Nhà văn Phạm Hoa - ngòi bút truyện ngắn điêu luyện

Nhà văn, Đại tá Phạm Hoa (1952-2021) thọ bảy mươi tuổi, cũng thuộc lớp người 'nhân sinh thất thập cổ lai hy', theo cách nói của tiền nhân.

Ông đã sống rộng dài theo nghĩa tận hiến cho cuộc đời từ lúc tóc còn xanh, 18 tuổi đã khoác bộ quân phục người lính Cụ Hồ. Trước ngày hòa nhập vào cõi thiên thu, ông dường như vẫn còn đau đáu về dự án Công viên Đồi hoa trắng ở tận Quảng Bình xa xôi, trên đường Trường Sơn năm xưa để tưởng nhớ hai vạn liệt sĩ bộ đội và thanh niên xung phong đã ngã xuống vì con đường huyền thoại, vì chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Năm 1979, Phạm Hoa được quân đội cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa I (1979-1982). Tốt nghiệp ngôi trường mang tên Đại thi hào dân tộc, Phạm Hoa vẫn là người mặc quân phục cho đến khi nghỉ hưu, tinh thần vẫn giữ nguyên tráng khí của một người đam mê chữ nghĩa; ông từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, khóa IX; Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn. Tôi quan tâm và quý trọng nhà văn Phạm Hoa với tư cách một cây bút có nhiều đóng góp kê cao nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại. Năm tập truyện ngắn của nhà văn Phạm Hoa: "Ngày không bình thường", "Đừng quên mùa hoa săng lẻ", "Mỗi thời của họ", "Đùa của tạo hóa", "Truyện ngắn Phạm Hoa" và một tập in chung "Tiếng chim", đủ cơ sở thực tiễn để ghi tên nhà văn vào lịch sử một thể loại vốn được coi là đặc trưng của văn chương Việt Nam thời hiện đại. Cũng cần phải nói thêm, ngoài truyện ngắn như là sở trường, nhà văn Phạm Hoa đã xuất bản 2 tiểu thuyết ("Miền xa thẳm", "Nhốt con chim bắt cô") và 1 tập ký ("Thuyền lên Thạch Hãn"). Một đời văn như thế, nếu tính về số lượng đầu sách, chưa phải “hoành tráng”, song lại phù hợp với quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong sáng tạo nghệ thuật, vốn rất khắt khe và sòng phẳng không chừa ai.

Trong tuyển tập "Văn thế hệ nhà văn chống Mỹ, cứu nước" (2 tập, tập I, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014), nhà văn Phạm Hoa đứng chân một truyện ngắn rất đặc trưng cho cá tính sáng tạo của ông giai đoạn đầu-"Em là cô thanh niên xung phong". Ngày đó, trong chiến tranh, bộ đội (nhất là bộ đội lái xe Trường Sơn như Phạm Hoa) và thanh niên xung phong có mối thân tình đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì họ sẵn sàng chia lửa cho nhau ở trận tiền mà còn vì một cái gì đó sâu xa hơn, theo cách diễn đạt của nhà văn, những cuộc gặp gỡ chốc lát, bất ngờ trên con đường chiến tranh có thể mãi mãi là một kỷ niệm đẹp, hơn thế, có thể trở thành một ký ức lương thiện, cũng vì “Chúng tôi như những con chim nay đây mai đó”. Cánh chim thường gắn với bầu trời. Nhân vật văn chương của nhà văn Phạm Hoa thời kỳ đầu sáng tác là những con người giàu mộng mơ, hoài bão, dấn thân vì lý tưởng cao đẹp. Đọc truyện ngắn này của nhà văn Phạm Hoa, nhiều người có sự liên tưởng thú vị đến bài thơ "Gửi em cô thanh niên xung phong" của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đúng như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết về bạn văn của mình: “Văn anh sáng, luôn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, chiến tranh hay hòa bình đều thế. Sáng và đẹp”.

Quan sát thế hệ nhà văn như Phạm Hoa-những nhà văn mặc áo lính, một cách diễn đạt hình tượng-sẽ thấy họ viết gì cuối cùng cũng không ra khỏi “phên giậu” của chiến tranh, với họ, chiến tranh dường như chưa kết thúc. Nhiều người đồng thuận trong một nhận xét, "Em là cô thanh niên xung phong" (viết 1978) là cái mốc khởi đầu định hình tên tuổi Phạm Hoa trong làng văn. Theo lối nghĩ thông thường, Phạm Hoa sẽ là tác giả của những truyện ngắn đẹp theo lối cổ điển kiểu như "Ngày không bình thường". Phải chờ đến khi "Đùa của tạo hóa" đoạt giải ba Cuộc thi truyện ngắn năm 1991 của Tuần báo Văn nghệ, thì người đọc mới thấy một “cú nhảy đứng” của cây bút truyện ngắn Phạm Hoa. Bắt đầu từ đây, Phạm Hoa vẫn trung thành với xác tín phụng thờ cái đẹp, cái tốt, cái thật như nhà văn từng chia sẻ: “Trong suy nghĩ, có thể mình như mọi loại người. Có thể tưởng tượng mình là một người xấu, một tướng cướp, hoặc một anh hùng. Điều ấy có lợi cho việc xây dựng nhân vật. Nhưng dứt khoát trong viết và mọi hành xử phải có trái tim nhân hậu như là đệ tử của đức Phật. Vì sứ mệnh của văn học là cảm hóa và cải biến. Tôi tự răn mình như thế khi đứng trong nghề cầm bút” ("Nhà văn Việt Nam hiện đại", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020, tr.1045). Nhưng thực sự nhà văn đã có sự thay đổi căn cốt: Nếu trước đây ông viết để người đọc thán phục, chiêm ngưỡng cái đẹp thì bây giờ viết để họ thấu hiểu sâu sắc hơn cái đẹp. Muốn thế phải phân tích, so sánh, nghiền ngẫm đời sống trong tính muôn màu muôn vẻ và ngày càng phức tạp hơn của nó.

Bắt đầu từ "Mỗi thời của họ", qua "Đùa của tạo hóa", người đọc nhận thấy sự chuyển biến tích cực, âm thầm nhưng quyết liệt của nhà văn Phạm Hoa trong sáng tác truyện ngắn. Nhà văn quan tâm trước hết tới những người phụ nữ với những cảnh ngộ, thân phận khác nhau, không mấy khi suôn sẻ, xuôi chèo mát mái. Dường như để sống tốt hơn, họ đều phải “rướn” lên trên mức bình thường, nghĩa là chấp nhận các áp lực đời sống, đối mặt với nhiều thử thách. Nhà văn chia sẻ: “Mỗi nhà văn chọn cho mình một góc nhìn. Tôi nhìn cuộc đời ở góc hoàn toàn tự nhiên, nhìn con người ở cái góc hồn nhiên, lành mạnh nhất. Chính vì vậy, theo tôi, vẻ đẹp của người phụ nữ trước hết là vẻ đẹp hình thể tự nhiên mà tạo hóa đã ban phát cho họ” (dẫn theo Lý Hoài Thu-"Đồng cảm và sáng tạo", Nhà xuất bản Văn học, 2006, tr. 265). Có thể nói, nhân vật nữ được nhà văn quan tâm, yêu thương, coi trọng mỗi khi đặt bút viết truyện ngắn. Không khó giải thích hiện trạng này, vì thời kỳ đầu sáng tác, nhân vật nữ là cách thức để giải quyết chủ đề “thân phận con người trong chiến tranh”, thời hậu chiến, người phụ nữ là tiêu điểm khúc xạ những vấn đề nhân tâm thời đại, theo cách diễn đạt của nhà văn là thời “loạn nhịp của lối sống” đã tác động trước tiên và mạnh mẽ nhất đến người phụ nữ. Trong con mắt nhà văn, người phụ nữ thời nào cũng đẹp, đáng yêu thương và đáng được che chở.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Hoa có sức hấp dẫn người đọc vì có chiều sâu tư tưởng qua cách đặt ra những vấn đề nhân tâm thời đại. Nhưng còn một lý do khác dễ nhận ra, đó là chất văn của tác phẩm. Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét chính xác: “Phạm Hoa viết tinh tế đến nao lòng”. Câu “văn là người” suy nghiệm rất sát, hợp với chất người của nhà văn Phạm Hoa. Bề ngoài giản dị, chỉn chu, nghiêm trang, tiết chế, thường giấu mình hết sức, nhưng bên trong như một lò lửa. Ai đó ví von, văn Phạm Hoa như những hòn than được ủ kỹ trong tro, không phải không có lý, có tình. Văn Phạm Hoa trong truyện ngắn có tốc độ, tạo nên nhịp điệu (rythme) khẩn trương phù hợp với thời đại thông tin. Mỗi truyện ngắn được nhà văn nén chặt, tạo ra (ủ) một mầm mống tiểu thuyết. Nhà văn thường quan tâm đến chu trình đời sống trong tính nhân quả của nó hơn là soi chiếu những khoảnh khắc (moment), dẫu có thể ở đó con người và sự vật độc sáng.

Nhớ nhà văn Phạm Hoa là nhớ một ngòi bút truyện ngắn điêu luyện, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phồn vinh của một thể loại thể hiện hồn cốt văn chương dân tộc thời hiện đại.

Nhà lý luận phê bình văn học BÙI VIỆT THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nha-van-pham-hoa-ngoi-but-truyen-ngan-dieu-luyen-660835