Nhạc kịch 'Lá đỏ' - khúc tráng ca về một thời hoa lửa

Bằng những thanh âm khi trong trẻo, lúc hào hùng pha lẫn bi thương, vở nhạc kịch 'Lá đỏ' đưa khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Trên sân khấu, mỗi khi giọng hát của nữ ca sĩ Đào Tố Loan cất lên những khúc aria, khán giả như lặng đi... Nhớ lại những khoảnh khắc ấy, Tố Loan đưa tay quệt những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào của người nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển vốn kén người nghe nhưng lại rất khổ công học tập và rèn luyện. “Khi được về mảnh đất linh thiêng của câu chuyện “Lá đỏ”, không chỉ riêng em mà tất cả nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn đều vỡ òa trong sự linh thiêng khôn tả. Trước buổi diễn, đoàn đến viếng thăm Di tích lịch sử hang Tám Cô. Từng nghe chuyện kể, đọc qua sách báo, nhưng khi được đến mảnh đất linh thiêng đó, em thực sự cảm nhận được sự hy sinh gian khổ của các cô, các chú, đặc biệt là 8 thanh niên xung phong (TNXP) nằm lại trong hang sâu lạnh lẽo. Chúng em đã khóc khi nhập vào vai diễn như mình chính là nhân vật vậy!”-ca sĩ Đào Tố Loan xúc động kể khi hóa thân vào vai Hương, Tiểu đội trưởng đội TNXP trong vở nhạc kịch “Lá đỏ”. Trên cung đường 20 Quyết thắng-đường Trường Sơn huyền thoại, nữ tiểu đội trưởng mạnh mẽ, kiên cường đã bảo vệ và che chở cho những chị em, đồng đội của mình trong suốt thời gian vật lộn để giành sự sống: “Em thật sự may mắn khi được hóa thân vào một trong 8 TNXP-một câu chuyện được khắc ghi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Em cảm ơn ê kíp nghệ sĩ sáng tạo đã viết nên vở opera “Lá đỏ” để câu chuyện huyền thoại được lưu truyền mãi mãi”.

 Cảnh trong vở nhạc kịch “Lá đỏ”. Ảnh: TOÀN DŨNG.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Lá đỏ”. Ảnh: TOÀN DŨNG.

Nhạc kịch “Lá đỏ” với thời lượng 2 giờ đồng hồ, 2 màn, 6 cảnh xoay quanh câu chuyện bi tráng có thật về 8 chiến sĩ TNXP làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn. Với họ, hằng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được hồn nhiên giao lưu với những chiến sĩ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình, ấy là mãn nguyện. Kịch tính của vở nhạc kịch được đẩy lên cao khi trong một trận cứu hàng tránh bom, 8 người bị vùi lấp trong hang. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến phút giây cuối cùng.

Trong phần vĩ thanh, nhờ có chiếc lá đỏ của thần núi, cửa hang mở ra, các TNXP bay lên như những thiên thần.

Vở nhạc kịch “Lá đỏ” là kết quả từ sự kết hợp giữa nhiều nghệ sĩ tên tuổi thuộc các loại hình nghệ thuật, như: Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; NSND, đạo diễn Anh Tú; NSND, biên đạo múa Nguyễn Anh Phương; họa sĩ Hoàng Hà Tùng... cùng với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam. Vở nhạc kịch được lấy cảm hứng từ tứ thơ trong thi phẩm “Lá đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc với những ca từ nổi tiếng: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…”. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: “Tôi có nhiều kỷ niệm, tình cảm với Trường Sơn. Năm 18 tuổi, tôi được vào Trường Sơn để phục vụ các chiến sĩ. Là người làm thơ nên trong mọi hoàn cảnh, tôi đều tranh thủ để cảm nhận và lưu trữ lại những cảm xúc của mình. Khi được mời viết kịch bản, tôi đã lấy vốn sống ngày ấy để viết. Tôi chọn các cô TNXP và các anh bộ đội công binh là nhân vật chính để xây dựng nên câu chuyện trữ tình”.

Trong vở diễn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng nhiều điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Vũ Trọng Hối, Văn Dung viết về Trường Sơn thời kháng chiến. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát sử dụng lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi, qua đó tạo sức hấp dẫn cho vở nhạc kịch “Lá đỏ” thêm phần gần gũi, dễ đi vào lòng người.

Điểm đặc biệt của vở nhạc kịch “Lá đỏ” là các diễn viên đều hát trực tiếp, không sử dụng micro và độ to-nhỏ đều do chỉ huy dàn nhạc chỉ đạo trong từng phần diễn. Bằng cách xây dựng cốt truyện vừa dồn nén, vừa xúc động, một thời hoa lửa khốc liệt nhưng hào hùng của dân tộc được dựng lên chân thực. NSND, biên đạo múa Nguyễn Anh Phương cho biết: “Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chọn những giai điệu, những nét âm nhạc, kể cả những bài hát đều rất gần gũi như bài hát “Lá đỏ” hay bài hát “Hành quân trên dãy Trường Sơn”, đồng thời có những đoạn hò âm hưởng dân ca cũng rất rõ nét, rất đi vào lòng người. Ở đây, tất cả các yếu tố âm nhạc dân tộc đã được nâng lên mang tính bác học, được hòa quyện với nhau để tạo thành một vở opera có quy mô lớn”.

Xuyên suốt tác phẩm, hình ảnh những chiếc lá đỏ ẩn hiện qua từng lời ca, tiếng hát, hành động của nhân vật, đi tới tận phần kết với âm hưởng “Trường Sơn lộng gió, ào ào lá đỏ” đem đến cho người xem những rung động nghệ thuật. Đó là rung cảm về lực lượng TNXP trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, dù gian lao, vất vả, các chị, các anh vẫn như những chiếc lá đỏ cháy hết mình, cống hiến trọn vẹn tuổi xuân cho đất nước.

Nhạc kịch “Lá đỏ” là tác phẩm đặt hàng sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vở công diễn hai ngày 25 và 26-5-2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao, bởi sau 40 năm mới có sự trở lại của một vở nhạc kịch được sáng tác, dàn dựng bởi các tài năng nghệ thuật Việt Nam. “Lá đỏ” sau đó đã có hàng chục buổi công diễn tại các địa phương, như: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và tiếp đó là Quảng Bình, Quảng Trị, như mong muốn của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và ê kíp thực hiện: Nhạc kịch đến được với người dân bình thường nhất. “Lá đỏ” cũng từng đoạt giải A thể loại nhạc kịch của Giải Âm nhạc năm 2016. Tháng 7 vừa qua, vở được ê kíp nghệ sĩ: NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc VNOB; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; NSƯT Nguyễn Hồng Phong, đạo diễn sân khấu kiêm biên đạo múa cùng các biên đạo khác như NSND Phạm Anh Phương, Minh Trang đã nâng cấp, chỉnh sửa đưa đi tham dự Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh diễn ra tại Quảng Trị. Nhạc kịch “Lá đỏ” trình diễn thực sự tạo nên ấn tượng sâu đậm và nhận tới 11 giải thưởng cho tập thể và cá nhân; trong đó có giải xuất sắc về thể loại opera, ca sĩ Đào Tố Loan giành Huy chương Vàng… NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Tác phẩm “Lá đỏ” là một công trình nghệ thuật nhọc nhằn, mang nhiều tâm huyết nhằm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà một tác phẩm của đỉnh cao, đầy nhiệt huyết cách mạng và lòng tin yêu cuộc sống”.

Với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Lá đỏ” là bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ. Vở diễn không chỉ dành cho khán giả hôm nay mà còn cho những lứa tuổi từng tham gia cuộc chiến, những cựu TNXP, những cựu chiến binh từng có mặt trên những chiến trường khốc liệt nhất. Nhiều người xúc động thấy đúng là hiện thực được tái hiện sinh động, đầy ý nghĩa. Sự ra đời của “Lá đỏ” làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn, bởi nhạc kịch không chỉ diễn ở thành phố lớn mà đã đến được với đông đảo tầng lớp công chúng ở địa phương. Điều đó chứng minh, mạch nguồn của âm nhạc Việt Nam vẫn luôn phát triển, sự đầu tư vào văn hóa nghệ thuật thực sự có hiệu quả”.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhac-kich-la-do-khuc-trang-ca-ve-mot-thoi-hoa-lua-605937