Nhà vệ sinh công cộng kiểu mới ở Paris gây tranh cãi

Thủ đô Paris, Pháp đã có một sáng kiến mới nhằm kiểm soát vấn nạn tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng của nam giới nhưng đã gây ra rất nhiều tranh cãi.

Paris, thành phố đã vật lộn trong cuộc chiến với nạn tiểu tiện bừa bãi trên đường phố trong nhiều thế kỷ, bắt đầu lắp đặt bồn tiểu công cộng từ những năm 1830. Nhưng kết quả cuộc chiến này thường không mấy khả quan.

Loại bồn vệ sinh mới nhất của thành phố không chỉ phục vụ việc “giải tỏa nhu cầu” của phái mạnh. Nó thậm chí có thể trang điểm cho cảnh quan, trồng cây cảnh… dù hơi cồng kềnh.

Thiết kế bồn tiểu mới đang gây tranh cãi ở Paris - Ảnh: NYT

Ba bồn tiểu sinh thái này đã được đặt ở những vị trí khá dễ thấy trong các khu vực đông đúc. Đặc biệt, chiếc bồn tiểu ở phố Ile St. Louis thanh lịch đã trở thành trung tâm chú ý, gây nên làn sóng tranh cãi kịch liệt trong dư luận.

"Cái bồn trông rất mất thẩm mỹ", Tiephaine Bobot, người sống trên Ile St. Louis, một hòn đảo ở sông Seine cho biết khi đang dắt chó cưng đi dạo dọc bờ sông.

Thiết kế bồn tiểu trông hơi giống một thùng rác bằng kim loại hình chữ nhật, ngoại trừ việc cây có thể mọc lên từ tầng trên của thùng được sơn màu đỏ tươi nhờ tác dụng của nước tiểu kết hợp với rơm bên trong. Một tấm kim loại nhô ra từ 2 phía giúp che chắn quá trình “giải tỏa”.

Kevhoney Fautra, một blogger du lịch đã chụp ảnh những bồn tiểu đặc biệt này và ủng hộ sáng kiến thú vị, giúp bảo vệ môi trường. Mặc dù hầu hết mọi người dân Paris đều đồng ý, một cơn bão tranh cãi vẫn nổ ra. Phụ nữ cho biết họ không thể sử dụng trong khi chính quyền đáp trả vì họ không tiểu tiện trên phố.

Một số ý kiến cho rằng không vệ sinh vì không kèm bồn rửa tay. Nhiều người khác lại lo lắng rằng nó nằm quá gần trường học và có thể ảnh hưởng đến trẻ em.

Faltazi, công ty ở Nantes, Pháp – đơn vị đã sản xuất loại bồn này khẳng định vị trí đặt mới là yếu tố quyết định giúp sáng kiến được ủng hộ hay không. Victor Massip, một nhà thiết kế tại Faltazi, nhận xét: "Kẻ thù không phải là nơi đi tiểu, đó là thực tế cho thấy nước tiểu ở khắp mọi nơi”.

Paris chưa bao giờ ngững nỗ lực trong việc cố gắng chống lại nạn tiểu tiện nơi công cộng. Từ thế kỷ 19, chính phủ nước này đã xây những nhà vệ sinh có thể phục vụ 5-6 người đàn ông cùng thời điểm. Các mô hình gần đây hơn, vào giữa thế kỷ 20, đủ chỗ cho một hoặc hai người.

Trong vài năm qua, Paris đã lắp đặt hơn 425 phòng vệ sinh công cộng dành cho cả nam lẫn nữ, trong đó có 150 phòng vệ sinh mở cửa 24/24. Ngoài ra, 34 nhà vệ sinh công cộng di động cũng được dành để phục vụ các khu đông khách du lịch.

Chính quyền đã cố gắng để thuyết phục mọi người đi tiểu đúng nơi, đặt những tấm gương trên các đường phố với mong muốn những người có ý định này nên xem lại bản thân.

Các quan chức thành phố thậm chí đã quy hành động này vào tội phạm dân sự. Trong năm 2017, đã có tất cả 3.200 trạm gác trên cả nước, bao gồm 320 cảnh sát tuần tra ngày đêm để xử phạt người đi tiểu bừa bãi, ném tàn thuốc lá trên mặt đất hoặc làm ô nhiễm không gian công cộng của Paris theo những cách khác.

Một số chiến lược đã không thành công. Vào năm 2015, các quan chức đã thử nghiệm sơn kỵ nước trên các bức tường dọc theo con phố để khiến nước tiểu chảy lại vào giày của người vi phạm. Nhưng dự án này quá đắt đỏ nên đã phải tạm ngừng sau một vài tháng.

Loại bồn tiểu mới có thể còn gây nhiều tranh cãi nhưng phản hồi của hầu hết các quý ông đi ngang qua đều cho rằng đây không phải một ý tưởng tồi.

Thu Phương (Theo NYT)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/nha-ve-sinh-cong-cong-kieu-moi-o-paris-gay-tranh-cai-a240489.html