Nhà vệ sinh trường học - Ám ảnh không dễ giải tỏa:Bài 4: Để nhà vệ sinh thân thiện với học sinh…

Ở nhiều trường, dù có nhà vệ sinh đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại nhưng chỉ sau vài hôm sử dụng lại nhếch nhác và trở thành nỗi ám ảnh của học sinh. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất để nhà vệ sinh trở nên thân thiện đó chính là con người.

Đừng coi nhà vệ sinh là công trình phụ

Một trong 9 nhiệm vụ của ngành Giáo dục cần phải thực hiện trong năm học này là giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Tuy nhiên, thực hiện được nhiệm vụ này của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thật nan giải.

Có thể thấy rằng, Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 8793:2011) về trường tiểu học, yêu cầu thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố: Với học sinh nam, cứ 20 - 30 em có một hố tiểu, chậu xí và bồn rửa tay; với nữ sinh thì tối đa 20 em cho bộ 3 thiết bị này. So với quy định trong tiêu chuẩn này, chúng ta chỉ dám “mơ” bằng một phần như vậy, nhất là tình trạng học sinh đang quá tải như ở Hà Nội hiện nay. Nếu điểm lại thì hầu hết những công trình này không đạt tiêu chuẩn về diện tích, độ cao, thoát nước…

Nhiều trường học được xây mới hoặc được đầu tư cải tạo công trình phụ mới đạt chuẩn, mua sắm thiết bị hiện đại, tổ chức nhân viên tạp vụ dọn dẹp… nhưng chỉ sau một vài ngày sử dụng lại trở nên nhếch nhác bẩn thỉu và lại trở thành nỗi ám ảnh của học sinh…

Hiện nay, vấn đề giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ đã được nhiều trường chú trọng. Không ít trường nhắc nhở học sinh giữ gìn vệ sinh chung qua tiết chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa. Mỗi kì sinh hoạt tập thể như tổ chức cắm trại nhân Ngày thành lập Đoàn, công việc đầu tiên mà nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên là làm sạch đất trại và giữ sạch sẽ nhà vệ sinh. Kết thúc hoạt động, thầy trò nhắc nhở nhau cùng lượm rác bỏ vào nơi quy định, lau chùi toilet, lâu dần học sinh sẽ có thói quen tốt.

Việc thầy trò lau chùi toilet khiến mọi người ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh. Trò lao động, thầy cô cùng làm để nêu gương, các em sẽ tích cực hơn. Bên cạnh đó, thấy học sinh sai phạm thì dù là giáo viên chủ nhiệm hay bộ môn, có được giao trách nhiệm hay không cũng cần nhắc nhở kịp thời.

Ở góc độ của người trực tiếp quản lý trường, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng góp ý, nhà vệ sinh trong trường học không thể coi là “công trình phụ”, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sinh hoạt, học tập của học sinh. Do đó, các nhà trường cần chú trọng hơn đến việc giáo dục ý thức sử dụng công trình công cộng trong trường học cho học sinh. Bên cạnh đó, việc bố trí cho học sinh lao động, dọn dẹp trường lớp, khu vệ sinh theo lịch hoặc áp dụng hình thức phạt lao động với học sinh vi phạm kỉ luật nhiều lần cũng nên làm, nhằm giáo dục ý thức kỉ luật và vệ sinh cho học sinh; bảo đảm vệ sinh trường, lớp sạch sẽ… Từ đó, học sinh sẽ không còn “khiếp sợ” mỗi khi đi vệ sinh ở trường.

Cũng theo thầy Nguyễn Tùng Lâm: “Các trường cứ kêu khó, tôi cho rằng, khó là do Hiệu trưởng bàng quan với nhà vệ sinh học sinh mà thôi. Vì thế, vai trò của Hiệu trưởng rất quan trọng trong việc nhà vệ sinh trường học sạch hay bẩn. Biện pháp quyết liệt, linh hoạt, làm công khai, minh bạch, chất lượng, nhà vệ sinh sạch là chuyện trong tầm tay, còn để nó đẹp thì tùy điều kiện mỗi trường. Mỗi ngày, Hiệu trưởng cần dành thời gian kiểm tra nhà vệ sinh, nhắc nhở việc giữ gìn, khen chê kịp thời”.

Có nhà vệ sinh mới rồi thì sao?

Theo cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), trường mới xây dựng nên nhà vệ sinh đạt chuẩn. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì nhà vệ sinh sạch sẽ thì đó là vấn đề về con người, rõ ràng muốn trường sạch thì mình phải sạch. Trường THCS Nguyễn Du thuê hai lao công làm vệ sinh, mỗi ngày dọn dẹp nhà vệ sinh 6 lần. Sau mỗi giờ ra chơi, các lao công vẫn đi kiểm tra, nếu bẩn thì lau dọn. Tuy nhiên, đó chỉ là phục vụ, còn yếu tố quan trọng vẫn là con người, giáo dục học sinh như thế nào?

Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trao thưởng cho các em học sinh giỏi nhân dịp khai giảng năm học mới.

Nhà trường giáo dục học sinh từ cách đi vệ sinh như thế nào cho đúng, giữ gìn vệ sinh chung và nâng cao vai trò của bản thân… Các thầy cô trong Ban giám hiệu cũng vào một số lớp dự sinh hoạt và chia sẻ một cách nhẹ nhàng, hài hước về vấn đề này. Từ đó, học sinh được giáo dục ý thức giữ vệ sinh cá nhân, trường lớp. Vì thế ở trường THCS Nguyễn Du, 100% học sinh không vứt rác bừa bãi. Nhiều người đến đều khen trường sạch, đẹp. Rõ ràng, để bảo quản nhà vệ sinh thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người, có người phục vụ là chưa đủ mà còn cần giáo dục các em tự ý thức tự giác.

Cô Lý chia sẻ thêm: “Trường tôi không trang trí nhà vệ sinh vì tôi cho rằng cái đó chỉ là một khía cạnh rất nhỏ. Tôi được biết nhiều trường, Ban Giám hiệu còn cho vẽ rất nhiều hình ảnh đẹp lên tường nhà vệ sinh nhưng bẩn thì học sinh cũng không vào. Vấn đề đặt ra ở đây là để nhà vệ sinh thân thiện với học sinh thì phải giữ gìn nhà vệ sinh luôn sạch và không có mùi. Từ đó, học sinh sẽ không xa lánh, không ám ảnh. Ở trường chúng tôi cứ đến giờ ra chơi là học sinh muốn đi vào nhà vệ sinh, nhất là các em lớp 8, lớp 9. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết là các em vào đó tô son dưỡng môi”.

Có đến hai nghìn học sinh nhưng khâu vệ sinh của trường tiểu học Gia Thụy (Long Biên) lại rất sạch sẽ. Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà vệ sinh của trường được đầu tư theo thiết kế của công trình, tuy nhiên khâu bảo quản thì chúng tôi rất lưu tâm. Trong nhà vệ sinh tôi cho đặt các cây nhỏ dễ trồng. Ở bồn rửa tay, treo gương, chúng tôi đều giữ gìn sạch sẽ, khi có hỏng hóc chúng tôi đều xử lý ngay chứ không để nước chảy tung tóe, ướt bẩn. Ngoài ra, chúng tôi cũng giáo dục học sinh vứt rác đúng nơi quy định. Trong thiết kế công trình có bóc tách chỗ rửa tay và chỗ đi tiểu của trẻ nhưng tôi điều chỉnh thiết kế lại một chút cho sạch sẽ, tiện dụng và tiết kiệm nước bằng cách khi các con rửa tay, nước rửa tay sẽ chảy vào ống nước và dẫn ra chỗ học sinh vừa đi tiểu. Như thế dù trẻ quên dội nước thì nước rửa tay cũng sẽ làm sạch bồn tiểu.

Bên cạnh đó, theo thiết kế của công trình thì thoát sàn để ngăn mùi làm rất nông và bé. Chúng tôi cũng phải thay toàn bộ thoát sàn to hơn, sâu hơn để đỡ mùi. Ngoài ra, trong các khu nhà vệ sinh được lắp hệ thống loa phát nhạc thiếu nhi, cứ 5 phút thì loa lại tự nhắc học sinh đi vệ sinh theo “Quy trình 6 bước”. Ở hành lang chúng tôi đều có camera quan sát, người lạ cũng khó xâm nhập vào trường và vào nhà vệ sinh”.

(Còn nữa)

Mai Khôi

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-4-de-nha-ve-sinh-than-thien-voi-hoc-sinh-d2057962.html