Nhạc sĩ Đức Minh: Lặng lẽ làm việc, lặng lẽ ra đi

Cứ mỗi lần về đất Quảng Ninh là tôi lại nhớ đến Đức Minh - một nhạc sĩ có rất nhiều năm gắn bó với vùng vàng đen này, mặc dù nói đến ca khúc viết về nơi đây, trước hết phải nhắc tới Hoàng Vân với hai ca khúc nổi tiếng là 'Bài ca người thợ lò' và 'Tình yêu người thợ mỏ'; Trần Chung với 'Khi chúng tôi vào lò'; Trần Quý với 'Trên mỏ Đèo Nai em hát' và nhiều bài có đời sống khác.

Có lẽ vì ông đã lăn lộn phần lớn cuộc đời tại vùng mỏ, đã dồn hết tâm lực để sáng tác và dàn dựng cho phong trào văn nghệ quần chúng mà chủ yếu là công nhân mỏ. Còn một lý do nữa khiến tôi thêm phần yêu quý và mãi nhớ ông, là cả đời mình, ông chỉ âm thầm, lặng lẽ làm việc, không một chút ồn ào.

Hầu như không ai thấy ông xuất hiện trên bất cứ một phương tiện truyền thông nào dẫu chỉ một lần, dù có sự nghiệp sáng tác đáng nể với hiệu quả không phải bất cứ nhạc sỹ nào cũng có được. Ngay cả Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ông được trao tặng năm 2007 cũng không nhiều người biết.

Đức Minh họ Tống, sinh năm 1941 ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), có gốc là người Hoa. Trước khi vào học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam) rồi trở thành nhạc sĩ, chàng thanh niên Đức Minh đã từng có những năm tháng làm nghề thuyết minh chiếu bóng ở Nam Định, rồi học đàn ghita để trở thành diễn viên độc tấu đàn này tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Cố nhạc sĩ Đức Minh.

Cố nhạc sĩ Đức Minh.

Tôi nhớ lại vào khoảng năm 1962-1963, một lần tôi đi xem ca nhạc ở rạp Hồng Hà (Hà Nội), thấy xuất hiện một nghệ sĩ dáng người thấp, nhỏ, trông không có vẻ gì là nghệ sĩ cầm cây đàn ghita bước ra sân khấu với cái tên lạ hoắc: Đức Minh. Khi ấy, tôi chỉ nghe mấy tên tuổi đình đám trong làng ghita như hai anh em ruột Tạ Tấn, Tạ Đắc và Nguyễn Văn Khánh. Ở Nam Định có Hải Thoại. Chứ chưa nghe Đức Minh. Vậy nhưng tối hôm ấy, anh chơi khá hay. Thật tiếc là sau này, khi đã trở thành nhạc sĩ sáng tác, anh hầu như buông cây đàn này để chỉ tập trung vào sáng tác.

Bẵng đi mấy năm, đến khoảng năm 1965, cũng một lần đi xem Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương biểu diễn, tôi để ý thấy xuất hiện một bài hát “mới toanh” trên sân khấu, cũng do một ca sĩ chưa xuất hiện bao giờ đơn ca. Đó là bài “Trên biển quê hương” do Bùi Khánh hát, được giới thiệu của Đức Minh. Tôi đã nghe loáng thoáng tên này từ mấy năm trước gắn với một nghệ sĩ độc tấu ghita.

Hóa ra khi ra đời “Trên biển quê hương”, tác giả vẫn là diễn viên chơi ghita ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, chưa phải là nhạc sĩ. Nhưng bài hát thật hay, để lộ năng lực sáng tác dồi dào và có kỹ năng mang tính chuyên nghiệp. Bài hát viết về cuộc sống của những người dân chài vùng biển Quảng Bình vừa đêm ngày vươn khơi, vừa chắc tay súng bảo vệ quê hương, bởi khi ấy cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã được phát động trên toàn miền Bắc.

Chất liệu dân ca Quảng Bình chỉ được tác giả sử dụng loáng thoáng khi xuất hiện mấy âm thanh “Hò là hò khoan” ở đoạn B của bài hát, còn thì được phát triển khá xa thành một ca khúc hiện đại. Thể 3 đoạn ABA vốn dĩ khó viết bởi dễ khiến bài hát bị loãng, cảm xúc lan man thiếu cô đọng.

Nhưng ngay ở ca khúc đầu tay này, Đức Minh đã thể hiện rõ năng lực viết ca khúc khi vượt qua được trở lực này. Chỉ trong một thời gian ngắn, bài hát đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là sau khi giọng hát nam trung Quý Dương thể hiện trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nói đến Đức Minh, người ta nhớ ngay đến bài hát này và đây là một trong những ca khúc hay nhất ở giai đoạn chống Mỹ, cứu nước. Sau này, khi có quan hệ thân thiết với Đức Minh, một lần tôi hỏi ông:

- Nghe “Trên biển quê hương”, có cảm giác tác giả đã rất lão luyện trong nghề viết ca khúc. Vậy mà lúc đó, anh mới chỉ là một nhạc công chơi ghita. Vậy anh có theo học riêng nhạc sĩ nào không mà có thể cho ra một bài hay như vậy?

Đức Minh cho biết khi đó, ông sáng tác hoàn toàn theo bản năng, chưa có học hành gì. Ông luôn là người kín đáo, khiêm tốn, chỉ thầm lặng làm việc một cách bền bỉ như con tằm cần mẫn ăn lá dâu rồi nhả tơ, không một chút ồn ào, phô trương, mặc dù thành tựu ông gặt hái được không nhỏ với gần 500 ca khúc, nhiều tác phẩm khí nhạc, đặc biệt rất sở trường làm nhạc cho sân khấu (kịch nói, cải lương, chèo), là tác giả phần âm nhạc của hàng trăm vở diễn, điện ảnh và múa.

Khi học xong chuyên ngành sáng tác ở Nhạc viện, Đức Minh được điều về làm việc ở Sở Văn hóa Quảng Ninh và gắn bó nhiều chục năm tại đây. Và ông là người sáng tác nhiều nhất cho địa phương này với tổng số 30 ca khúc, nổi bật nhất là bài “Đất mỏ quê ta” được bà con vùng mỏ ưa thích. Nói đến những nhạc sĩ có nhiều công sức với đất mỏ Quảng Ninh, người đầu tiên phải nói tới là Đức Minh. Nhưng mỗi khi đề cập đến những ca khúc viết về nơi đây, ông lại chỉ nhắc đến các nhạc sĩ khác như tôi đã nhắc ở trên.

Một lần, vào khoảng năm 1993, lúc này Đức Minh đã chuyển về làm việc ở Xí nghiệp sản xuất băng, đĩa hát Hà Nội thuộc Sở Văn hóa Hà Nội, ông có ý mời tôi về sáng tác cho than Quảng Ninh (dưới đó họ tín nhiệm ông nên nhờ mời hộ). Tôi nói là bản thân ông đã có nhiều bài, được Quảng Ninh quý hóa và cũng đã có không ít bài hay của các nhạc sĩ khác, còn viết nữa làm gì. Ông nói đã quá lâu, trở nên cũ rồi. Nay họ cần những bài mới. Còn bản thân ông tự thấy không thể viết được nữa vì có bao nhiêu đã dốc hết ra từ trước.

Viết mà không đủ cảm xúc, chỉ bằng kỹ thuật, nghề nghiệp thì ông không thể. Tôi quý trọng ý nghĩ này của ông và nghĩ đến một sự việc đã từng xảy ra: Có một nhạc sĩ nọ cũng thuộc hàng “cây đa, cây đề” đã từng sáng tác kiểu làm sẵn “lương khô” để khi có nơi nào mời thì cứ việc đặt lời mới cho phù hợp rồi lắp vào. Ông ta bị một địa phương phát hiện khi sau đó họ nghe được địa phương khác hát bài có giai điệu chính là bài từng viết cho địa phương mình. Thật chẳng còn thể thống gì, quá xấu hổ cho giới nhạc sĩ!

NSƯT Rơ Chăm Phiang - người hát rất hay bài “Em là hoa pơ-lang” của nhạc sĩ Đức Minh.

Khi bài hát “Trên biển quê hương” vẫn còn rộ lên trong công chúng thì Đức Minh lại có một bài thứ hai khá thú vị, đặc biệt là các chị em rất ưa thích. Đó là bài “Em là hoa pơ-lang” khai thác chất liệu dân ca Tây Nguyên: “Tây Nguyên ơi ! Hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng…”.

Tôi nhớ có một dạo, đi đến đâu cũng thấy các bạn nữ hát bài này. Thời kỳ tôi còn làm việc ở một tờ báo, phụ trách mảng nghệ thuật, đã cho ra đời chuyên mục “Bài hát nhiều người ưa thích”. Tôi chọn những bài hát nổi tiếng để đăng lại kèm lời bình.

Tôi đến gặp Đức Minh để xin văn bản và trao đổi đôi điều về bài hát này thì ông nói: “Bài mình quá bình thường. Nhiều bài về Tây Nguyên khác hay hơn nhiều. Ông chọn bài khác đi”. Tôi nhắc đến bài “Đất mỏ quê ta” của ông thì ông nói luôn: “Bài đó nghe được thôi, không thể sánh được với các bài của Hoàng Vân, Trần Chung, Phạm Tuyên được bà con rất ưa thích”.

Tôi lại nói rằng Đức Minh cũng được công nhân mỏ rất yêu quý đấy chứ thì ông tự cho rằng đó là do mình lăn lộn với phong trào ca hát tại các mỏ than, chứ không phải bài hát nổi trội hơn. Tôi thực sự cảm mến một nghệ sĩ hiếm hoi không có thói phổ biến là “văn mình, vợ người”.

Tôi cũng không quên khoảng năm 1993, khi ấy Đức Minh vừa từ Quảng Ninh chuyển về Sở Văn hóa Hà Nội, làm việc ở Xí nghiệp Băng đĩa nhạc Hồ Gươm như đã nói. Ông đến đặt vấn đề với tôi là sẽ làm một album gồm những bài tôi sáng tác cho Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai, vì lúc ấy ở xí nghiệp này đang rất phổ biến những bài tôi mới sáng tác về họ.

Tất nhiên là tôi quá vui thích. Ông tận tâm, nhiệt tình chăm chút từng bài như tác phẩm của ông vậy. Thậm chí khi tôi thấy phần thu thanh đã rất ổn, ông vẫn đề nghị thu lại. Cần thì ông sẽ bỏ tiền túi ra để bồi dưỡng thêm cho ca sĩ khi yêu cầu họ thu quá nhiều lần. Tất nhiên là các ca sĩ đều rất quý ông, vui vẻ đáp lại yêu cầu của ông mà không ai nỡ nhận thêm tiền.

Đầu năm 2017, một nhạc sĩ từ miền Nam ra Hà Nội dự buổi trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật có “khao” một số bạn thân thiết tại một nhà hàng, trong đó có Đức Minh. Ông vẫn khỏe mạnh, ăn uống ngon lành, không có bất cứ dấu hiệu gì chứng tỏ sắp ra đi. Vậy mà chỉ mấy tháng sau, vào ngày 26/9 năm đó, ở xa nghe tin ông qua đời, tôi quá ngỡ ngàng, không còn tin ở tai mình. Ông ra đi cũng bình lặng như cả cuộc đời ông không một chút ồn ào. Chí có những bài ca, các tác phẩm âm nhạc của ông là luôn âm vang mãi trong tâm khảm bao người theo thời gian.

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhac-si-duc-minh-lang-le-lam-viec-lang-le-ra-di-533902/