Nhà vệ sinh trường học - Ám ảnh không dễ giải tỏa Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Trong thời đại văn minh, ở Hà Nội hoặc vùng nông thôn thì gia đình nào dù nghèo mấy cũng có nhà vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, ở các trường học, đặc biệt là các trường công lập, tình trạng nhà vệ sinh bẩn thỉu, hôi hám vẫn phổ biến. Vì sao có tình trạng này?

Tỷ lệ nhà vệ sinh không đạt chuẩn vẫn cao

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến tháng 8/2018, cả nước trên 188 nghìn nhà vệ sinh ở các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập. Hầu hết các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT công lập đều có nhà vệ sinh dành cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 67,3% (riêng cấp tiểu học chỉ có 57,9% nhà vệ sinh sử dụng tốt, còn lại là bán kiên cố, tạm hoặc nhà vệ sinh nhờ, mượn). Nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng được nhu cầu sử dụng (số lượng xí và chỗ rửa tay còn thiếu), không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

Số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, tỉ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn cũng chỉ đạt 78%. Tính đến năm 2017, toàn TP còn 2.725 khu vệ sinh xuống cấp, chưa đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định hiện hành. Ngoài ra nhiều trường còn thiếu khu vệ sinh đồng bộ, cần phải bổ sung.

Một phòng tại khu nhà vệ sinh trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) cửa đã hỏng từ lâu nhưng chưa được thay thế

Theo khảo sát của chúng tôi, có nhiều hình thức bảo quản và giữ vệ sinh cho các nhà vệ sinh trong trường học. Có trường thuê công ty vệ sinh chuyên nghiệp đầu tư và quản lý, dọn dẹp vệ sinh và được ngân sách địa phương đảm bảo chi trả. Với cách thức này, nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ. Tuy nhiên, hình thức này chỉ thực hiện được tại một số ít trường. Có trường thuê lao công thường xuyên lau dọn, do ngân sách địa phương và cơ sở giáo dục chi trả; có trường lại giao nhân công, bảo vệ của cơ sở giáo dục thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh, là người không chuyên và chỉ làm trong hai thời điểm đầu giờ và cuối giờ học. Với hình thức này, nhà vệ sinh cũng không đảm bảo điều kiện trong thời gian sử dụng. Hình thức này được khá nhiều trường ở các huyện ngoại thành áp dụng. Một số trường thiếu quan tâm việc giữ gìn vệ sinh dẫn đến nhà vệ sinh xuống cấp, mất an toàn, thậm chí học sinh không dám sử dụng.

Sự quá tải đi cùng ý thức kém

Theo cô Nguyễn Thị Trà đang làm lao công cho một trường trên địa bàn huyện Gia Lâm, các trường học thường mua thiết bị như vòi nước, bồn tiểu, bồn cầu, quạt thông gió giá rẻ để tiết kiệm kinh phí nên rất mau hỏng. Trong đó, bồn tiểu nam, nhiều nơi chỉ sử dụng một thời gian ngắn là hư ống dẫn nên phải xây thêm máng xả, dẫn thẳng nước tiểu xuống. Đã thế, mỗi lần thiết bị hỏng, đề xuất sửa chữa, thay thế không phải được giải quyết ngay mà học sinh thì không thể đợi đến lúc thay thiết bị mới đi vệ sinh. Vì vậy, mùi khai nồng nặc cả khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến việc học tập của thầy trò.

Chị Nguyễn Thị Sáu, nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh trong một trường học tại huyện Đông Anh cũng cho biết, thiết bị nhà vệ sinh không tốt nhưng tần suất sử dụng lại dày đặc trong khi học sinh còn thiếu ý thức khiến thiết bị mau hỏng. Bồn cầu, vòi nước thường bị nứt, tắc, nhiều khi tràn nước lênh láng ra sàn. “Trường thì đông học sinh trong khi chỉ có hai người làm việc nên chúng tôi luôn chân, luôn tay. Ngoài ra, chúng tôi còn phải dọn rác ở các dãy hành lang, quét sân… nên cố gắng lắm, mỗi buổi học chúng tôi chỉ dọn dẹp nhà vệ sinh được hai lần vào đầu giờ và cuối giờ học chứ không thể sau mỗi tiết học thực hiện. Sau mỗi giờ ra chơi, nếu bị nhắc nhở chúng tôi cũng chỉ có thể dội nước qua cho đỡ mùi”, chị Sáu nêu thực trạng.

Cũng theo chị Sáu, gần như lúc nào nhà vệ sinh cũng có người ra vào, ý thức vệ sinh của mỗi học sinh lại khác nhau. Nhiều cháu đi vệ sinh xong không vặn nước vì sợ bẩn tay khiến bồn tiểu bốc mùi, cháu tiếp theo thấy bẩn cũng để vậy. Hết người này đến người khác đều như thế nên cuối buổi sẽ mùi khai bốc lên cả khu xung quanh.

Theo Bộ GD&ĐT, do thiếu nguồn lực, nhiều hạng mục công trình trong trường học còn thiếu hoặc đã xuống cấp, hư hỏng nặng không được đầu tư. Điều này cũng làm cho việc bổ sung, cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn còn thấp. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cải tạo, sửa chữa, bổ sung nhà vệ sinh và công trình nước sạch tại trường học chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự cân đối của địa phương hoặc nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh và công trình nước sạch của học sinh còn chưa cao; nhà trường khó khăn trong việc cân đối nguồn kinh phí để thuê nhân công dọn dẹp dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh và công trình nước sạch tại các cơ sở giáo dục nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, do khó khăn về các nguồn lực, trong khi còn nhiều hạng mục công trình trong trường học cần bổ sung, sửa chữa, phải mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu nên các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư bổ sung, cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh trong trường học.

Từng là Hiệu trưởng trường công lập THPT Việt Đức (Hà Nội), giờ là Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng, những năm gần đây nhà vệ sinh trường học được cải thiện nhưng vẫn bẩn, chưa thực sự đảm bảo yêu cầu vệ sinh tối thiểu. Kể cả ở trường được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, hạ tầng thì tình trạng nhà vệ có mùi hôi hoặc giấy rác vứt bừa bãi vẫn xuất hiện.

Theo thầy Bình, có bốn nguyên nhân chính rất đến tình trạng này. Thứ nhất, nguồn nhân lực thường xuyên làm vệ sinh vẫn chưa đủ và ý thức trách nhiệm của người làm công tác vệ sinh đôi lúc còn qua loa, đại khái. Thứ hai, các cơ sở vật chất phục vụ cho việc tẩy rửa như dụng cụ, chất tẩy rửa có thể không đảm bảo dẫn tới nhà vệ sinh không được tẩy rửa sạch sẽ một cách thường xuyên. Thứ ba, số lượng học sinh quá đông trong khi nhà vệ sinh lại quá ít, không đảm bảo quy chuẩn, giờ ra chơi lại ngắn dẫn đến tình trạng quá tải. Đã quá tải thì khó có thể giữ nhà vệ sinh luôn luôn sạch sẽ. Hơn nữa, ý thức học sinh lại không được tốt, trách nhiệm cộng đồng còn hạn chế, đôi lúc chỉ nghĩ cho mình mà không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Cuối cùng, các trường chưa có đầy đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn.

(Còn nữa)

Mai Khôi

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-vi-dau-nen-noi-d2057727.html