Nhà vệ sinh công cộng ở 2 thành phố lớn, trả phí để không phải 'nín thở'

Để không phải vào rồi 'nín nhịn' quay ra ngay hoặc 'giải quyết nỗi buồn' trong tâm trạng 'nín thở', nhiều bạn đọc ý kiến, sẵn sàng trả phí để được dùng nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, tiện dụng.

Lời tòa soạn:

Thực trạng nhà vệ sinh công cộng thiếu trầm trọng lại xuống cấp, bẩn, mất mỹ quan đã tồn tại nhiều năm ở Hà Nội và TP.HCM. Kỳ nghỉ lễ vừa qua, vấn đề nơi "giải quyết nỗi buồn" với du khách trở nên cấp bách, trong khi những vướng mắc từ thiếu quỹ đất, kêu gọi đầu tư xã hội hóa không hiệu quả, duy trì, cải tạo lại chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc vấn đề nhà vệ sinh công cộng ở các đô thị lớn phải được quan tâm lớn, đầu tư lớn và thực hiện với quyết tâm lớn.

Cần nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ

Trước thực trạng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) vừa thiếu hoặc có mà cũ bẩn, nhếch nhác, bạn đọc Như Quân bày tỏ: “Thành phố năng động nhất nước, phát triển nhanh, nhưng cái tiện ích nho nhỏ nơi góc phố này thì vẫn chưa phát triển đúng tầm”.

Bạn Phan Văn Dũng cũng ý kiến: “Vào những nơi này nhiều lúc còn băn khoăn không biết nước có sạch không nữa. Nói chung bần cùng lắm mới phải vào”.

Tại Trạm xe bus Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM), từ năm 2018, NVSCC thông minh được thí điểm với đầy đủ tiện nghi: cửa tự động, camera chống trộm, vòi nước, máy sấy, hệ thống quạt thông minh... nhưng đến nay chỉ còn lại sự hoang phế, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Thanh Huế

Tại Trạm xe bus Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM), từ năm 2018, NVSCC thông minh được thí điểm với đầy đủ tiện nghi: cửa tự động, camera chống trộm, vòi nước, máy sấy, hệ thống quạt thông minh... nhưng đến nay chỉ còn lại sự hoang phế, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Thanh Huế

Hay bạn đọc Việt Linh nhận xét: “Hà Nội giờ quá thiếu NVSCC, đi dọc cả một vòng hồ Gươm mới có 1 cái, trên các phố cổ đi bộ thì chẳng nhìn thấy đâu”.

Còn bạn Minh Khải Trần nhìn nhận: “Nhiều NVSCC từ thời bao cấp còn sót lại, vẫn sử dụng, nhìn thật lạc lõng với thành phố phát triển”…

Hình ảnh những NVSCC trên địa bàn thủ đô Hà Nội với cơ sở vật chất không còn đáp ứng được nhu cầu hoặc mùi hôi nồng nặc khiến người dân và du khách e dè. Ảnh: Thế Bằng

Từ đó, nhiều bạn đọc cho rằng, thành phố cần xây dựng thêm và cải tạo NVSCC cho thật khang trang, sạch sẽ để không chỉ phục vụ du khách mà rất nhiều người dân cũng có nhu cầu.

Theo bạn Nguyễn Đức Trung: “Như cái NVSCC trên phố Hàng Giầy là tốt quá rồi, nhìn sạch sẽ. Ít ra cần thêm vài cái như vậy trên các phố đi bộ cho người dân thoải mái”.

NVSCC có nội thất đẹp, do doanh nghiệp đầu tư, thu phí 5.000 đồng/lượt trong ngõ 38 phố Hàng Giầy (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Được đưa vào vận hành từ năm 2015, nhưng đến nay nhà vệ sinh này vẫn như mới. Ảnh: Quang Phong

Tương tự, bạn Bình Nguyên mong muốn: “Chẳng cần phải rộng rãi, khang trang làm gì cho tốn kém; quan trọng là bồn bệ sạch sẽ, đầy đủ nước rửa tay”.

Bạn Minh Hiếu ý kiến: “Người dân sẵn sàng mất phí 5 nghìn để có NVSCC sạch sẽ, tiện dụng. Chứ giờ nhiều khi vào nhìn thấy rồi lại quay ra, hay mới tới cửa đã thấy mùi phát hoảng”.

Đừng coi NVSCC là công trình phụ

Theo bạn Xuan Dinh Nguyen: “Đừng coi công trình vệ sinh là công trình phụ. Nó là công trình chính và rất chính. Cứ tưởng tượng ngoài nhà ở, phòng ở, không có công trình này thì làm sao đây? Mà lại ở thành phố rất lớn nữa. Nhà hay căn hộ của mình mà hỏng hóc ở khu vệ sinh thì ai cũng ưu tiên giải quyết trước các hạng mục khác. Đừng có ý tưởng chỉ là công trình xã hội hóa. Coi là trọng điểm đi. Thành phố lớn, tiềm lực kinh tế mạnh phải trích ra mà đầu tư, còn xã hội hóa được nhiều thì càng tốt”.

Tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Đôn (quận 1, TP.HCM) là mô hình ki-ốt quán cà phê kết hợp vận hành NVSCC, nhận được nhiều hưởng ứng của người dân. Ảnh: Thanh Huế

"Nhà vệ sinh công cộng 4 sao" ở công viên Tao Đàn (quận 1, TP.HCM), được xây theo hình thức xã hội hóa với diện tích 60m2, trang thiết bị hiện đại, lối đi riêng cho người khuyết tật, nhân viên túc trực dọn dẹp hàng ngày. Ảnh: Thanh Huế

Bạn đọc này cũng thẳng thắn đề nghị: “Coi nó là phụ nên lơ là, chứ coi là rất chính mà chỉ đạo thì chắc không để xảy ra tình trạng như đã xảy ra. Đề nghị nhiều nơi kiểm tra lại để đập bỏ xây mới hay tu bổ sửa chữa... Cố gắng giải quyết trong nửa năm cuối để loại công trình này có bộ mặt mới phục vụ không những cho người trong nước mà cả khách nước ngoài khi đến Việt Nam”.

Đồng tình quan điểm trên, bạn Trần Hiếu Nghĩa cho rằng, chỉ cần lãnh đạo thành phố quan tâm tới là các đơn vị họ triển khai được ngay.

Bạn Bùi Dũng cũng nhấn mạnh: “Cần có sự quan tâm đúng mức của các lãnh đạo thành phố mới được, phát triển du lịch cần đi kèm các tiện ích chất lượng mới đồng bộ”.

NVSCC tiêu chuẩn "5 sao" miễn phí ở công viên 23-9, TP.HCM. Ảnh: Như Sỹ

Thậm chí, bạn Nam Q. còn gợi ý: “Thành phố cần quan tâm, cấp đất, đầu tư xây dựng NVSCC và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Trang bị nội thất hiện đại, có người trông nom, dọn dẹp, bảo dưỡng. Nhưng không nên chỉ nghĩ đến khách du lịch, mà cần quan tâm đến đông đảo bà con lao động đang mưu sinh tại thành phố. Chỉ nên thu phí 1.000 - 2.000đ/người/ lần”.

Ngoài ra, theo bạn Nam Q., có thể khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ như một hoạt động xã hội, từ thiện (có thể gắn bảng ghi danh tại các NVS mà họ bảo trợ). Giao cho UBND các phường chịu trách nhiệm quản lý. Nơi nào để mất vệ sinh, xuống cấp, sẽ bị công khai nhắc nhở, phê bình trên báo chí, truyền thông”…

Trước mắt, bạn đọc Vũ Hiền ý kiến: “Trong thời gian xây dựng hoặc sửa chữa các NVSCC, Hà Nội cũng nên vận động các nhà hàng, quán cà phê nếu được treo biển miễn phí vệ sinh cho du khách. Đà Nẵng, TP.HCM đã có giải pháp tình thế như vậy.

Bạn Nguyễn Toàn Vinh bày tỏ: “Sẽ phải cố gắng nhiều lắm mới đạt chuẩn một thành phố văn minh lịch sự, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi từ những điều nhỏ nhặt như NVSCC này”.

Mời quý độc giả theo dõi đầy đủ nội dung của tuyến bài:

Bảo Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-ve-sinh-cong-cong-o-2-thanh-pho-lon-tra-phi-de-khong-phai-nin-tho-2145287.html