Nhà xuất bản Giáo dục 'lạm dụng độc quyền' sách giáo khoa, có hành vi vi phạm pháp luật

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền trái quy định, khiến phụ huynh phải mua sách với giá cao.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan công tác biên soạn, in ấn và tăng giá sách giáo khoa. Đồng thời kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra "dấu hiệu lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà xuất bản Giáo dục trong in ấn, phát hành sách bài tập.

Trong đó, kết luận thanh tra chỉ rõ việc Nhà xuất bản Giáo dục có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi biên soạn sách giáo khoa đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào, gây lãng phí hơn 2.000 tỉ đồng.

Lạm dụng độc quyền, thống trị thị trường

Theo kết quả thanh tra, giai đoạn 2014 - 2018, trong quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, nhà xuất bản hạch toán sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua sách giáo khoa bằng giá nhà xuất bản đã đăng ký giá từ năm 2011, cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá, với số tiền hơn 85 tỉ đồng.

Việc phát hành sách giáo khoa qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian "nên chưa tiết kiệm được chi phí"... Những khoản này trở thành gánh nặng của nhiều gia đình khi phải mua sách giáo khoa với giá cao bất hợp lý.

Thanh tra Chính phủ đánh giá nhà xuất bản có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền bị cấm theo quy định của luật Cạnh tranh; xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK.

Điển hình cho nhận định của cơ quan thanh tra là các vi phạm liên quan đến bộ sách giáo khoa biên soạn theo Nghị quyết 40/2000 của Quốc hội.

Khi biên tập và thiết kế sách giáo khoa, nhà xuất bản chưa tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thiết kế, biên tập SGK để hạn chế việc học sinh viết vào sách giáo khoa. Thanh tra chính phủ xác định, từ năm 2014 đến hết tháng 8.2019, 73/193 cuốn sách giáo khoa học sinh có thể viết vào sách giáo khoa đã được in, phát hành và bán, với tổng số hơn 303 triệu bản. Nếu tính 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, giá trị lãng phí tạm tính cho gia đình học sinh và xã hội lên tới gần 2.400 tỉ đồng.

Việc phát hành sách giáo khoa qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian nên chưa tiết kiệm được chi phí. Tỷ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25%, còn cao và chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác phải kê khai giá.

Giai đoạn 2014 - 2019, nhà xuất bản lựa chọn Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng cung cấp 83,1% số lượng giấy, tương ứng gần 1.900 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ kiểm tra xác suất 1/3 lượng giấy đã cung cấp, phát hiện giá công ty bán cho nhà xuất bản cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá nhập khẩu, tương ứng chênh lệch khoảng 210 tỉ đồng.

Đáng chú ý, dù chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng nhà xuất bản đã tăng giá sách giáo khoa 16,9% từ năm học 2019 - 2020…

Điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng giá sách giáo khoa cũ theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá sách giáo khoa từ năm 2011 của nhà xuất bản (giá giấy in, tỷ lệ chiết khấu, phân bổ chi phí chung, cơ cấu chi phí và giá thành...), nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý.

Sau khi Bộ Tài chính ban hành kết luận, nhà xuất bản phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn giá sách giáo khoa mà nhà xuất bản phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay.

Đặc biệt, ngay trong phạm vi thanh tra lần này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Bộ Công an xem xét 2 nội dung. Thứ nhất là dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập. Thứ hai là việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa của nhà xuất bản có nhiều điểm bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị nhà xuất bản biên soạn sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hạn chế tối đa dạng bài tập điền, viết; có giải pháp rõ ràng, tránh việc học sinh có thể viết vào sách.

Nhà xuất bản cần xây dựng lộ trình (trong ngắn hạn) không thực hiện in sách giáo khoa theo hình thức giao in gia công, chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi (bao gồm cả giấy in sách giáo khoa), tiết kiệm chi phí sản xuất sách giáo khoa, chống độc quyền, thao túng giá đối với sách giáo khoa.

Cùng đó là nghiên cứu, làm việc với các đối tác để thống nhất giảm tỷ lệ chiết khấu, ban hành văn bản về tỷ lệ, điều kiện hưởng chiết khấu hàng năm để áp dụng giảm trừ giá bán khi ký kết hợp đồng mua bán sách giáo khoa nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sách giáo khoa.

Nhà xuất bản cũng cần thực hiện rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, định mức, kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện tiết kiệm chi phí, tái cấu trúc và nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp... xác định lại và điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng giá sách giáo khoa cũ, giá sách giáo khoa lớp 1 (mới) theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý.

Phương Cúc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nha-xuat-ban-giao-duc-lam-dung-doc-quyen-sach-giao-khoa-co-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-233078.html