Nhạc giao hưởng: Âm nhạc đỉnh cao chứa đựng 'giá trị vàng'

Trong thế giới âm nhạc, nhạc giao hưởng thường được ví như 'kỳ quan âm thanh'. Đến với nhạc giao hưởng, người nghe sẽ có cảm tưởng như đang đặt chân vào ngôi đền thiêng liêng trăm năm tuổi của âm nhạc. Chính vì thế, ngày nay, nhiều người càng lội ngược về với dòng nhạc cổ điển này.

Dàn nhạc giao hưởng LSO biểu diễn tại chương trình Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert năm 2017

Dàn nhạc giao hưởng LSO biểu diễn tại chương trình Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert năm 2017

Mở cánh cửa bước vào ngôi đền thiêng

Nhạc giao hưởng bắt đầu được hình thành trong những năm 30 của thế kỷ XVIII với tên gọi “symphonie”, tiếng Hi Lạp có nghĩa là ‘hòa hợp âm thanh’. Nhạc giao hưởng đến với công chúng từ sự mẫu mực và hài hòa của Cổ điển Vienne của thế kỷ XVIII, chuyển dịch dần thành chất thơ đắm say và cuồng nhiệt của thời kỳ Lãng mạn thế kỷ XIX. Đến thời Cận đại, Hiện đại của thế kỷ XX đầy sóng gió, nhạc giao hưởng trở thành nỗi trăn trở của thời đại khoa học kỹ thuật khi người ta tìm cách chuyển tải ngôn ngữ của thời cuộc vào dòng nhạc hàn lâm lâu đời này.

Trải qua bao nhiêu thăng hoa của nghệ thuật, nhạc giao hưởng vẫn khiến nhiều người say mê. Bởi khi ta nghe một bản nhạc giao hưởng, tưởng chừng như đang mở cánh cửa bước vào ngôi đền thiêng, kết nối với những điều tốt đẹp trong quá khứ. Chính vì lẽ đó, nhiều người chọn tìm về với dòng nhạc cổ điển có hơn 300 năm tuổi này. Người ta bỏ lại những ồn ã của nhạc thị trường đang phát đầy khắp quán xá để tìm chút lắng đọng với thể loại nhạc không lời. Càng tìm hiểu, càng dấn thân, người ta càng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mang tính từng trải, chuẩn mực, tinh tế, khi thì dịu dàng lúc lại dữ dội đến huyền hoặc của giao hưởng. Diễn tả được toàn bộ chiều sâu tâm hồn của một con người cũng như vạn sự vạn vật, làm được điều đó, có thể nói chỉ có giao hưởng!

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng sẵn sàng đặt chân mình vào ngôi đền thiêng liêng của nhạc giao hưởng. Chính vì được ví như "bà chúa của vương quốc âm nhạc" nên nhạc giao hưởng trở nên kén người nghe, được xem là một loại hình nghệ thuật "bác học" và trở nên khá xa xỉ với nhiều người. Từ đó, các chương trình biểu diễn nhạc giao hưởng khá khan hiếm so với các thể loại nghệ thuật khác và công chúng cũng không có nhiều cơ hội được tiếp xúc và cảm thụ thứ "tuyệt đỉnh âm nhạc" này.

Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018: Cửa đền đã mở!

Hiểu được giá trị bền vững và nghệ thuật của dòng nhạc đỉnh cao, Vietnam Airlines đã nỗ lực phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018 như một cách đưa người dân đến gần hơn với thể loại nhạc vốn bị gắn mác "hàn lâm" này.

Trong chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018 năm nay, không thể không nhắc đến điểm nhấn đặc biệt là dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới London Symphony Orchestra (LSO). Có thể không quá khi nói rằng, đây là sự kiện mang tầm cỡ quốc tế vì dàn nhạc LSO là một trong 5 dàn nhạc giao hưởng có uy tín nhất thế giới. Hiện nay, dàn nhạc đang giữ kỷ lục về dàn nhạc giao hưởng có số bản thu âm lớn nhất toàn cầu với những tác phẩm dàn dựng đã trở thành kinh điển. Với lần thứ 2 sang Việt Nam, LSO sẽ có 95 nghệ sĩ với trình độ biểu diễn âm nhạc điêu luyện và đầy đam mê, được điều hành bởi nhạc trưởng Elim Chan - một trong những nhạc trưởng xuất sắc của thế giới.

Với dàn nhạc LSO danh tiếng được mời đến lưu diễn tại Hà Nội, Vietnam Airlines sẽ đưa thể loại nhạc giao hưởng trở lại "vũ đài" của mình và đến gần hơn với người yêu nghệ thuật. Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018 được đánh giá là sự kiện văn hóa nổi bật của thành phố Hà Nội trong năm 2018, nhằm khẳng định hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam trong việc hòa nhập văn hóa thế giới.

Âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung của tất cả mọi người và không gì có thể gắn kết mọi dân tộc bằng âm nhạc. Buổi hòa nhạc ngoài trời này như "cánh cửa mở" giúp mọi người bước vào ngôi đền thiêng liêng với dòng nhạc giao hưởng sẽ là sợi dây kết nối, xóa nhòa sự khác biệt về văn hóa, địa lý.

Minh Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nhac-giao-huong-am-nhac-dinh-cao-chua-dung-gia-tri-vang-1329106.tpo