hơn.

Tôi đã từng tranh luận với nhiều anh em văn nghệ sĩ về đề tài “Chức năng chủ đạo của nghệ thuật là giáo dục”. Tôi thì không mấy tán đồng về quan điểm này. Chả ai mở một cuốn tiểu thuyết ra, nghe một bản nhạc, đến rạp xem kịch nói… mà mục đích lại để được ai đó dạy dỗ điều gì. Tính giáo dục trong một tác phẩm nghệ thuật chỉ có khi đó là một sản phẩm tốt, tức là nó phải Hay, phải Đẹp, phải Hướng Thiện. Một chuyện tình đẹp, một chuyện xã hội đầy rẫy cái ác và vô luân… mà làm người đọc (xem, nghe) muốn yêu hơn, muốn sống tử tế hơn vậy là giáo dục chứ gì?

Với tôi, “Làm tròn trách nhiệm” là yêu cầu cho một người lao động bình thường. Với một thầy giáo hay nghề giáo thì lớn hơn nhiều.

Nghề giáo, điều gì quan trọng nhất? Là ngọn lửa truyền cảm hứng yêu đời, khao khát khám phá tri thức và hoàn thiện bản thân của thầy trao cho học trò. Tôi vẫn mơ những lớp học, trường học ở Việt Nam ta là những lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc tràn ngập nụ cười và năng lượng tích cực. Thầy và trò là những người bạn, không ai dạy dỗ ban phát cho ai cả. Khởi động một tiết học với niềm háo hức chứ không phải hủy diệt cảm hứng giờ học bằng không khí căng thẳng kiểm tra bài cũ. Trẻ có quyền sai, sai thì cùng nhau sửa một cách tích cực. Và Nghề giáo cũng như các thầy cô giáo chúng ta cần phải thay đổi rất nhiều”.

Quỳnh Trang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-van-nha-tho-nguyen-anh-vu-nghe-giao-la-ngon-luatruyen-cam-hung-yeu-doi-tintuc424663