Nhà văn Trần Thị Trường: 'Nếu chỉ dựa vào cái trời cho...'

Nghe tin Nhà văn Trần Thị Trường sẽ mở một triển lãm sau khi bắt đầu lại với giá vẽ chưa đầy nửa năm, thú thực nhiều người có phần nghi ngại. Và sự nghi ngại ấy chính là cơn cớ dẫn đến cuộc trò chuyện dưới đây.

- Phóng viên: Nếu chúng tôi bày tỏ sự nghi ngại có thật của mình thì nhà văn Trần Thị Trường nghĩ sao?

- Nhà văn Trần Thị Trường: Làm nghệ thuật luôn gặp những thách thức tương tự như vậy, không có gan chịu đựng và vượt qua thì khó mà có được thành công. Không ai nói trước được điều gì, nhưng tôi tin vào bản thân tôi, nếu vội vàng thì tôi đã vội từ cách đây hơn 40 năm, khi mà không nhiều phụ nữ đỗ Đại học Mỹ Thuật.

Lúc đó, càng học tôi càng thấy hội họa là một điều nghiêm túc, bởi nếu chỉ dựa vào cảm xúc, vào cái ít ỏi trời cho mà không học để làm chủ khả năng biểu đạt thì mọi thứ kia chỉ bằng không. "Nhiều kẻ bắt đầu ít kẻ tới đích" là thế. Tôi tin là tranh tôi rất đẹp. (Cười). Bằng chứng là tôi đã ngay lập tức bán được tranh cho những người sưu tập sành sỏi…

- Có một điều chúng tôi muốn hỏi, tại sao đã từng trải qua những nghề như: thợ hàn bậc 4, phiên dịch tiếng Bulgaria, làm báo, viết văn một vài cuốn trong đó có để lại dư âm như: "Lời cuối cho em"... giờ bỗng nhiên cô lại đến với hội họa?

- Có một điều chúng tôi muốn hỏi, tại sao đã từng trải qua những nghề như: thợ hàn bậc 4, phiên dịch tiếng Bulgaria, làm báo, viết văn một vài cuốn trong đó có để lại dư âm như: "Lời cuối cho em"... giờ bỗng nhiên cô lại đến với hội họa?

- Chính tôi cũng không hiểu đời một con người đi đến đâu thì nên dừng. Một khi, tôi thấy những gì mình làm ra trước hết nó làm cho mình sung sướng, tôi ngắm tranh của tôi không chán, tranh bán đi, tôi còn bâng khuâng rất lâu vì nhớ nó. Người mua tranh của tôi đã chụp những bức tường, đặt tranh của tôi ở nơi trang trọng gửi lại cho tôi nhìn, họ nói với tôi bức tranh đã động viên họ lúc họ buồn, điều đó có đáng để tôi đi tiếp hay không?

- Đã từng sống ở châu Âu dăm năm, đã đi nhiều nơi trên thế giới, đã có thời gian sống ở Mỹ với con gái và con rể là một người Mỹ gốc Do Thái, cô có gặp phải vấn đề va chạm văn hóa (lối sống, cách nghĩ, thói quen, ứng xử) không? Và cô giải quyết nó như thế nào?

- Người Âu nói chung và người Bulgaria nói riêng rất tốt bụng, họ sẵn sàng và tận tình chỉ đường khi người lạ hỏi, và có thể đưa bạn đến tận nơi mặc dù đi bộ cả cây số, nếu thấy bạn đói hoặc rét họ có thể cởi áo đưa bạn và mời bạn một xuất ăn, hoặc hơn nữa, họ có thể kêu gọi cộng đồng đóng góp để giúp đỡ những cộng đồng nghèo đói khác... Tuy nhiên họ lại sống rất có nguyên tắc: Mỗi cá nhân sau 18 tuổi phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, không được dựa dẫm bố mẹ hay người khác.

Dựa dẫm là điều đáng xấu hổ của một con người... Dù là con cái, muốn đến nhà bố mẹ (hoặc ngược lại) cũng phải gọi điện hỏi xem bố mẹ có đồng ý không, có thuận tiện cho sự hiện diện của mình không, chứ đừng nói là bạn bè hay người lạ. Nếu người lạ đường đột đến gõ cửa thì họ có thể báo cảnh sát. Tôi quen với cách sống như thế nên khi con gái tôi lấy chồng Mỹ, tôi không gặp vấn đề va chạm văn hóa. Nhưng có một số người Việt lấy vợ/ chồng Âu, Mỹ không hiểu cái nguyên tắc sống của họ nên vợ chồng sớm bỏ nhau…

Người Mỹ đa số gốc từ châu Âu tới nên cách sống của họ khá giống người Âu. Nhưng gốc Do Thái lại là một vấn đề. Người Do Thái rất tự hào về nguồn gốc của họ, họ coi những gì thế giới nhìn họ như: keo kiệt, thực dụng, tham lam, thông minh quá mức... là sai bét.

Trong gia đình Do Thái, người cha còn vui vẻ đặt câu hỏi: Giả sử khi nước lụt, cần chạy nhanh ra khỏi nhà, con sẽ mang gì? Nếu đứa bé bảo mang vàng, người mẹ sẽ nhăn mặt nói, con quên rồi, mang cuốn sách con đang đọc… Dĩ nhiên, những đứa bé Do Thái ngày nay đều biết rằng cha mẹ chúng không để tiền vàng ở nhà, và cuốn sách đang đọc có thể đã có trên Internet, nhưng bài học đó vẫn luôn được kể lại. Họ luôn bảo con họ: muốn có những thành tựu phải bắt đầu từ việc học hành, họ coi đọc sách là nguồn gốc của tri thức…

- Cô vẫn chưa nói sống ở Âu, Mỹ có dễ không? Tại sao cô lại về nước nhỉ?

- Nếu chỉ nhìn qua những bức ảnh thì Âu, Mỹ là thiên đường dưới mặt đất. Xanh sạch đẹp từng milimet, đẹp đến mức trí tưởng tượng về thiên đường cũng chỉ đến thế là cùng. Nhưng nếu không có công ăn việc làm thì bạn sẽ ngay lập tức chết đói và chết rét sau bữa cứu trợ đầu tiên, bởi thời tiết khắc nghiệt và bởi không ai thuê người lạ, trừ những băng nhóm tội phạm...

Ngay đến con cái mà đói còn không dám về nhà bố mẹ xin ăn vì ngượng. Ngay khi có việc làm (cắt tóc gội đầu sửa móng) bạn cũng phải mua các gói bảo hiểm. Con gái tôi là giáo viên Mỹ thuật bậc tiểu học, con rể tôi có chức vụ/ vị trí cao trong ngành giáo dục của California. Họ cũng giống như tất cả công dân Mỹ, sống tôn trọng pháp luật, coi sự tôn trọng pháp luật là phương tiện bảo vệ mình tốt nhất.

Tôi từng đắn đo ở lại, lần 1 là Sofia từ năm 1986, vì tôi thông thạo tiếng Bungaria, làm kinh tế rất tốt ở đó, lần 2, là Mỹ, vì con gái tôi đã ở Mỹ 20 năm, tư cách công dân của họ đảm bảo cho tôi một thẻ xanh và tôi cũng có thể làm tốt kinh tế ở đó. Tôi nói tôi yêu nước bạn có thể cho là tôi nói xạo, nhưng tôi yêu nước, tôi thực sự thương yêu Tổ quốc mình, tôi thực sự coi mảnh đất sinh ra tôi là thiêng liêng. Phải sống thấm đẫm tình yêu thương đó, trong cuộc vật lộn với tất cả những gì còn trở ngại thì các sáng tác mới đúng được, mới hay được, mới có giá trị được…

- Báo VNCA và ANTG thường nhận được những bài viết của cô về lĩnh vực âm nhạc và hội họa, viết được những điều đó cho sâu sắc, đúng bản chất sự việc là điều không mấy dễ dàng, trong quá trình đó cô có gặp những trở ngại nào không?

- Dường như có người cho rằng, chỉ viết về tài chính, kinh tế mới cần chính xác nếu không các doanh nghiệp có thể kiện ngược nhà báo, tôi nghĩ viết về bất kỳ điều gì cũng cần chính xác, cũng phải gọi tên đúng sự vật, dù là phê phán hay khen ngợi. Thành thử khi báo ra, tôi vẫn hồi hộp chờ xem người nghệ sĩ được tôi nhắc đến có phản ứng gì không.

Tôi đã từng khóc một lần khi dùng sai khái niệm học thuật. Chỉ một lần thôi mà nhớ đời. Nhạc nhẹ còn dễ hiểu, nhưng cũng nhiều dòng khác nhau, nhạc cổ điển hay các kỹ thuật thanh nhạc, những bản tổng phổ hòa âm phối khí, những quãng tám… ôi trời, là phải học… Về hội họa cũng thế, văn học cũng thế. Ôi trời là phải học…

Cần phải hiểu thế nào là Cổ điển, Tân cổ điển, Hậu hiện đại… Ấn tượng, Trìu tượng, Dã thú… Nhạc nhẹ, Nhạc thính phòng… thì mới viết được. Tôi viết không chỉ để khen chê một người/ một sự kiện mà tôi muốn người đọc hiểu đằng sau một giọng hát, một buổi diễn, một sự kiện ấy là gì, người đọc có tham gia vào sự thành công hay thất bại đó không? Xin người đọc đừng dựa vào cảm tính rồi dùng mạng xã hội để nói khơi khơi một điều không đúng vì thiếu hiểu biết…

- Nếu không phiền, cô có thể tiết lộ một chút về cuộc sống riêng tư không ạ?

- Chồng tôi là họa sĩ, nhà điêu khắc, ông yêu thích trường phái ấn tượng - mô đéc, các sáng tác của ông thường có chủ đề tôn giáo, và cả đời ông là cống hiến từ thiện cho các kiến trúc cảnh quan của Nhà thờ, nơi mà ông đào sâu suy nghĩ của mình về Đấng tạo hóa, về siêu nhiên. Tôi là người vun vén theo cách hiện thực nhất, tôi phải lo kinh tế gia đình. Các con tôi được nuôi dạy để trở thành một người nắm được công cụ/phương tiện lao động một cách tốt nhất - người trí thức.

Con gái tôi như đã nói, rất giỏi Anh ngữ, và học cả Hoa ngữ. Vì Anh ngữ hay vì số phận, tôi không rõ, nhưng giờ nó xứng đáng là phu nhân của một người Mỹ có vị trí, 2 con của nó có đứa đã được Giấy khen Tổng thống. Con trai tôi là một Luật sư, mục tiêu của nó là sự thật và công bằng, điều đó cần một lượng tri thức khổng lồ và một lương tâm lớn. Gia sản lớn nhất mà chúng tôi có là tri thức, và văn hóa nền tảng, và vì có nó nên chúng tôi sống rất ung dung.

- Xin cảm ơn cô!

Diệp xưa (thực hiện)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/nha-van-tran-thi-truong-neu-chi-dua-vao-cai-troi-cho-570702/