Nhạc sĩ Lâm Thành Lập cháy hết mình với đờn ca tài tử

Thời gian vừa qua, nhiều nghệ sĩ trở nên nhàn rỗi bởi dịch Covid-19 hoành hành. Riêng với nhạc sĩ Lâm Thành Lập và vợ anh – Nghệ nhân Đờn ca tài tử Thái Thị Vân thì không. Là bởi cả hai người luôn bận rộn với những lớp dạy nhạc, những buổi hội ngộ giao lưu, biểu diễn đờn ca và đặc biệt là những chương trình thiện nguyện trên nhiều vùng quê của đất nước.

Thành Lập tuổi con rồng – tuổi được cho là trời phú có tài văn chương, âm nhạc, thích bay nhảy, luôn có tấm lòng hào hiệp để giúp người, giúp đời. Sinh ra tại vùng đất Đại Ngãi tỉnh Sóc Trăng, nơi có truyền thống về Đờn ca tài tử và cải lương của Nam bộ, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ nhỏ Thành Lập đã thể hiện lòng say mê và năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc. Anh không chỉ thích thú, say mê xem những thành viên trong gia đình, các nghệ sĩ ở địa phương chơi đàn, hát vọng cổ mà còn tự học và thể hiện khá thuần thục các làn điệu vọng cổ.

Vợ chồng nhạc sĩ đờn ca tài tử Lâm Thành Lập - Thái Thị Vân

Thấy con có năng khiếu, lại say mê âm nhạc, dù trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, gia đình vẫn quyết định đưa anh lên Sài Gòn sinh sống, với mong muốn anh sẽ có điều kiện để phát triển tài năng của mình. Khi đó Thành Lập mới vừa tròn 8 tuổi. Và thật may mắn, anh đã không làm gia đình thất vọng, chỉ sau 6 năm – năm 1966, Thành Lập đã chính thức được nhận vào học tại Trường quốc gia âm nhạc. Tốt nghiệp ra trường năm 1969, từ đấy với Thành Lập là nối tiếp những đêm ngày theo các đoàn biểu diễn cải lương. Cho đến trước ngày miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất, Thành Lập đã tham gia các đoàn như Tân Thơ Đô Tấn Tài, Hà Triều hay các đoàn nổi tiếng khác như Hoa Lan, Út Bạch Lan… Cái tên Lâm Thành Lập ngày đó đã trở nên nổi tiếng, rất quen thuộc với những người say mê cải lương và đờn ca tài tử.

Năm 1975 khi nước nhà độc lập, Thành Lập chọn con đường ở lại quê hương để phục vụ người dân đất Việt sau bao ngày gian khổ vì chiến tranh và cũng là để duy trì niềm đam mê với âm nhạc dân tộc. Với tuổi trẻ và nhiệt huyết, lại được học hành bài bản Thành Lập đầu quân cho Đoàn cải lương Quảng Nam – Đà Nẵng. Đến năm 1979 anh cùng vợ trở lại Thành phố Hồ Chí Minh trong Đoàn cải lương Hậu Giang. Đến năm 1985 anh về đoàn Cải Lương Long Xuyên.

Với Thành Lập, đờn ca tài tử, cải lương đã ngấm vào máu, là niềm đam mê vô tận. Anh chỉ thấy vui khi được đàn, được hát cho mọi người thưởng thức. Đặc biệt với Thành Lập thì nghệ thuật âm nhạc luôn là một thứ tài sản vô giá, là thứ anh luôn trân trọng và gìn giữ. Cũng vì lẽ đó để nâng cao trình độ nghệ thuật, tài năng âm nhạc, anh đã không ngừng trau dồi, luyện tập cũng nhưng giao lưu cùng bạn bè trong giới. Tất nhiên cũng như nhiều nghệ sĩ khác, đau đáu với âm nhạc truyền thống, đôi lúc Thành Lập cảm thấy buồn, thấy chạnh lòng vì nghệ thuật cải lương có phần bị mai một, không còn cuốn hút công chúng như trước kia. Cũng đã có nghệ sĩ bỏ nghề hoặc chuyển sang hát tân nhạc, Thành Lập và vợ - nghệ sĩ Ngọc Trang (Thái Thị Vân) thì không. Họ vẫn trung tành với đờn ca tài tử với cải lương và còn tìm cách để gìn giữ, phát triển thứ vốn quý của cha ông, thứ “đặc sản” của vùng đất Nam bộ, nơi anh sinh ra. Hai vợ chồng anh quyết định tổ chức các câu lạc bộ đờn ca tài tử và mở các lớp dạy nhạc miễn phí tại nhà cho những ai có lòng say mê theo học.

Nghệ sĩ Lâm Thành Lập chơi đờn ca tài tử tại một câu lạc bộ

Cứ như thế, qua thời gian nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử đã ra đời, số người theo học cũng ngày một đông. Đã có khoảng trên 50 người được Thành Lập dạy nhạc và trong số đó không ít người đã thành danh có thể cùng thày Lập hay một mình đi biểu diễn ở các sân khấu lớn. Là người say mê và có tình yêu sâu sắc với âm nhạc – nhất là âm nhạc cổ truyền, từ nhiều năm nay Thành Lập đã có ý thức trong việc giúp đỡ, xây dựng lực lượng kế thừa. Anh luôn ủng hộ, cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi, làm vơi đi những áp lực khi người nghệ sĩ biểu diễn gặp khó khăn. Không những thế, để gìn giữ, tô điểm cái hay, cái đẹp trong âm nhạc cổ truyền, anh còn thường xuyên tổ chức, vận động để giúp đỡ các nghệ sĩ, ca sĩ khi họ gặp hoàn cảnh kém may mắn. Hiện tại Thành Lập đang cộng tác trong chương trình “Cần câu cơm” do nhà báo Khổ Gia Trường và một số anh em tham gia hoạt động hàng tuần. Cộng tác thường xuyên với chương trình “Hương lúa trong đêm” do Đài VOV tổ chức nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ trong làng âm nhạc cổ truyền dân tộc, phục vụ người dân nông thôn ở vùng sâu, vùng xa. Thành Lập tâm niệm: Con người sống phải có nghĩa có tình. Và với nghệ sĩ thì ngoài tình người còn là tri ân nghĩa tình với nghề, với nghệ thuật. Cũng vì thế anh nguyện đem hết tâm huyết nghề mà mình có được truyền lại cho những ai có lòng đam mê nghệ thuật, yêu ca hát một cách vô điều kiện. Đó cũng là cách để anh đền đáp công sức dạy dỗ, chỉ bảo của các vị tiền bối đã yêu thương, truyền lửa, truyền nghề để có anh ngày hôm nay. Có đôi lúc chợt nhớ về các sư thày, các huynh đệ một thời đã chỉ dạy, đã cùng anh tham gia biểu diễn, anh muốn lại được cùng họ nhâm nhi li cà phê, nhưng rất nhiều người giờ đã trở thành thiên cổ - biết đâu tìm.

Giờ đây đã ngoài 70 tuổi nhưng nhạc sĩ Thành Lập vẫn vừa đi biểu diễn vừa dạy học tại nhà. Anh thường không từ chối tham gia các chương trình biểu diễn gây quỹ từ thiện, biểu diễn cho các em học sinh, sinh viên hay đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Không những thế, Thành Lập và vợ còn thường xuyên tham gia công tác thiện nguyện như ủng hộ tiền, đồ dùng cho đồng bào nghèo hay tham gia các đoàn đi cứu trợ vùng lũ lụt, thiên tai, biểu diễn miễn phí tại các vùng quê nghèo mà người dân chưa có điều kiện thưởng thức nghệ thuật.

Tuy nhiên, mong ước lớn nhất của Thành Lập là làm sao để nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương không chỉ trường tồn mà còn phát triển mạnh hơn, trở thành món ăn tinh thần được nhiều người biết và thưởng thức hàng ngày. Và để làm được điều đó cần có sự vào cuộc của nhiều người mà Thành Lập và Ngọc Trang cũng muốn đóng góp một chút nhỏ công sức. Đó là việc anh mong muốn được mở thêm nhiều lớp dạy đờn ca tài tử, được đi dạy, đi biểu diễn môn nghệ thuật truyền thống này tại Nhà văn hóa Quận 7 và các nơi khác. Hy vọng muốn rất đáng quý đó của vợ chống nhạc sĩ Lâm Thành Lập – Ngọc Trang sẽ sớm thành hiện thực, để cải lương, đờn ca tài tử sống mãi, trở thành bộ môn nghệ thuật hấp dẫn với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Quang Đạt

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/nhac-si-lam-thanh-lap-chay-het-minh-voi-don-ca-tai-tu-20230104080550.htm