Nhà văn Uông Triều 'cô độc' trong nhà số 4

Mặc dù các nhà phê bình, văn nhân, thi nhân đến trò chuyện với nhà văn Uông Triều tại nhà số 4, nhưng anh có vẻ vẫn cảm thấy cô độc. Có lẽ mọi người đều không biết Uông Triều thích nghe chuyện như thế nào cho bớt cô độc.

Nhà văn Uông Triều tại buổi ra mắt tiểu thuyết Cô độc. Ảnh Vũ Gia Hà

Chiều 17/12/2019, tại nhà số 4 (số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội), tức trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã tổ chức buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết Cô độc của nhà văn Uông Triều. Tại nhà số 4, nhà văn Uông Triều đang có cuộc mưu sinh bằng nghề biên tập những năm qua, sau khi bỏ nghề giáo.

Bấy lâu, Uông Triều xuất hiện là nhà văn của những cuốn sách: Người mê; Bò hoang phố cổ; Đôi mắt Đông Hoàng; Tưởng tượng và dấu vết; Sương mù tháng giêng... Và hôm nay, anh xuất hiện với tư cách là “cha đẻ” của Cô độc.

Cô độc. Ảnh face Uông Triều.

Mở lời buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Bình Phương thấy mỗi tác phẩm văn học ra đời là một sinh thể, Cô độc cũng vậy, nó là một sinh thể. Nguyễn Bình Phương không có thái độ khen chê về Cô độc. Trái với những ý ngắn gọn của Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch thấy Cô độc tinh tế, có dấu ấn tác giả riêng. Đọc Cô độc khiến Phạm Xuân Thạch nhớ đến Ernest Hemingway, khi văn hào thế giới này cũng có một tác phẩm gần gần như Cô độc. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn, nhân Cô độc nhìn Uông Triều là một “nhà văn đẹp”. Trong Cô độc, Uông Triều dò thấu tâm lý con người, vì vậy, ngoài là một nhà văn, Uông Triều còn là một nhà giải phẫu tâm lý.

Nhà phê bình La Khắc Hòa (Lã Nguyên). Ảnh Vũ Gia Hà.

Mai Anh Tuấn còn “dài dòng” thêm: Cô độc không thỏa mãn ai đó cần cuốn tiểu thuyết về hiện thực đời sống hiện nay. Tôi đọc thấy đau đầu, mệt mỏi. Uông Triều cho thấy trạng thái con người ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát tâm lý của mình. Một xã hội bất an và không an toàn. Tiểu thuyết này tạo ra một nhịp điệu chậm. Uông Triều dùng tiểu thuyết để bàn về tiểu thuyết, bàn về văn chương, về văn học. Đây là cuốn tiểu thuyết có lẽ là Uông Triều đã dồn hết tâm tư, tình cảm. Anh trăn trở suy tư về nghệ thuật đích thực.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh Vũ Gia Hà

Mặc dù nói những lời có cánh với tác giả, nhưng Mai Anh Tuấn cũng kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời không vui: Cô độc thiếu sự tinh lọc. Tôi vẫn chờ đợi Uông Triều ở những cuốn sách tiếp theo. Trong khi đó, nhà phê bình La Khắc Hòa (Lã Nguyên) bàn nhiều về cấu trúc trò chơi của Cô độc. La Khắc Hòa phân tích thêm về vài kiểu trò chơi, chơi không phải là chơi như ta thấy, mà sau nó là gì. Cô độc không chiều độc giả. Cuốn này mà viết cách đây 20 năm thì không được yên thân đâu! La Khắc Hòa còn đùa: “Cô độc mà như anh trong tác phẩm này, sảnh ra cái là có gái và rượu, cô độc như vậy ai mà chẳng thích”. Về cấu trúc của Cô độc, có lẽ La Khắc Hòa nên viết một bài để bàn kỹ hơn.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh Vũ Gia Hà.

Trong tâm thế của người sáng tác, nhà văn Trần Thanh Cảnh thấy vài trang đầu của Cô độc đọc rất chối, nhưng rồi Trần Thanh Cảnh cũng đọc hết vì vài lý do nào đó. Nhà văn này thấy Cô độc dành cho độc giả cao. Nhà văn Sương Nguyệt Minh thì thấy Cô độc dành cho số đông. Uông Triều đã tạo ra được không gian bất an, mòn mỏi, thất bại.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhân việc nhà phê bình La Khắc Hòa bàn về cấu trúc trò chơi, đã bàn về hình thức mà người viết ở ta bắt chước theo. Phạm Xuân Nguyên tỏ ra không vui khi các văn nhân, thi nhân bắt chước mà không hiểu gì về cái mình đang bắt chước. Phạm Xuân Nguyên biểu dương sự tìm tòi của Uông Triều, nhưng thấy sự tìm tòi đó chưa đến.

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh cao hứng đọc mấy câu thơ lục bát pha trò. Ảnh Vũ Gia Hà.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đã thẳng thắn chỉ ra rằng, anh không thấy sự cô độc trong Cô độc, thiếu vắng mỹ học và triết học. Cũng như Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Tâm nói sẽ dành thời gian để đợi các tác phẩm khác của Uông Triều.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm. Ảnh Vũ Gia Hà.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, như mọi khi với cách nói lắp, nhưng ông luôn gây cười với những ý kiến sâu cay. Nguyễn Huy Thiệp không bàn về Cô độc mà đưa ra lời khuyên cho Uông Triều cũng như các nhà văn: Ông làm gì thì làm nhưng ông phải chú ý cả vợ cả con. Các ông không thể dung tục được. Các ông làm gì cũng phải vì các ông và vì vợ con. Chúng ta đừng coi văn học là nhất. Nhưng dù sao, văn học cũng là loại đặc biệt. Văn học phải có chân thiện mỹ, ba cái đó, chân là khó nhất vì chân là chân thật, chân xác, chân lý...

Nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ảnh Vũ Gia Hà.

Trước nhiều ý kiến chê hơn là khen, một vài người đã hỏi Uông Triều cảm thấy thế nào, Uông Triều trả lời dứt khoát rằng mọi người cứ yên tâm, anh đã đủ bản lĩnh để vượt qua mọi sóng gió. Uông Triều nói với giọng buồn và tỏ ra rất cô độc ở tầng 2, tại nhà số 4.

Một số hình ảnh tại buổi ra mắt Cô độc

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (thứ 2 từ trái sang), nhà phê bình Trần Đình Sử, nhà phê bình La Khắc Hòa (Lã Nguyên), nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ảnh Vũ Gia Hà.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm (ngoài cùng phía trái), nhà văn Uông Triều (áo vàng). Ảnh Vũ Gia Hà.

Vũ Gia Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-van-uong-trieu-%E2%80%9Cco-doc%E2%80%9D-trong-nha-so-4-73641